Cuộc so găng hàng không vũ trụ giữa Elon Musk và Jeff Bezos

Chu Khải Hoàn 11:11 | 04/02/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tỷ phú Elon Musk và Jeff Bezos đang tạo ra một cuộc cạnh tranh gay gắt trên lĩnh vực hàng không vũ trụ, thị trường có thể đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2030.

Theo bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes, CEO Tesla Elon Musk và cựu CEO Amazon Jeff Bezos là hai người giàu nhất thế giới hiện nay. Hai người đàn ông này đều đang sở hữu khối tài sản ròng lên tới hàng trăm tỷ USD.

Một trong những cuộc đua được nhắc đến nhiều nhất giữa hai người đàn ông giàu nhất hành tinh hiện nay chính là cuộc đua trong ngành hàng không vũ trụ. Trong một báo cáo hồi năm ngoái, ngân hàng UBS ước tính giá trị thị trường của ngành du lịch vũ trụ - tính chung hai mô hình dịch vụ chính là suborbital và orbital, có thể đạt đến 3 tỷ USD vào năm 2030.

Gần đây, công ty tư vấn hàng không vũ trụ Northern Sky Research (NSR) đã đưa ra một dự báo cụ thể hơn. Theo đó, NSR tin rằng dịch vụ du hành suborbital sẽ thu hút nhiều khách hàng tiềm năng hơn.

Cụ thể, đến năm 2028, NSR cho rằng mô hình suborbital sẽ có giá trị thị trường khoảng 2,8 tỷ USD với tổng doanh thu trong thập kỷ tới khoảng 10,4 tỷ USD. Còn dịch vụ orbital sẽ có giá trị khoảng 610 triệu USD, tổng doanh thu trong 10 năm tới khoảng 3,6 tỷ USD.

Hiện Elon Musk đang là CEO SpaceX trong khi Jeff Bezos là nhà sáng lập Blue Origin, hai trong số những công ty hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới.

Elon Musk và Jeff Bezos đang tạo ra một cuộc chiến khốc liệt trong ngành hàng không vũ trụ. (Ảnh: Business Insider).  

Elon Musk

Nếu có một cuộc đua đang diễn ra, rất nhiều người tin rằng SpaceX là đơn vị dẫn đầu. Công ty liên doanh của tỷ phú Elon Musk được thành lập vào năm 2002, đã chế tạo tên lửa có khả năng đưa vệ tinh và hàng hóa khác vào quỹ đạo Trái đất. 

Thậm chí, SpaceX đã tìm ra cách hạ cánh và sử dụng lại phần lớn các tàu vũ trụ của họ sau chuyến bay. Đặc biệt, SpaceX đã giành được các hợp đồng quan trọng của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và chính phủ Mỹ.

Elon Musk có niềm đam mê mãnh liệt với Hỏa, đến nỗi từng phóng một robot có tên "Mars Oasis" đến đó để khám phá. Robot này làm nhiệm vụ khám phá và chụp các bức hình trên sao Hỏa gửi lại cho các nhà nghiên cứu tại Trái đất. Tỷ phú Elon Musk hy vọng dự án này sẽ khơi dậy sự quan tâm mới trong việc đưa con người lên sao Hỏa của chính phủ Mỹ.

Tỷ phú Elon Musk từng cam kết tài trợ 20 triệu USD cho sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa và đã cố gắng mua một số ICBM tân trang từ Nga nhưng không có kết quả. Tuy nhiên, sau đó ông phát hiện dự án đã vượt quá ngân sách của bản thân. 

Đó là lý do ông thành lập SpaceX nhằm phát triển các tên lửa có thể tái sử dụng giúp giảm chi phí đưa con người và đồ vật vào không gian. SpaceX đã làm việc trong hai thập kỷ để theo đuổi ước mơ này của tỷ phú người Nam Phi.

Công ty đã hoàn thành nhiều lần phóng thử dành cho khách hàng thương mại và chính phủ. Năm 2012, SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa tàu vũ trụ lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). 

Năm 2020, công ty tiếp tục trở thành đơn vị đầu tiên đưa con người vào không gian và lên ISS. Tháng 4/2021, NASA đã chọn công ty để đưa các phi hành gia đầu tiên lên Mặt Trăng kể từ năm 1972.

SpaceX cũng đang nghiên cứu dịch vụ internet băng thông rộng bao gồm hàng nghìn vệ tinh, được gọi là Starlink. Dịch vụ này nhằm cung cấp internet tốc độ cao đến các vùng sâu vùng xa và nông thôn. SpaceX gần đây cho biết họ đã có hơn 500.000 đơn đặt hàng.

Cuối cùng, Elon Musk cho rằng tương lai của loài người phụ thuộc vào khả năng định cư trên sao Hỏa. Năm 2020, tỷ phú người Nam Phi từng tiết lộ mong muốn thành lập một thành phố với khoảng một triệu dân trên sao Hỏa vào năm 2050. Những người định cư sẽ đến đó bằng cách sử dụng một hạm đội 1.000 SpaceX Starships.

Để hỗ trợ mục tiêu đã đặt ra, tỷ phú Elon Musk thậm chí đã bán hàng loạt dự án bất động sản cũng như biệt thử của mình. Tuy nhiên, SpaceX cũng có thể trở thành mỏ vàng với CEO Tesla khi nhiều chuyên gia nhận định tỷ phú Nam Phi có thể trở thành người đầu tiên trên thế giới sở hữu khối tài sản ròng trị giá 1.000 tỷ USD nhờ vào ngành hàng không vũ trụ.

Trong cuộc cạnh tranh với Blue Origin, SpaceX đã có một lượng lớn người hâm mộ, những người sẵn sàng bảo vệ mọi hành động của tỷ phú Elon Musk. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng SpaceX thường xuyên là người tiên phong trong lĩnh vực không gian thương mại bằng cách phá vỡ các kỷ lục, làm nên lịch sử và hoàn thành những điều mà nhiều chuyên gia trong ngành từng cho là không khả thi. 

Công ty được cho là đã gần như một tay phá vỡ ngành công nghiệp tên lửa, vốn được coi là khá trì trệ và có phần kém thú vị trong vài thập kỷ trước khi SpaceX xuất hiện. Mặt khác, bản thân Elon Musk vẫn chưa du hành vào không gian, cũng như không nói khi nào ông sẽ làm như vậy hoặc liệu ông có sẵn sàng chấp nhận rủi ro sớm hay không.

Jeff Bezos

Nếu có ai đó có khả năng cạnh tranh với tỷ phú Elon Musk trên thị trường hàng không vũ trụ, thì người đó chỉ có thể là Jeff Bezos. Mặc dù vậy, hàng không vũ trụ ban đầu không phải trọng tâm của tỷ phú người Mỹ.

Ông thành lập Blue Origin vào năm 2000, tức 6 năm sau khi thành lập gã khổng lồ Amazon. Phương châm ban đầu của Blue Origin là "gradatim ferociter", một cụm từ tiếng Latinh mà dịch ra có nghĩa là "chậm rãi nhưng chắc chắn". Linh vật của Blue Origin cũng là một con rùa, bày tỏ ý nghĩa xoay quanh câu chuyện ngụ ngôn "thỏ và rùa", ý muốn nói công ty sẽ đi chậm nhưng chắc chắn.

"Linh vật của chúng tôi là rùa bởi chúng tôi tin rằng đi chậm mà chắc sẽ tốt hơn đi nhanh nhưng rủi ro", Jeff Bezos trả lời một buổi phỏng vấn khi được hỏi về đối thủ SpaceX, công ty được biết đến với những thử nghiệm nhanh chóng nhưng thường xuyên gặp lỗi và thất bại.

Trong nhiều năm, Blue Origin hoạt động gần như hoàn toàn bí mật. Tuy nhiên, giờ đây mọi thứ đã khác, mục tiêu của công ty đã khá rõ ràng: Trở thành ông lớn trong ngành hàng không vũ trụ và đưa tỷ phú Jeff Bezos quay trở lại ngôi vị số một thế giới.

Ông đã thành lập Blue Origin để phát triển các công nghệ tên lửa và tàu vũ trụ giá rẻ. Công ty cũng đã lên kế hoạch cho tàu đổ bộ xuống Mặt trăng và làm việc cùng với NASA cũng như những đơn vị khác để thiết lập căn cứ trên Mặt trăng.

Trong những năm gần đây, công ty đã thử nghiệm một tên lửa dưới quỹ đạo có tên là New Shepard. Hành khách có thể nhìn thoáng qua Trái đất qua các khung cửa sổ lớn và trải nghiệm vài phút trong trạng thái không trọng lực. Điều này cuối cùng đã xảy ra trong năm 2021 khi New Shepard đã đưa chính tỷ phú Jeff Bezos cùng những người khác vào quỹ đạo ngoài Trái đất trước khi trở lại an toàn.

Công ty cũng đang phát triển một tên lửa lớn hơn có tên là New Glenn để chuyển tải trọng đến quỹ đạo thấp, cùng với một dự án bí mật trong tương lai có tên là New Armstrong. Các mô hình của Blue Origin đều được lấy tên theo các phi hành gia của NASA.

Năm 2019, Jeff Bezos từng tiết lộ kế hoạch cho một tàu đổ bộ mặt trăng có tên là Blue Moon. Công ty cho biết con tàu sẽ sẵn sàng để đi vào hoạt động trong năm 2024 trước khi đưa con người lên mặt trăng. 

Blue Origin đã đấu thầu hợp đồng đưa các phi hành gia Nasa lên mặt trăng và bị SpaceX đánh bại. Dù vậy, công ty vẫn đang có những động thái khác về vấn đề này. Đây cũng chính là lý do xuất hiện nhiều dòng tweet "cà khịa" lẫn nhau giữa tỷ phú Elon Musk và Jeff Bezos trên mạng xã hội Twitter trong suốt năm qua.

Khi ông Jeff Bezos công bố kế hoạch từ chức Giám đốc điều hành Amazon vào năm 2021, ông cho biết dự định dành nhiều thời gian hơn cho các dự án kinh doanh khác, bao gồm cả Blue Origin. Và trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 với Matthias Döpfner, Giám đốc điều hành của tập đoàn truyền thông Axel Springer, tỷ phú Bezos đã gọi "Blue Origin là dự án quan trọng nhất cuộc đời".