Daiso thành danh vì một chữ 'lười'

Minh Hằng/ TTXVN 16:15 | 17/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Daiso đã trở thành một biểu tượng của ngành bán lẻ Nhật Bản. Dù cho tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn và lạm phát cao ngất ngưởng, Daiso vẫn đang phát triển mạnh mẽ với doanh thu 740 triệu USD mỗi năm thông qua 3.660 cửa hàng trên khắp thế giới.

Daiso là một thương hiệu siêu thị đồng giá 100 yen rất nổi tiếng ở Nhật Bản, với hơn 2.800 cửa hàng khắp nước Nhật và hơn 800 cửa hàng nhượng quyền kinh doanh ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Saudi Arabia, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam...

Điểm thu hút của Daiso là trong diện tích không lớn nhưng cửa hàng cùng lúc có đến 30.000 – 40.000 mặt hàng, từ các sản phẩm đa dụng, tiện lợi để sử dụng trong gian bếp, phòng ăn đến các mặt hàng trang trí trong phòng ngủ, bàn làm việc, thời trang, mỹ phẩm, quà tặng…

Sự ra đời của Daiso

Thành công của Daiso một phần đến từ triết lý không giống ai của nhà sáng lập Hirotake Yano. Ông Hirotake Yano, sinh năm 1943, nổi tiếng với tính cách "bất cần" khi bất ngờ đổi sang họ vợ vì Yano nghe dễ làm ăn hơn. Tuy nhiên, điều đó có vẻ không "linh nghiệm" khi cửa hàng bán cá mà ông kế thừa từ cha vợ nhanh chóng phá sản.

Rời khỏi Hiroshima, nơi Yano đã "nếm trái đắng" đầu tiên trong sự nghiệp kinh doanh, ông cùng vợ và con trai chuyển tới Tokyo. Lúc này, Yano vẫn tin rằng bản thân mình có tố chất trở thành một người bán hàng tốt. Thế nhưng, sau ba tháng đi bán những cuốn bách khoa toàn thư, Yano bắt đầu cảm thấy bản thân không giỏi đến vậy.

Nghỉ việc khi vẫn đang ôm một khoản nợ, Yano tiếp tục tìm kiếm cơ hội trong một công ty chuyên tái chế rác thải. Và rồi vòng xoáy "tìm việc, nghỉ việc, tiếp tục tìm việc" cứ tiếp tục lặp đi lặp lại với ông. Sau 9 lần nhảy việc, năm 1972, Yano mở cửa hàng của riêng mình có tên Yano Store, nơi các mặt hàng được ông bày trên những giá gỗ. Không ai ngờ đây chính là nền móng để tạo nên đế chế Daiso triệu đô.

Vào năm 1977, Yano quyết định đổi tên Yano Store thành "Daiso Industries". Daiso nghĩa là "tạo nên điều lớn lao" và đưa ra mức giá 100 yen cho tất cả sản phẩm. Lý do vì sao các sản phẩm có giá 100 yen đơn thuần đến từ việc Yano và vợ lười gắn mác vào từng sản phẩm, do đó hai vợ chồng đã quyết định bán mọi thứ với giá 100 yen.

Đánh vào tâm lý mua sắm “bốc đồng”

Trong khi người ta chỉ dám đặt những cửa hàng “99 cent” trong các khu ổ chuột nghèo khó tại Mỹ, cửa hàng 100 yen Daiso vẫn "hiên ngang" nằm tại các con phố xa xỉ ở Nhật Bản, đập tan mọi nghi ngờ với thành công vang dội.

Khi Daiso mới thành lập, chuỗi cửa hàng này phải đối mặt với định kiến nặng nề "của rẻ là của ôi", câu đúc kết từ ngàn đời này ngay lập tức làm khách hàng ngại ngần mỗi khi định mua những món hàng chỉ có giá 100 yên từ Daiso.

Nhưng kế hoạch bất khả thi đó không phải là không có cơ sở với sức mua khổng lồ của Daiso. Nếu mỗi cửa hàng bán 10 ly thủy tinh mỗi ngày, tổng số lượng hàng trong cả nước sẽ là 20.000 ly/ngày, tương đương với 600.000 ly/tháng. Nhiều nhà cung cấp thừa nhận rằng đơn hàng của Daiso thường cao gấp… 30 lần ông hoàng bán lẻ Walmart.

Với giá chỉ 100 yen, tất cả sản phẩm đều được coi là "món hời" trong mắt khách hàng. Hàng hóa tại Daiso đến từ khắp nơi trên thế giới, gốm sứ của Italy, thủy tinh từ Anh, lọ đựng từ Áo, giỏ tre của Việt Nam, và hàng trăm sản phẩm khác từ Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy Daiso hoàn toàn có thể tự tin với thế mạnh của mình. Khách hàng thường quyết định bước chân vào Daiso "cho vui", nhưng đa phần những chuyến đi đó sẽ kết thúc với nhiều món hàng được mua hơn dự tính.

Theo ngôn ngữ tâm lý học, Daiso lớn mạnh là nhờ "hành vi mua sắm bốc đồng" của những thượng đế. Ông Yano chia sẻ: "Chẳng hạn như nhu cầu mua ly thủy tinh, ở những cửa hàng khác, luôn có một khu vực dành riêng cho ly thủy tinh, khách hàng sẽ đến đấy, so sánh, lựa chọn, và kết thúc chuyến mua hàng.

Nhưng tại Daiso, câu chuyện trên lại có một kết cục khác. Khách hàng đến khu vực ly thủy tinh và chọn ngay được một mẫu ưng ý vì cái nào cũng có giá 100 yen, do giải quyết được nhu cầu một cách nhanh chóng, các vị thượng đế thường "nán lại" để xem có cái gì hay ho không, và gần như lần nào họ cũng mua thêm 2-3 sản phẩm khác".

Không ngừng mở rộng quy mô

Daiso Industries đã thu hút được nhiều khách hàng ở Nhật Bản trong thời kỳ giảm phát kéo dài hàng thập niên khiến các cửa hàng của họ trở thành nơi cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhiều người.

Theo đó, nhà điều hành chuỗi cửa hàng 100 yen của Nhật Bản này đặt mục tiêu tăng số lượng cửa hàng của mình tại Mỹ lên hơn 10 lần trong dài hạn, vì lạm phát tăng cao đã thúc đẩy nhiều người tiêu dùng Mỹ tìm kiếm các sản phẩm chất lượng cao phù hợp với túi tiền.

Chuỗi cửa hàng này hiện đang điều hành hơn 80 cửa hàng ở Mỹ tại các bang như California và Texas. Daiso Industries cho biết sẽ bổ sung thêm khoảng 30 cửa hàng ở bang Arizona và các nơi khác trong năm tài chính tới, với kế hoạch nâng tổng số cửa hàng tại Mỹ lên 1.000.

Một quan chức của Daiso cho biết: “Các sản phẩm chất lượng cao, giá cả phải chăng cũng sẽ được ưa chuộng ở nước ngoài. Daiso sẽ tích cực mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài”.

Kế hoạch của Daiso được đưa ra khi các cửa hàng tạp hóa ngày càng trở nên phổ biến ở Mỹ, nơi lạm phát tăng cao đang làm giảm thu nhập khả dụng. Giữa xu hướng như vậy, công ty có trụ sở tại tỉnh Hiroshima vào tháng 7/2022 cũng đã mở một cửa hàng ở quận Manhattan của thành phố New York, đây là cửa hàng đầu tiên trong khu vực. Daiso Industries cũng mong muốn thu hút được nhiều khách hàng Mỹ hơn bằng cách tung ra các sản phẩm mới thường xuyên và tăng các lựa chọn hàng hóa.

Kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên ở nước ngoài tại vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2001, Daiso đã tăng tốc mở rộng ra nước ngoài khi nhiều loại sản phẩm rẻ tiền của nhà bán lẻ, từ đồ chơi đến đồ dùng nhà bếp, trở nên phổ biến.