CTCP Đầu tư Lạc Hồng - ông chủ lâu đài Tam Đảo giàu cỡ nào?
Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP Đầu tư Lạc Hồng (Lạc Hồng) được thành lập vào tháng 9/2003, trụ sở chính tại số 85 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Tp. Hà Nội, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà để ở.
Tới cuối tháng 3/2015, Lạc Hồng có vốn điều lệ 81 tỉ đồng, trong đó, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Lê Xuân Trường (SN 1970) sở hữu 41,56% vốn điều lệ. Hai cổ đông lớn khác cùng nắm giữ 10% vốn của Lạc Hồng là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp) và ông Trần Văn Nghĩa - Thành viên HĐQT.
Đến tháng 5/2015, Hancorp quyết định bán đấu giá toàn bộ 810.000 cổ phần, triệt thoái vốn khỏi Lạc Hồng. Thương vụ đấu giá thu hút sự tham gia của 2 nhà đầu tư cá nhân, với khối lượng đặt mua lần lượt là 648.000 cổ phần và 162.000 cổ phần. Giá đấu thành công bình quân là 10.000 đồng/cổ phần - bằng mức giá khởi điểm mà Hancorp đưa ra.
Năm 2016, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty lần lượt đạt 720,8 tỉ đồng và 11,5 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận ở mức 1,59%. Trước đó, chỉ tiêu này vào các năm 2013 và 2014 lần lượt đạt 0,4% và 0,3%.Sau khi Hancorp thoái vốn, dữ liệu của VietTimes cho thấy, Lạc Hồng đã ghi nhận những chuyển biến tích cực về kết quả hoạt động kinh doanh.
Doanh thu của Lạc Hồng tiếp tục tăng trưởng vào năm 2017, đạt 1.084 tỉ đồng, cao gấp rưỡi so với 2016. Đồng thời, công ty này báo lãi sau thuế lên tới 206,5 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 19%.
Hai năm sau đó, mặc dù doanh thu của Lạc Hồng có xu hướng giảm, tuy nhiên biên lợi nhuận vẫn tiếp tục được cải thiện.
Cụ thể, các năm 2018 và 2019, Lạc Hồng ghi nhận doanh thu đạt lần lượt 1.023 tỉ đồng và 845 tỉ đồng, báo lãi sau thuế lần lượt ở mức 231 tỉ đồng và 287,8 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 22,6% và 34%.
Quy mô tài sản của Lạc Hồng cũng gia tăng đáng kể. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Lạc Hồng đạt mức 3.723 tỉ đồng, tăng 44,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu tăng gấp hơn 6,3 lần so với cuối năm 2016, từ 123,5 tỉ đồng lên 786 tỉ đồng.
Lạc Hồng có gì?
Trên trang chủ, Lạc Hồng cho biết từng tham gia xây dựng nhiều công trình dự án lớn như: Phòng họp chính - Tòa nhà Quốc hội; Trụ sở Bộ Công an, Bộ Ngoại giao; Trung tâm Thông tấn xã Việt Nam; Chung cư Viglacera Tower; Trụ sở Công ty Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex); Tòa nhà Viettel Vĩnh Phúc; Tòa nhà Geleximco; Trạm bơm Yên Sở…
Lạc Hồng cũng là chủ đầu tư một số dự án như: Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Serena Resort Kim Bôi Hòa Bình (quy mô 30 ha, tổng mức đầu tư gần 300 tỉ đồng); Khu nghỉ dưỡng - Du lịch sinh thái hồ Hòa Bình (quy mô 161,5 ha); Khu đô thị Chùa Hà Tiên (Vĩnh Phúc); Hạ Long Bay View (Quảng Ninh).
Xuôi về phía Nam, ít ai biết rằng, Lạc Hồng còn xúc tiến đầu tư dự án Khu thương mại dịch vụ và Du lịch sinh thái Lạc Hồng tại tỉnh Khánh Hoà.
Tháng 2/2017, UBND tỉnh Khánh Hoà đã có quyết định điều chỉnh tổ chức được thuê đất, tên dự án đầu tư, cho phép CTCP Du lịch Oải Hương - là công ty được tách ra từ Lạc Hồng - thuê 128.615,7 m2 đất để thực hiện dự án Khu Thương mại và Dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Oải Hương toạ lạc tại Lô TT2a, TT2b, TT2c, TT2d và X3a thuộc Khu du lịch Bắc bán đảm Cam Ranh, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Dự án còn có tên thương mại là Lavender Resort Cam Ranh.
Hiện nay, Lạc Hồng còn sở hữu công ty con là CTCP Nam Tảm Đảo (Nam Tam Đảo) - thành lập tháng 11/2004, trụ sở chính đặt tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Cuối năm 2020, Nam Tam Đảo được Thủ tướng quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sân gôn Lanh Thanh - Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Dự án này có quy mô 73,2 ha, tổng vốn đầu tư hơn 655,5 tỉ đồng, mục tiêu đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn 18 lỗ.
Ngoài ra, Lạc Hồng còn là cổ đông sáng lập nắm giữ 30% vốn của CTCP Đầu tư Lạc Hồng - Sapa (vốn điều lệ 30 tỉ đồng).
Ngày 24/10/2018, Bộ Xây dựng có Quyết định số 1369/QĐ-BXD ban hành kế hoạch thanh tra năm 2019.
Theo đó, Lạc Hồng là một trong những doanh nghiệp sẽ bị thanh tra chuyên ngành về hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở.
Các dự án rơi vào “tầm ngắm” của Thanh tra Bộ Xây dựng gồm: Tổ hợp chung cư cao cấp N01 T5, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội; Chung cư phục vụ cán bộ viên chức quận Tây Hồ và các cơ quan của thành phố, quận Tây Hồ, Hà Nội; Khu nghỉ dưỡng Kim Bôi, Hòa Bình; Chung cư Quảng Ninh, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh; Khu ẩm thực tại trung tâm thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc; Khu tổ hợp dịch vụ cao cấp, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc; Khu nhà ở dịch vụ hai bên đường trục chính khu trung tâm lễ hội Tây Thiên, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc; Khu đô thị mới chùa Hà Tiên giai đoạn 2, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc./.
Theo Viettimes