Bất động sản công nghiệp sôi động, Vĩnh Phúc kỳ vọng tiếp tục tăng tốc trong thu hút FDI

Đông Bắc 08:08 | 06/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vĩnh Phúc đang được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư ngoại khi bất động sản khu công nghiệp tại địa phương phát triển mạnh. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vừa được trao giấy chứng nhận đầu tư mới với nguồn vốn rất lớn...

 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Bình Xuyên II, tỉnh Vĩnh Phúc.

Quyết định nêu rõ, chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Bình Xuyên II (giai đoạn 2) đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH Fuchuan.

Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN với quy mô sử dụng đất của dự án 63 ha. Tổng vốn đầu tư là 810 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 166,7 tỷ đồng; vốn huy động là 643,4 tỷ đồng.

Thời hạn hoạt động của dự án kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đến ngày 18/7/2057. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Địa điểm thực hiện dự án thuộc địa bàn thị trấn Bá Hiến và xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

 Vĩnh Phúc thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại vào phân khúc bất động sản công nghiệp. Ảnh BVP.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự án và những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về KCN theo quy định.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Công ty TNHH Fuchuan có trách nhiệm đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định theo quy định của pháp luật. Đồng thời đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu theo đúng tiến độ cam kết và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

Đồng thời thực hiện các thủ tục về môi trường theo đúng quy định cũng như tuân thủ các nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được phê duyệt.

Ngoài ra, công ty cần ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật.

Các khu công nghiệp Vĩnh Phúc thu hút nhiều nhà đầu tư lớn

Liên quan đến đầu tư phát triển khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc, cuối tháng 2 vừa qua, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh này đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án nhà máy IL San Vina tại Khu công nghiệp Bình Xuyên. Dự án do nhà đầu tư IL San Precision Vina (Hàn Quốc) góp vốn thực hiện với mục tiêu chính là sản xuất, gia công khuôn cắt FPCB các loại cho bảng mạch điện tử của điện thoại di động và thiết bị điện tử khác.

Ngày 22/3, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án của Tập đoàn Polaris đến từ Hoa Kỳ, chuyên sản xuất phụ tùng và lắp ráp ô-tô, mô-tô. Dự án có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, triển khai tại Khu công nghiệp Bá Thiện II, huyện Bình Xuyên.

Riêng trong quý I/2023, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện cấp mới 6 dự án FDI (dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký 65,21 triệu USD; thực hiện thủ tục tăng vốn đầu tư cho 11 dự án; trong đó: 10 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 109,59 triệu USD và 01 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 979,1 tỷ đồng.

Đến thời điểm 31/3/2023, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc là 451 dự án, gồm 97 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 27.687,05 tỷ đồng và 354 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5.987,26 triệu USD.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, địa phương này có 16 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư với diện tích quy hoạch trên 3.100 ha; trong đó có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định, đã đi vào hoạt động có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp; 6 khu công nghiệp đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gồm khu công nghiệp Sơn Lôi, Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I – khu vực 2; Thái Hòa - Liễn Sơn – khu vực 2 (giai đoạn 1), Nam Bình Xuyên.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp mới được thành lập, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ trì tổ chức hội nghị với các chủ đầu tư hạ tầng để nắm bắt tình hình thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng; đôn đốc khẩn trương thực hiện giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng.

Đồng thời, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phù hợp với bối cảnh thực tế của địa phương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng.

Dự kiến, trong quý II/2023, Vĩnh Phúc dự kiến thu hút thêm 3-5 dự án FDI với vốn đăng ký đạt 60-70 triệu USD và 2-3 dự án trong nước với vốn đăng ký đạt khoảng 500-700 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai với thời gian nhanh nhất theo quy định của pháp luật; xây dựng hệ sinh thái thu hút đầu tư đồng bộ, khác biệt với các địa phương khác; cụ thể hóa thế mạnh của địa phương để phát huy lợi thế thu hút đầu tư.

 Bất động sản công nghiệp Vĩnh Phúc đang được đánh giá là 'điểm sáng mới' trong phát triển khu công nghiệp phía Bắc. Ảnh BĐS.