Ông Nguyễn Đình Tùng xin từ nhiệm thành viên HĐQT OCB

Đông Bắc 14:07 | 09/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Nguyễn Đình Tùng vừa có đơn từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT OCB nhiệm kỳ 2020-2025 theo nguyện vọng cá nhân. Do đã có kế hoạch khác, ông Tùng không còn nằm trong danh sách cổ đông nắm giữ % vốn của nhà băng này.

  

Ngày 9/8, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB - Mã: OCB) vừa thông báo nhận được đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Đình Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2020-2025 theo nguyện vọng cá nhân.

Trước đó vào tháng 4 vừa qua, ông Tùng cũng có đơn từ chức Tổng giám đốc ngân hàng. Chia sẻ về quyết định này, ông Tùng cho biết sau khi rời vị trí Tổng giám đốc OCB và làm Thành viên HĐQT, ông đã có kế hoạch riêng, tập trung chuyên sâu vào các dự án số hóa tài chính - một trong những đam mê và tâm huyết mà ông đã theo đuổi từ lâu.

 Ông Nguyễn Đình Tùng xin từ nhiệm thành viên HĐQT OCB. Ảnh OCB.

Theo thông báo, đơn từ nhiệm của ông Tùng sẽ được HĐQT ngân hàng xem xét và trình xin ý kiến tại phiên họp đại hội đồng cổ đông gần nhất.

Ông Nguyễn Đình Tùng sinh năm 1971, có trình độ học vấn tốt nghiệp Đại học Thương Nghiệp Hà Nội, chương trình MBA tại Đại học Maastrict Hà Lan.

Ông được giới thiệu có trên 30 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam và nước ngoài. Ông gia nhập OCB từ tháng 4/2012 và chính thức đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc từ tháng 8/2012.

Bên cạnh đó, ông từng đảm nhiệm các chức vụ khác như Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam; Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Mekong; Giám đốc Quốc gia của ING Private Banking, Singapore...

20 cổ đông nắm 81% vốn của OCB

Liên quan đến các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng mới có hiệu lực từ ngày 1/7, Ngân hàng TMCP Phương Đông cũng đã công bố danh sách 20 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Tổng cộng, những cổ đông này nắm 1,66 tỷ cổ phiếu OCB, tương ứng 80,6% vốn điều lệ của ngân hàng.

Trong danh sách này, có 13 cổ đông tổ chức, nắm tổng cộng 1,46 tỷ cổ phiếu OCB, hay 55,7% vốn của ngân hàng. Ngoài ra, OCB còn có 7 cổ đông cá nhân, sở hữu 24,8% vốn.

Cổ đông chiến lược Aozora Bank hiện đang là tổ chức nắm giữ nhiều cổ phiếu OCB, đạt 308,2 triệu cổ phiếu, hay 15% vốn điều lệ. Cổ đông này không có người liên quan sở hữu cổ phiếu.

Tổng Công ty Bến Thành sở hữu 102 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 4,96% vốn và cũng không có người liên quan sở hữu cổ phiếu OCB. CTCP Đầu tư Bình An House nắm 97,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,74% vốn ngân hàng. Người liên quan của cổ đông này nắm giữ không đáng kể số lượng cổ phiếu OCB.

CTCP Greenwave Capital sở hữu 91,2 triệu cổ phiếu, tương đương 4,44% vốn. Cổ đông tổ chức này cũng không có người liên quan nắm cổ phiếu ngân hàng.

Ngoài ra, nhóm cổ đông không có người liên quan sở hữu cổ phần OCB còn bao gồm Văn phòng Thành Ủy (sở hữu 75 triệu cổ phiếu hay 3,65% vốn); CTCP Phát triển Hạ tầng KCN Tây Ninh (sở hữu 66,7 triệu cổ phiếu, hay 3,25% vốn);  CTCP Năng lượng Tái tạo Hve (sở hữu 64,5 triệu cổ phiếu hay 3,14% vốn); Portal Global Limted (sở hữu 62,2 triệu cổ phiếu hay 3,03% vốn) và quỹ Pyn Elite Fund (Non-Ucits) (sở hữu 49,7 triệu cổ phiếu, hay 2,42% vốn).

Đồng thời, cũng có một số cái tên mới như CTCP Đầu tư HVR (nắm 79,2 triệu cổ phiếu hay 3,85% vốn); CTCP Next Green Capital (nắm 59,4 triệu cổ phiếu, hay 2,89% vốn)

Mặc dù là cổ đông lớn thứ 5 của OCB, nắm 91,1 triệu cổ phiếu, hay 4,43% vốn, nhưng Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn cùng với người liên quan sở hữu tổng cộng 19,92% vốn tại OCB hay 409 triệu cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu do ông Tuấn và NLQ nắm đang vượt trần quy định.

Một cái tên quen thuộc khác trong danh sách vừa công bố là ông Phan Trung, Thành viên HĐQT của OCB. Ông Trung nắm 52,5 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 2,56% vốn. Người liên quan của ông Trung còn sở hữu khoảng 10 triệu cổ phiếu OCB.