Cựu tổng giám đốc OCB sang làm lãnh đạo VietABank
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - Mã: VAB) vừa giới thiệu ông Nguyễn Đình Tùng làm cố vấn HĐQT kiêm Chủ tịch Ủy Ban chiến lược VietABank.
Vị sếp mới của VietABank không phải người xa lạ trong ngành ngân hàng. Trước khi gia nhập VietABank, ông Tùng đã có 12 năm gắn bó với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB - Mã: OCB). Ông gia nhập OCB từ tháng 4/2012 và chính thức đảm nhận vị trí Tổng giám đốc từ tháng 8/2012 cho đến tháng 4 vừa qua.
Giai đoạn tháng 4 cho đến tháng 8, ông Tùng đảm nhận vị trí Thành viên HĐQT tại OCB, và đã nộp đơn từ nhiệm chức vụ này vào ngày 9/8 theo nguyện vọng cá nhân.
Ông Tùng từng chia sẻ, sau khi rời vị trí Tổng giám đốc OCB và làm Thành viên HĐQT, ông đã có kế hoạch riêng, tập trung chuyên sâu vào các dự án số hóa tài chính - một trong những đam mê và tâm huyết mà ông đã theo đuổi từ lâu.
Ông Nguyễn Đình Tùng sinh năm 1971, có trình độ học vấn tốt nghiệp Đại học Thương Nghiệp Hà Nội, chương trình MBA tại Đại học Maastrict Hà Lan.
Ông được giới thiệu có trên 30 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam và nước ngoài. Ông gia nhập OCB từ tháng 4/2012 và chính thức đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc từ tháng 8/2012.
Bên cạnh đó, ông từng đảm nhiệm các chức vụ khác như Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam; Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Mekong; Giám đốc Quốc gia của ING Private Banking, Singapore...
Tình hình kinh doanh của VietABank, ngân hàng này cũng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 332 tỷ đồng, tăng 16,6% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 266,9 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ.
Nửa đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế gần 580 tỷ đồng, tăng 9,5%. Trong năm 2024, VietABank đặt mục tiêu lợi nhuận là 1.058 tỷ đồng, với kết quả này, ngân hàng đã thực hiện 54,8% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng gần 33% trong khi chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh gấp 6,7 lần cùng kỳ lên154 tỷ đồng, kéo theo mức tăng trưởng lợi nhuận giảm về 9,5%.
Tính đến quý II, tổng tài sản của VietABank đạt 108.929 tỷ đồng, giảm 2,9% so với đầu năm. Tổng tài sản giảm chủ yếu ở khoản mục tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác và cho vay các tổ chức tín dụng với mức giảm 34,4% còn 14.410 tỷ đồng.
Số dư cho vay khách hàng đạt 73.796 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng ở mức 86.327 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,4% so với đầu năm, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn - CASA ở mức 4,2%.
Tính đến cuối tháng 6, số dư nợ xấu của VietABank tăng từ 1.100 tỷ đồng vào cuối năm 2023 lên 1.675 tỷ đồng vào quý II, khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng lên 2,27% so với mức 1,59% hồi đầu năm.Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống còn 54%.
Hiện vốn điều lệ của VietABank vẫn đang là 5.399 tỷ đồng. Năm nay, ngân hàng dự kiến sẽ tiến hành tăng vốn điều lệ lên hơn 7.505 tỷ đồng thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 39%. Thời gian thực hiện sẽ được quyết định sau khi nhận được sự chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.