CPTPP: Cánh cửa đã mở nhưng con đường không dễ đi
Lợi thế này là rất đáng kể ở các thị trường mà chúng ta chưa từng có FTA như Canada, Mexico, Peru..., qua đó để bước vào thị trường châu Mỹ đầy tiềm năng. Bên cạnh đó, với các đối tác đã có FTA với Việt Nam (như Nhật Bản, Australia, New Zealand...) thì CPTPP cũng tạo thêm cơ hội mới, lựa chọn mới cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi tiếp cận các thị trường này.
CPTPP cũng được dự báo sẽ tạo ra một bước ngoặt mới trong thu hút đầu tư nước ngoài, tự do hóa dịch vụ, giúp nền kinh tế Việt Nam có xung lực mới, tạo sức ép hợp lý thúc đẩy cạnh tranh trong nhiều thị trường dịch vụ, đặc biệt trong các dịch vụ phục vụ sản xuất, hứa hẹn mang lại các dịch vụ có chất lượng cao hơn, giá hợp lý hơn cho người dân và giảm giá thành sản xuất cho các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.
Đặc biệt, CPTPP là một sức ép có trọng lượng, thúc đẩy các cải cách mạnh về thể chế kinh tế trong nước, theo các tiêu chuẩn cao về đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm công… đã nêu trong các cam kết.
Đây không chỉ là cơ hội cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện phương thức vận hành của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam mà còn là sức ép hợp lý để doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững, phù hợp với những đòi hỏi của thị trường hiện đại.
Tuy nhiên, tham gia CPTPP, để đổi lấy những cơ hội, Việt Nam cũng phải cam kết mở cửa mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ của mình cho các đối tác đồng thời cũng phải chấp nhận những quy tắc tiêu chuẩn cao, thu hẹp không gian tự do trong quyết định các chính sách phía sau đường biên giới. Thách thức vì vậy cũng không hề nhỏ.
Với các cam kết mở cửa thị trường, thách thức trực tiếp nhất là cạnh tranh gia tăng. Trong CPTPP, chúng ta sẽ mở cửa thị trường rộng cho 10 nền kinh tế đối tác, trong đó có những đối tác mới chưa từng tự do hóa, cũng có những đối tác “cũ” nhưng mức độ tự do hóa trong CPTPP đã được nâng cấp hơn.
Dù thế nào thì đối thủ từ tất cả các đối tác này đều có năng lực cạnh tranh mạnh hơn doanh nghiệp của ta.
Những ngành xưa nay vốn được bảo hộ tương đối chặt chẽ, hoặc yếu thế trong cạnh tranh như chăn nuôi, một số sản phẩm trồng trọt, một số lĩnh vực dịch vụ… được cho là sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà. Cạnh tranh trong nội khối CPTPP cũng được dự báo là không nhỏ, khi mà một số đối tác có cơ cấu sản phẩm và thế mạnh xuất khẩu tương đồng.
Với các cam kết về quy tắc, thách thức về chi phí tuân thủ chắc chắn sẽ là rất lớn, với cả Nhà nước và doanh nghiệp. CPTPP bao gồm nhiều cam kết về các vấn đề phía sau đường biên giới, với các tiêu chuẩn cao hơn so với mặt bằng chung trong các Hiệp định của WTO ở nhiều lĩnh vực (sở hữu trí tuệ, đầu tư, giải quyết tranh chấp, hải quan, phòng vệ thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn…).
Thậm chí, CPTPP còn bao gồm cả những cam kết về các vấn đề vượt ra ngoài WTO như mua sắm công, lao động, môi trường…Do đó, dự kiến khi triển khai thực hiện CPTPP, chúng ta sẽ phải rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật trong khá nhiều lĩnh vực.
Với Nhà nước, đó là thách thức trong việc chuyển hóa các cam kết quy tắc của CPTPP vào pháp luật nội địa một cách uyển chuyển, làm sao để vừa tuân thủ Hiệp định, lại vừa có lợi nhất cho nền kinh tế, tránh được bẫy phân biệt đối xử ngược (đối xử với nhà đầu tư nước ngoài tốt hơn với nhà đầu tư trong nước).
Với doanh nghiệp, một số tiêu chuẩn có thể sẽ tăng lên hoặc phức tạp hơn theo yêu cầu của Hiệp định (ví dụ về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ…) sẽ khiến gánh nặng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp tăng thêm tương ứng. Đó là chưa kể tới các tác động ở cấp vĩ mô phát sinh trực tiếp hoặc gián tiếp từ quá trình thực thi Hiệp định (ví dụ chuyển dịch lao động, phân bổ dân cư, các thay đổi về thuế, áp lực đối với cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục…) mà cả Nhà nước và mỗi người dân đều sẽ phải đối mặt.
Sau tất cả, từ bài học thực thi 10 FTA đang có hiệu lực, có lẽ thách thức chủ yếu của chúng ta là làm thế nào để hiện thực hóa được các cơ hội từ Hiệp định này.
Chuẩn bị sẵn sàng cho CPTPP không chỉ là câu chuyện về tận dụng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa, mà bao trùm hơn, đó còn là câu chuyện rà soát sửa đổi pháp luật, thể chế kinh tế cho phù hợp với các tiêu chuẩn cao này đồng thời bảo đảm tốt nhất lợi ích của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Điều này đòi hỏi những hành động thiết thực cả từ phía các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp.
Từ góc độ cơ quan Nhà nước, trước hết cần phải tuyên truyền phổ biến về CPTPP. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế không hẳn như vậy. Ví dụ văn kiện TPP đã công bố hơn 2 năm qua, nhưng đến nay khó có thể khẳng định các cơ quan ban ngành đều hiểu về các cam kết TPP liên quan tới công việc của mình, chưa nói tới việc chuẩn bị cho thực thi hiệu quả.
Bên cạnh đó, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là tuyên truyền phổ biến cam kết, phân tích các cơ hội và thách thức từ các cam kết CPTPP cho doanh nghiệp.
Từ chuyện biết chung chung, lo ngại chung chung tới chuyện hiểu đầy đủ, hiểu chính xác về các cam kết cụ thể có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lại là một chặng đường rất dài.
Các cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát, sửa đổi pháp luật để phù hợp cam kết, linh hoạt theo hướng có lợi cho doanh nghiệp nội địa. Quá trình này cần được thực hiện minh bạch, đồng bộ và đặt trong sự tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp.
Mở rộng hơn, Chính phủ cần tận dụng được động lực từ CPTPP để cải cách, tạo bước ngoặt trong hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo ra sức bật cho nền kinh tế.
Từ góc độ thể chế, để bảo vệ lợi ích của mình trong lâu dài, đặc biệt trên thị trường nội địa trước áp lực thay đổi chính sách, pháp luật theo yêu cầu CPTPP, doanh nghiệp cần chủ động tham gia sâu và hiệu quả vào quá trình các cơ quan Nhà nước nội luật hóa các cam kết CPTPP. Đây là việc mà các doanh nghiệp đơn lẻ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, không thể thực hiện được.
Do đó doanh nghiệp trước hết cần ý thức được tầm quan trọng của công việc này, sau đó là phải liên kết với nhau, cùng với các hiệp hội doanh nghiệp để vận động và có tiếng nói hiệu quả.