Công ty mẹ của Shopee tìm cách thoát lỗ sau nhiều năm đốt tiền
Sea Group chưa bao giờ báo lãi, nhưng giá cổ phiếu vẫn cao ngất ngưởng. Chuyên gia của Bloomberg nhận định đây là một "bong bóng công nghệ" khổng lồ.
Theo nhà phân tích Tim Culpa của Bloomberg, nhiều nhà đầu tư có thể cảm thấy tiếc nuối khi không mua cổ phiếu Sea Group. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, đây có thể là điều may mắn đối với họ. Giá cổ phiếu của tập đoàn Internet Đông Nam Á tăng vọt 395% trong năm 2020. Ông Culpan nhận định đây là sự tăng trưởng "phi lý".
Trong số các công ty có định giá hơn 100 tỷ USD, Sea có giá cổ phiếu tăng nhanh thứ hai, chỉ sau hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk. Định giá của công ty này hiện gấp 29 lần doanh thu năm 2020 và gấp khoảng 16 lần doanh số ước tính trong năm nay.
Để so sánh, các con số của Tesla lần lượt là 21 và 14 lần.
Trong năm 2020, giá cổ phiếu của Sea tăng 395%. Ảnh: Reuters
Nhiều năm thua lỗ
Kết quả kinh doanh quý IV và năm 2020 (công bố hôm 2/3) của Sea nêu bật sự kỳ vọng của nhà đầu tư với định giá 128 tỷ USD. Trong vòng hai năm qua, Sea không báo lãi trong bất cứ quý nào. Trong khi đó, Tesla đã ghi nhận 6 quý có lợi nhuận.
Trên thực tế, Sea chưa từng kinh doanh lãi. Và các nhà phân tích cho rằng công ty mẹ của nền tảng thương mại điện tử Shopee sẽ tiếp tục lỗ trong vòng hai năm tới.
Giới quan sát nhận định các nhà đầu tư dường như tin rằng vào một ngày không xa, tốc độ tăng trưởng vượt trội sẽ giúp Sea Group chiếm lĩnh thị trường, từ đó kinh doanh lãi giống như trường hợp của Amazon tại Mỹ.
Hai mảng kinh doanh chính của Sea là giải trí và thương mại điện tử. Lĩnh vực thứ ba là dịch vụ tài chính kỹ thuật số, chủ yếu xoay quanh các dịch vụ thanh toán phục vụ cho hoạt động kinh doanh bán lẻ trực tuyến.
Thương mại điện tử là một trong những động lực tăng trưởng chính của Sea Group. Doanh thu của Shopee đã tăng gấp đôi trong quý IV/2020 và cả năm 2020.
Shopee đang tìm cách cải thiện khả năng sinh lời sau nhiều năm đốt tiền. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, công ty Đông Nam Á vẫn không ghi nhận lãi vì chi phí hậu cần và các chi phí khác tăng cao. Thêm vào đó, Sea Group vẫn tiếp tục đốt tiền vào hoạt động quảng bá nhằm thúc đẩy lợi nhuận.
Shopee cũng đối mặt với một số vấn đề khác. Mới đây, Báo cáo "Các chợ phi pháp mua bán sản phẩm giả mạo sở hữu trí tuệ và đánh cắp bản quyền năm 2020" của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết những đơn vị nắm bản quyền phản ánh tình trạng hàng giả được bán trên các nền tảng thương mại điện tử của Shopee ở Đông Nam Á.
Shopee bị cáo buộc không có thủ tục điều tra với bên bán hàng thứ ba, không có công cụ ngăn chặn những cá nhân, tổ chức từng bị phát hiện vi phạm tiếp tục bán hàng trên nền tảng. Theo USTR, việc đóng tài khoản bán hàng giả trên Shopee chỉ được thực hiện sau khi chủ tài khoản nhiều lần vi phạm với mức độ trắng trợn. Shopee không lên tiếng phản hồi về cáo buộc này.
Định giá ngất ngưởng
Một mảng kinh doanh khác đem đến lợi nhuận bền vững cho Sea Group là giải trí. Tốc độ tăng trưởng của mảng này chậm hơn, nhưng vẫn ở mức độ đáng chú ý 77,5%. Tuy nhiên, nhà phân tích Tim Culpan của Bloomberg cho rằng vấn đề nằm ở chỗ Sea quá phụ thuộc vào Free Fire - một tựa game bắn súng trực tuyến.
Theo Sea, Free Fire là trò chơi di động được tải xuống nhiều nhất trên toàn cầu vào năm ngoái. Đây là lần thứ hai tựa game này có được thành tích trên. "Đây là một kỳ tích thực sự ấn tượng, nhưng các nhà đầu tư cần phải cân nhắc xem công ty có thể kiếm lời bao lâu trước khi người chơi cảm thấy mệt mỏi và rời đi", cây bút của Bloomberg viết.
Chắc chắn, Sea Group đang nỗ lực phát triển nhiều tựa game khác. Một số trò chơi trong số đó sẽ được người chơi yêu thích. Tuy nhiên, không chắc chúng có thể lặp lại thành công của Free Fire hay không.
Các nhà đầu tư có nhiều lý do để đặt niềm tin vào Sea. Tuy nhiên, chỉ một mình niềm tin không thể biện minh cho định giá cao một cách phi lý đó mãi.
Trong khi đó, mảng dịch vụ tài chính khá khó đoán. Vào thời điểm hiện tại, đây vẫn là một hoạt động kinh doanh đốt rất nhiều tiền của Sea Group.
Nếu có thể trở thành Alipay (của Ant Group) hoặc WeChat Pay (của Tencent Holdings), dịch vụ của Sea sẽ là một nền tảng thanh toán phổ biến. Dẫu vậy, theo Bloomberg, Sea Group vẫn phải cạnh tranh với nhiều cái tên khác như Gojek, Grab và thậm chí Line.
Hai startup kỳ lân Indonesia Gojek và Tokopedia đang đàm phán sáp nhập. Ứng dụng Grab cũng vừa giành được giấy phép ngân hàng kỹ thuật số của Singapore và là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm.
Nếu mảng tài chính kỹ thuật số của Sea đẩy mạnh tranh giành thị phần, công ty sẽ chịu thêm nhiều chi phí. Điều này có thể biến Sea Group thành một công ty dẫn đầu về mức độ thua lỗ.
"Các nhà đầu tư đặt cược vào tương lai tăng trưởng kỹ thuật số của Đông Nam Á có lý do để tin tưởng Sea Group. Tuy nhiên, chỉ một mình niềm tin không thể biện minh cho định giá cao một cách phi lý đó mãi", nhà báo Tim Culpan của Bloomberg nhấn mạnh.
Theo Zing News
Xem thêm: PGBank muốn dừng sáp nhập với HDBank