'OCB không có lợi thế chi phí vốn để duy trì lãi suất cho vay thấp cạnh tranh với các ngân hàng lớn'

Diên Vỹ 17:18 | 18/09/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo chứng khoán DSC, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% của OCB trong năm nay sẽ gặp khá nhiều áp lực, một trong những nguyên nhân là do ngân hàng này không có lợi thế về mặt chi phí vốn để duy trì lãi suất cho vay thấp cạnh tranh với các nhà băng lớn.

 

Nhiều áp lực cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận 

Kết thúc quý II/2024, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) ước đạt 7,2% so với đầu năm, cao hơn so với trung bình ngành là khoảng 6%. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng lên phần lớn đến từ hoạt động mua nợ (tăng gần 2,2 nghìn tỷ). 

Về phía cho vay khách hàng, báo cáo tài chính bán niên của OCB cho thấy tín dụng gia tăng chủ yếu đến từ một số lĩnh vực như kinh doanh bất động sản (tăng gần 5,8 nghìn tỷ, tức tăng 46% so với đầu năm), bán buôn & bán lẻ (tăng hơn 3,1 nghìn tỷ, tức tăng khoảng 9%), công nghiệp chế biến & chế tạo (tăng 2,1 nghìn tỷ, tức tăng 16%)... bù đắp cho dư nợ một số ngành nghề khác giảm, tiêu biểu như xây dựng (giảm gần 700 tỷ đồng, tương đương giảm 7%).

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán DSC đánh giá mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% của OCB trong năm nay sẽ gặp khá nhiều áp lực do hai yếu tố. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu chậm lại trong quý vừa qua và dư nợ tăng thêm chủ yếu đến từ hoạt động mua nợ. Thứ hai, nhà băng này không có lợi thế về mặt chi phí vốn để duy trì lãi suất cho vay thấp cạnh tranh với các ngân hàng lớn.

Ngoài mục tiêu tăng trưởng tín dụng, tại Đại hội đồng cổ đông đầu năm nay, OCB cũng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2023. Thực tế, kết thúc quý II/2024, ngân hàng ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 2.272 tỷ đồng, lần lượt giảm 4% so với cùng kỳ (svck) và giảm nhẹ 1% so với quý I. Lợi nhuận trước thuế quý II đạt 899 tỷ đồng, giảm 43% và 26%. 

Theo Chứng khoán DSC, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại và biên lãi thuần thấp hơn so với cùng kỳ đã khiến thu nhập lãi thuần của OCB tăng trưởng yếu trong quý II, (đạt 1.987 tỷ đồng, tăng 9% svck và tăng 5% so với quý I). 

Thu nhập hoạt động ngoài lãi cũng suy yếu, đạt 289 tỷ đồng (giảm 48% svck và giảm 26% so với quý I), chủ yếu do sự giảm mạnh của thu từ hoạt động dịch vụ, cụ thể là nguồn phí tư vấn TPDN, và khoản lỗ 105 tỷ từ đầu tư chứng khoán kinh doanh (cùng kỳ lãi 204 tỷ). 

Về chi phí, trong kỳ ghi nhận chi phí hoạt động tăng mạnh lên 955 tỷ khi ngân hàng đang trong giai đoạn đầu tư công nghệ, mở rộng chi nhánh hoạt động. Trong khi đó, tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng yếu khiến tỷ lệ CIR tăng lên mức cao lên 42%. Chi phi trích lập dự phòng cũng tăng lên 419 tỷ (tăng 225% svck và hơn gấp đôi quý I) đã dẫn đến sự giảm mạnh của lợi nhuận trước thuế trong quý I. Điểm tích cực là NIM có dấu hiệu tạo đáy trong quý II.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, OCB báo tổng thu nhập hoạt động đạt 4.559 tỷ đồng, tăng 2,4% svck. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm 17%, chỉ đạt 2.113 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, OCB mới hoàn thành khoảng 31% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

 Ảnh: DSC

Nhóm phân tích DSC cho rằng kết quả hoạt động kinh doanh của OCB năm 2024 sẽ hồi phục từ mức nền thấp năm 2023 chủ yếu nhờ biên lãi thuần cải thiện khi chi phí vốn giảm mạnh. Theo đó, dự báo tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong năm nay đạt 10.546 tỷ (+18% svck) và lợi nhuận trước thuế 4.862 tỷ LNTT (+17% svck, thấp hơn 30% so với mục tiêu mà ngân hàng đề ra).

Chất lượng tài sản có xu hướng tiếp tục suy giảm

Cũng theo báo cáo tài chính quý II và bán niên của OCB, chất lượng tài sản tại ngân hàng tiếp tục suy giảm khi tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,87 tại thời điểm cuối quý I lên 3,12% tại kết thúc quý II.

Trong đó, nợ nhóm 5 ghi nhận tăng mạnh nhất (+30% so với quý I), các nhóm nợ còn lại giảm nhẹ. Mặc dù đây cũng là xu hướng chung của toàn ngành trong quý II, nhưng tốc độ giảm nợ nhóm 2 của OCB (-7% so với quý I) thấp hơn so với nhiều ngân hàng khác. 

Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng nợ xấu của OCB trong quý II đang diễn ra nhanh hơn so với quý trước. 

 Tỷ lệ nợ xấu của OCB tiếp tục gia tăng trong quý II lên mức 3,12% trong khi bao nợ xấu duy trì ở mức thấp hơn toàn ngành, chỉ khoảng 55%. Ảnh: DSC

Chứng khoán DSC nhận định rằng với tệp khách hàng tập trung vào doanh nghiệp SME, cá nhân có thu nhập thấp - cũng là đối tượng dễ chịu tổn thương khi nền kinh tế suy yếu, khiến chất lượng tài sản của OCB chịu ảnh hưởng kém tích cực. Bộ đệm dự phòng tại ngân hàng này hiện cũng ở mức thấp so với trung bình ngành, duy trì 55% trong quý II, hàm ý áp lực trích lập dự phòng tiếp tục kéo dài.