CPI tháng 2/2021 tăng 1,52% và là mức tăng cao nhất trong 8 năm qua

14:47 | 01/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Tổng cục Thống kê công bố, CPI tháng 2 tăng 1,52% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong 8 năm gần đây.
Nguyên nhân do giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng đều tăng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, một phần do chương trình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kết thúc hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng.
 
Bình quân 2 tháng đầu năm 2021, CPI giảm 0,14% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 2-2021 tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 0,79% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 0,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
 
Trong mức tăng 1,52% của CPI tháng 2/2021 so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng giữ ổn định giá. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng cao nhất với 4% (làm CPI chung tăng 0,75 điểm phần trăm), trong đó: giá điện sinh hoạt tháng Hai tăng 20,06% (tác động làm CPI chung tăng 0,66 điểm phần trăm); giá vật liệu, bảo dưỡng nhà ở chính tăng 1,31%; giá gas tăng 6,74% và giá dầu hỏa tăng 4,35%.

CPI tháng 2/2021 tăng 1,52% và là mức tăng cao nhất trong 8 năm qua - ảnh 1
 
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,61%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán, trong đó: lương thực tăng 1,77%; thực phẩm tăng 1,82% (làm CPI chung tăng 0,39 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 1,01%.
 
Nhóm giao thông tăng 1,55% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 26/1 và thời điểm 25/2/2021 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 3,28% (tác động làm CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm); bên cạnh đó, nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng tăng[6] và nhu cầu mua sắm, sửa chữa cuối năm tăng nên giá một số loại xe và giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện tăng.
 
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,9% do nhu cầu tiêu dùng và làm quà biếu tặng, chúc Tết nên giá đồ uống không cồn tăng 0,49%; rượu bia tăng 1,26%; thuốc hút tăng 0,64%.
 
Các nhóm có mức tăng thấp như may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,2%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13% do giá hoa, cây cảnh tăng; bưu chính, viễn thông tăng 0,03%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,74%. Riêng nhóm giáo dục không thay đổi.
 
CPI tháng 2/2021 tăng 1,52% và là mức tăng cao nhất trong 8 năm qua - ảnh 2
 
Giá vàng trong nước tháng 2 biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/2 giảm 2,7% so với tháng 1 do lợi suất trái phiếu tăng khiến vàng trở nên kém hấp dẫn.
 
Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước tiếp tục giữ mức giá cao trước Tết, chưa kể đây là tháng có ngày Thần tài nên nhu cầu mua vàng tăng. Chỉ số giá vàng tháng 2 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.
 
Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới giảm trong bối cảnh các đồng tiền ảo tăng mạnh thu hút các nhà đầu tư. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu.
 
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 2/2021 giảm 0,17% so với tháng trước; giảm 0,33% so với tháng 12/2020 và giảm 0,76% so với cùng kỳ năm trước.
 
Nguyễn Dung