Củ niễng: Từ bùn đất quê nhà, đến `vua rau` nơi phố thị, dân buôn bỏ túi vài chục triệu một vụ
Củ niễng là một món đặc sản của vùng đất Nam Định, vài năm trở lại đây qua tay dân buôn hàng trên mạng trở thành trở thành "đặc sản" được những thượng khách săn đón mê mẩn.
Củ niễng hay còn gọi là lúa bắp, loại cây thảo lâu năm, sống ở môi trường nước hoặc bùn. Đây là cây có thân rễ rất phát triển, thân đứng cao tới 1-2m, phần dưới gốc to xốp. Người dân cấy niễng từ tháng 2 âm lịch, đến đầu tháng mười âm lịch, người ta chèo những chiếc thuyền nhỏ trên đầm, bóc những chiếc lá niễng khô xác, ram ráp như lá mía để bẻ lấy những củ niễng trong lõi gốc. Bóc lớp bẹ vỏ tím đi là những củ niễng trở nên trắng tươi nõn nà mát mắt. Củ niễng ăn sống ngọt lừ, mát ruột. Có hai loại là niễng đực và niễng cái, niễng cái thì củ to và mẩy hơn, ăn thơm ngọt hơn.
Chị Thu Trang cho biết vào tháng 11 hàng năm chị lại bắt đầu tìm mua củ niễng, mấy năm trở lại đây củ niễng được mệnh danh là "vua rau" nên đầu nên mới đầu mùa mà đã đắt hơn so với mọi năm từ 5.000-7.000 đồng một bó, một bó trung bình 10 củ giá dao động từ 40.000 đồng trở lên tùy lớn bé.
"Ngày trước, củ niễng là loại cây dại mọc bờ ao, đến mùa người dân thường bẻ về ăn thay rau. Nhìn xa, chúng khá giống với cây sả. Nhưng vài năm gần đây, củ niễng bỗng trở thành đặc sản trên phố khiến người người, nhà nhà đổ xô đi kiếm tìm, loại rau này vốn rất hiếm vì đa phần tiểu thương đổ buôn cho các nhà hàng, cứ ra đến chợ là hết, thế nên rút kinh nghiệm năm nay tôi phải đặt trước bỏ tủ lạnh lạnh để ăn dần, vì thời vụ ngắn đến cuối mùa loại đặc sản này tăng gấp đôi gấp ba"- chị Thu Trang chia sẻ
Theo chị Trang, mỗi lần nhặt bóc niễng như là làm măng, bởi càng vào sâu bên trong, củ sẽ càng lộ ra lớp thịt trắng, trông rất hấp dẫn. Khi ăn, nhai chầm chậm, "thượng đế" sẽ cảm thấy độ ngon, giòn và bùi đặc trưng.
Vốn là người gốc Nam Định, quê hương của củ niễng, thế nên cứ đến mùa là chị Hải Ninh lại lùng sục tìm bằng được mua "vua rau" về ăn. Chị cho biết, ngày trước, cứ đến mùa, chị thường nhờ người nhà gửi niễng lên ăn. Tuy nhiên vài năm nay các tiểu thương, mang đặc sản đi khắp mọi miền việc mua cũng dễ dàng hơn, chị cho biết trước đây ăn vì mùi vị của củ niễng rất ngon và bùi tuy nhiên khi tìm hiểu chị được biết rất nhiều công dụng như làm đẹp da, tiêu hóa tốt, làm đẹp da...Thế nên, nhiều người mua niễng về ăn như vẹn cả đôi đường, khi vừa có món ngon vừa có bài thuốc quý
Ở quê chị hiện tại mọi người cũng trồng củ niễng để cung cấp cho thị trường, trung bình một vụ niễng thu hoạch lãi từ từ 40 - 50 triệu đồng khiến ai nấy cũng đều phấn khởi" - chị cho biết.
Anh Nguyễn Quý, một tiểu thương ở chợ Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, trung bình mỗi ngày, anh bán ra thị trường hơn 100 bó niễng. Tính sơ sơ, mỗi bó niễng anh lãi hơn 2.000 đồng, chưa kể vào thời gian cao điểm, anh còn lãi tới 3.000 đồng/bó. Niễng đầu mùa thường có giá 35.000 - 40.000 đồng/bó/10 củ, cuối vụ thì đắt hơn một chút do khan hiếm hàng. Đa phần, niễng ở Hà Nội đều nhập từ Nam Định bởi củ ở đây to, chắc, giòn hơn ở các vùng khác. Ngoài ra, anh Quý còn cho rằng, củ niễng vốn được người dân Hà Nội yêu thích bởi chúng không dùng thuốc trừ sâu và chứa nhiều công dụng tốt. Hơn thế, niễng còn chế biến được nhiều món ngon, ăn lạ miệng như niễng xào trứng, xào bò, xào hành...
Tương tự, chị Lan Hương, một dân buôn niễng trên chợ mạng chia sẻ, như vụ năm trước, chị kiếm được 20-40 triệu đồng tiền lãi nhờ bán đặc sản Nam Định. Ngoài bán lẻ trên mạng, chị còn giao cho các nhà hàng, quán ăn, tiểu thương ở các chợ dân sinh Hà Nội. Do mùa niễng chỉ kéo 1 tháng nên tôi phải tranh thủ ngay đầu mùa, liên hệ với các vườn trồng thu mua sớm. Tính ra mỗi ngày, tôi cũng tiêu thụ tới vài nghìn củ niễng, thu về cả triệu đồng tiền lãi.
Năm nay niễng kém năng suất hơn năm ngoái, không đủ bán. Thương lái đến tận nơi thu mua, loại to ngon nhất có giá từ 3.000 - 3.500 đồng/củ, còn trung bình 2.000 đồng/củ. Mỗi sào niễng gia đình tôi thu nhập từ 8-9 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa”, ông Trần Văn Tuấn, người trồng niễng chia sẻ
Trong khoảng hơn 1 tháng, ngày nào người trồng niễng cũng được thu hoạch. Những hộ trồng niễng như ông Tuấn hiện đang luôn chân, luôn tay tại ruộng. Chậm một ngày thôi là củ niễng già đi nhanh chóng, vỏ xanh, xốp, giảm hẳn độ giòn ngọt, mất ngon. Sau khi cắt niễng người trồng chuyển về nhà sơ chế, phân loại củ theo kích cỡ lớn, nhỏ khác nhau rồi xếp 10 củ thành một bó, đều tắp tắp như mời gọi. Mỗi bó niễng như thế bán ra thị trường có giá từ 25.000 - 40.000đồng/bó. Nhưng niễng thu hoạch đến đâu, đều có người đến mua buôn, mua lẻ hết veo…
Người trồng niễng tiết lộ rằng, những củ mập mạp và bên trong có ít chấm đen thì vị ngọt và giòn hơn. Củ niễng sau khi sơ chế xong nom múp míp, trắng phau phau rất “đã” mắt. Chỉ cần thái chúng thành những lát mỏng rồi xào cùng gia vị là ta đã có một bữa cơm ngon lành. Củ niễng được các bà, các chị đảm đang, các nhà hàng, khách sạn biến tấu thành nhiều món ngon, quyến rũ. Là món niễng xào cùng thịt bò, tôm, rươi, canh củ niễng - thịt gà - nấm kim châm, lẩu niễng - nấm... Hay chỉ giản dị như củ niễng xào trứng, củ niễng xào hành không thôi cũng đã ngọt, bùi, dậy mùi thơm dịu đặc trưng và rất “hao” cơm rồi. Nhiều người, nhất là trẻ nhỏ còn thích ăn sống củ niễng bởi vị ngọt ngọt, giòn giòn, mùi thơm thanh tao, ăn đến no mà không chán…
Nguyễn Dung(t/h)