Đạm Phú Mỹ (DPM) đặt kế hoạch lợi nhuận 2023 giảm 60%, thấp hơn nhiều dự phóng của chuyên gia

Lạc Lạc 08:46 | 28/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với những con số khá thận trọng, tuy nhiên ban lãnh đạo Đạm Phú Mỹ nhận định rằng, đây vẫn là các chỉ tiêu đầy thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn để hoàn thành.

 

Ngày 27/6, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã DPM) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ 2023. Đại hội thảo luận về kế hoạch kinh doanh của công ty năm 2023, triển vọng giá urê, triển vọng nguồn cung khíđầu vào, đề xuất tăng vốn điều lệ của DPM, và tiềm năng dài hạn của các dự án hóa chất và hóa dầu.

Tại đại hội, ban lãnh đạo DPM nhận định giá urê đã chạm đáy và sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay. Doanh nghiệp sẽ tận dụng đà phục hồi của nhu cầu trong nước do giá urê ở mức hợp lý, ước tính giá bán urê trung bình (ASP) là 387 USD/tấn cho năm 2023. Thêm vào đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng và Nhà máy Đạm Phú Mỹ dừng máy 1 tháng để bảo dưỡng theo định kỳ sẽ là những khó khăn cho doanh nghiệp trong năm nay.

Theo đó, cổ đông đã thông qua kế hoạch năm 2023 với doanh thu là 17.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.300 tỷ đồng, giảm lần lượt 6,7% và 60% so với cùng kỳ. 

 

Chia sẻ về kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn, Tổng Giám đốc Lê Cự Tân cho hay, năm 2023 tình hình có nhiều thách thức cho ngành phân bón nói chung và Đạm Phú Mỹ nói riêng khi giá phân bón giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong mấy năm qua, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng và Nhà máy Đạm Phú Mỹ dừng máy 1 tháng để bảo dưỡng theo định kỳ.

“Tuy con số mục tiêu khá thận trọng, nhưng đây vẫn là các chỉ tiêu đầy thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn để hoàn thành”, ông Lê Cự Tân nói.

Về hoạt động đầu tư, doanh nghiệp dự kiến chi ra 492 tỷ, trong đó 282 tỷ đồng dùng để mua sắm tài sản, trang thiết bị và 209 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản.

Ở góc nhìn lạc quan hơn, trong báo cáo triển vọng doanh nghiệp công bố ngày 30/5 vừa qua, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự phóng doanh thu 2023 của Đạm Phú Mỹ đạt 13.731 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.072 tỷ đồng, giảm 26% và 54% so với cùng kỳ. Dự phóng này lạc quan hơn khá nhiều so với kế hoạch doanh nghiệp đặt ra, dựa trên giả định giá Urê cho năm 2023 ở mức 370 USD/tấn, giá dầu Brent ở mức 85 USD/thùng.

Dù vậy, theo nhận định của nhóm nghiên cứu, ngành phân bón nói chung và hoạt động của Đạm Phú Mỹ nói riêng trong nửa cuối năm nay sẽ còn nhiều khó khăn. Bên cạnh việc nhu cầu đi ngang so với năm 2022, giá nguyên liệu đầu vào phụ thuộc giá dầu thế giới được dự báo giảm do nguồn cung tăng trong bối cảnh nhu cầu suy yếu khiến giá urê khó tăng trở lại.

Ngoài ra, áp lực nguồn cung phân bón thế giới tăng do Nga và Trung Quốc nới lỏng biện pháp hạn chế hạn ngạch xuất khẩu phân bón. Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ cung cấp lượng cung lớn ra thị trường. Nga có thể tiếp tục chính sách gia hạn hạn ngạch xuất khẩu phân đạm trong 6 tháng đến tháng 11 để hỗ trợ cho thị trường trong nước. Nhu cầu nhập khẩu phân bón để tiêu thụ nội địa của Ấn Độ suy yếu do chính sách giảm phụ thuộc phân bón nhập khẩu và hiện tượng thời tiết El Nino ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ phân bón. Thêm vào đó, phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, toàn bộ chi phí này phải tính vào chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân khiến người nông dân vẫn phải mua phân bón nội địa với giá cao, làm giảm tính cạnh tranh của phân bón trong nước so với phân bón nhập khẩu.

 Nguồn: VCBS dự phóng

 Cũng tại ĐHĐCĐ của DPM, cổ đông đã  thông qua mức cổ tức tiền mặt năm 2023 là 4.000 đồng/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 11,4%), dựa trên vốn điều lệ dự kiến tăng lên 5.120 tỷ đồng (tương đương 512 triệu cổ phiếu) như đã trình bày trong tài liệu ĐHCĐ. Điều này tương ứng tổng số tiền chi trả cổ tức bằng tiền mặt là khoảng 2.048 tỷ đồng.

Một nghị quyết quan trọng được đại hội thông qua là tờ trình về việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu.Theo báo cáo tài chính của công ty mẹ của DPM tại ngày 31/12/2022, tổng vốn chủ sở hữu đạt 13.779 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần vốn điều lệ là 3.914 tỷ đồng.

Kế hoạch này dự kiến sẽ được thực hiện trong 3 giai đoạn vào năm 2023-2026. Tuy nhiên, các thông tin chi tiết khác về kế hoạch vẫn chưa được hoàn tất. Tính đến ngày 31/3/2023, DPM có khoảng 5.000 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại và quỹ đầu tư phát triển 3.500 tỷ đồng để tài trợ cho kế hoạch tăng vốn điều lệ này.

Về nhân sự, ĐHĐCĐ đã tiến hành miễn nhiệm, bầu mới, bầu lại một số thành viên HĐQT, Ban kiểm soát. Theo đó, ĐHĐCĐ đã biểu quyết thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Louis Nguyễn theo đơn từ nhiệm; Hết nhiệm kỳ thành viên HĐQT đối với ông Lê Cự Tân; Hết nhiệm kỳ thành viên ban kiểm soát ông Lê Vinh Văn và ông Lương Phương.

Đồng thời, thông qua bầu cử công khai tại phiên họp đã bầu các thành viên HĐQT mới gồm ông Nguyễn Ngọc Anh, ông Hồ Quyết Thắng và thành viên BKS gồm bà Trần Thị Phượng, ông Lương Phương (tái cử).