SSI Research: Đạm Phú Mỹ (DPM) và Đạm Cà Mau (DCM) có thể chứng kiến lợi nhuận đi lùi trong quý I

Trang Mai 15:24 | 11/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong dự báo về toàn ngành nói chung và doanh nghiệp hoá chất nói riêng, các công ty chứng khoán đều nhận định rằng 2023 sẽ là một năm đầy thách thức khi đơn hàng có đang xu hướng giảm, ít nhất là 6 tháng đầu năm. Với bối cảnh đó, SSI Research dự báo DCM và DPM có thể trải qua quý I khó khăn với doanh thu và lợi nhuận cùng sụt giảm so với cùng kỳ.

Trong báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý I/2023 của 32 công ty trong phạm vi nghiên cứu mới công bố, CTCP Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận sau thuế quý I/2023 hai công ty lớn ngành hoá chất làCTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HOSE: DCM) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, HOSE: DPM) đều sẽ sụt giảm so với cùng kỳ. 

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của DCM dự phóng đạt 283 tỷ đồng, giảm 81% so với quý I/2022 do giá bán bình quân urê giảm.

Trước đó, giá urê đã đạt đỉnh vào cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine. Do vậy, quý I/2023 có thể là quý ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận đáng kể nhất của các doanh nghiệp hoá chất. Tính chung cả năm 2023, SSI dự phóng doanh thu của DCM giảm 30,2% so với cùng kỳ, xuống 11.147 tỷ đồng, lãi ròng theo đó cũng giảm gần 56%, xuống gần 1.884 tỷ đồng. 

Cùng với lý do đó, đơn vị chứng khoán dự báo lợi nhuận sau thuế của DPM có thể giảm mạnh 84% so với cùng kỳ, đạt 350 tỷ đồng. Tính chung cả năm, SSI Research dự phóng doanh thu và lãi ròng của DPM giảm 27% và 47%, xuống 13.598 tỷ đồng và 2.917 tỷ đồng. 

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp

Thực tế, lường trước thách thức, các doanh nghiệp ngành phân bón như DCM và DPM đã đặt kế hoạch năm 2023 "đi lùi" sau năm 2022 "bùng nổ". Cụ thể trong năm 2023, DPM đặt kế hoạch doanh thu đạt 17.372 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 2.250 tỷ đồng, giảm lần lượt 6,7% và 59,7% so với năm 2022. Tương tự, DCM đặt mục tiêu doanh thu đạt 13.458 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 1.383 tỷ đồng trong năm 2023, tương đương với mức giảm 15,5% và 67,6% so với năm ngoái

Trong một báo cáo ngành hoá chất cuối tháng 3, CTCP Chứng khoán VNDIRECT cũng từng dự báo lợi nhuận ròng của các công ty hóa chất cơ bản sẽ đi lùi trong 2023 do nhu cầu yếu hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. 

Tính đến giữa tháng 3, kim ngạch xuất khẩu hóa chất cơ bản đạt 930 triệu USD, giảm 10,9% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu hóa chất đứng thứ 12 trong tổng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong gần 3 tháng đầu năm 2023.

Theo VNDIRECT, nhu cầu của các thị trường hóa chất xuất khẩu của Việt Nam như Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ giảm hơn nữa cho tới cuối năm 2023 do lạm phát cao và rủi ro suy thoái kinh tế.

 

Cùng với đó, khả năng chi phí điện cao hơn trong năm 2023 cũng đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp hóa chất khi chi phí điện năng chiếm 20-30% tổng chi phí sản xuất các loại hóa chất cơ bản. Theo kịch bản phụ tải cao trong dự thảo Điện VIII, nhu cầu điện sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép cao dự báo là 9,2% trong năm 2023-2030. Cùng với dự báo giá điện sẽ tăng trong thời gian tới, VNDIRECT cho rằng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp hóa chất sẽ giảm trong năm 2023 do chi phí điện tăng và giá bán trung bình thấp hơn.

"Nhìn chung, đơn vị chứng khoán dự phóng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp hóa chất cơ bản sẽ giảm 4-6 điểm % so với cùng kỳ trong năm 2023" - VNDIRECT nhận định. 

Trong một góc nhìn lạc quan hơn, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng thị trường phân bón có khả năng sẽ phục hồi vào nửa cuối năm nay. Đơn vị này phân tích nhận định, giá các loại nông sản sụt giảm kết hợp với nhu cầu tiêu thụ suy yếu sẽ khiến cho việc kinh doanh phân bón trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn, nhất là nửa đầu năm.

Với lượng hàng tồn kho của các quốc gia nhập siêu hiện vẫn đang ở mức cao, kết hợp với tâm lý chờ đợi giá phân lân tiếp tục giảm thêm, việc tiêu thụ phân DAP,  MAP dự kiến sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2023 trước khi dần hồi phục trong nửa cuối năm về mức 65,6 triệu tấn.

Theo đó, các doanh nghiệp hoá chất sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm sâu giá phân bón DAP và MAP trong giai đoạn nửa đầu năm 2023 với quanh ngưỡng 510 USD/tấn và 490 USD/tấn trước khi hồi phục về quanh ngưỡng 550-590 USD/tấn trong giai đoạn nửa cuối năm.

"Ở chiều ngược lại, những yếu tố hỗ trợ về giá có thể kể đến như tình trạng cấm vận vẫn tiếp diễn, giá điện và cước vận tải biển có xu hướng tăng trở lại... sẽ giúp cho giá phân DAP và MAP hồi phục sớm hơn dự kiến" - KBSV nhận định.