Đạm Phú Mỹ (DPM) đặt kế hoạch lợi nhuận hơn 2.000 tỷ, chia cổ tức năm 2023 tỷ lệ 40%
Kế hoạch thận trọng trong bối cảnh khó khăn được dự báo
Cụ thể, trong năm 2023, DPM đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.250 tỷ đồng, giảm lần lượt 7% và 60% so với cùng kỳ.
Mục tiêu kinh doanh thận trọng được Đạm Phú Mỹ đưa ra trong bối cảnh giá ure năm 2023 được dự báo sẽ chỉ ở quanh mức 400 – 500 USD/tấn, giảm khoảng một nửa so với mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn xác lập trong năm ngoái. Đồng thời, ban lãnh đạo Đạm Phú Mỹ cho biết giá khí có những khó khăn tiếp nối từ quý cuối năm 2022 cùng với những tác động của tình hình chính trị thế giới. Đặc biệt, về nguồn cung khí thiên nhiên đã chuyển sang thời kỳ khó khăn, các nguồn khí giá rẻ sụt giảm sản lượng.
Cùng với đó, một số tín hiệu cho thấy 1 trong 2 quốc gia xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới là Nga và Trung Quốc sẽ dỡ bỏ những biện pháp hạn chế hạn ngạch xuất khẩu phân bón – nguyên nhân chủ chốt khiến nguồn cung toàn cầu khan hiếm, đẩy giá phân bón tăng mạnh trong năm ngoái.
Năm 2022, với việc giá phân bón lập đỉnh, Đạm Phú Mỹ ghi nhận mức lãi ròng lên tới 5.586 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2021. Đây cũng là mức lãi cao nhất kể từ khi công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) vào năm 2007.
Kết thúc quý I/2023, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu thuần hơn 3.264 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 262 tỷ đồng, lần lượt giảm 44% và giảm 87,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận theo quý thấp nhất của Đạm Phú Mỹ kể từ quý I/2021. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm nay, công ty mới hoàn thành 18,8% kế hoạch doanh thu và 11,6% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Trong báo cáo doanh nghiệp cuối tháng 5, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng hoạt động kinh doanh của Đạm Phú Mỹ trong năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong đó, đối với chi phí đầu vào, giá dầu FO suy giảm, đồng thời tỷ trọng khí cấp bù từ nguồn khác (Nam Côn Sơn và Cửu Long khác) tăng lên và có mức phí vận chuyển cao, khiến giá thành chi phí khí của Đạm Phú Mỹ gia tăng.
Đối với việc tiêu thụ sản phẩm, do việc xuất khẩu không còn thuận lợi như trước Đạm Phú Mỹ đã chủ động đẩy mạnh công tác bán hàng ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, sức mua thị trường nội địa và thế giới đều chịu tác động tiêu cực từ diễn biến khó lường của giá nguyên liệu đầu vào, giá nông sản bấp bênh, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, dư thừa nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu phân bón thấp đã khiến giá phân bón giảm mạnh.
Điển hình, giá urê trên thế giới trong tháng 4 đã giảm còn 302,5 USD/tấn - mức thấp nhất kể từ năm 2021. Điều này sẽ càng khiến áp lực cạnh tranh trên thị trường nội địa giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón tăng lên, đặc biệt là vào những thời điểm thấp vụ.
VCBS dự báo giá urê thế giới có thể đi ngang trong quý II hoặc sẽ giảm thấp hơn mức 345 USD/tấn do thị trường phân bón toàn cầu vẫn còn tiếp tục chịu áp lực từ việc dư cung trong bối cảnh nhu cầu yếu, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu phân bón của Ấn Độ ở mức thấp. Giá bán phân bón giảm nhanh trong khi giá khí nguyên liệu đầu vào tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ trong năm nay.
Ngoài ra, VCBS đánh giá hoạt động tiêu thụ trên thị trường nội địa của Đạm Phú Mỹ còn gặp khó khăn khi chính sách thuế hiện nay quy định phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Do đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào. Toàn bộ chi phí này phải tính vào chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân khiến người nông dân vẫn phải mua phân bón nội địa với giá cao. Do đó người nông dân có xu hướng chuyển qua dùng phân bón nhập khẩu do giá cả cạnh tranh hơn.
Trình phương án chia cổ tức năm 2022 ở mức 70%
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, theo tài liệu ĐHĐCĐ, Đạm Phú Mỹ đề xuất chia cổ tức năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 70%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu nhận được 7.000 đồng. Trước đó, DPM đã tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 40%, nếu được thông qua phương án trên thì sẽ còn 30% cổ tức tiền tương ứng 1.173 tỷ đồng chi trả để thanh toán cho cổ đông.
Bên cạnh đó, dự kiến mức chia cổ tức năm 2023 của Đạm Phú Mỹ cũng sẽ được thực hiện bằng tiền mặt với tỷ lệ 40% mệnh giá cổ phiếu, tương đương mức 4.000 đồng cổ tức trên mỗi cổ phiếu.
Cũng trong năm 2023, DPM dự kiến chi 492 tỷ để đầu tư, trong đó 282 tỷ đồng dùng để mua sắm tài sản, trang thiết bị; và 209 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản.
Một tờ trình khác cũng được đưa ra thảo luận là việc xin ý kiến cổ đông về việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, mục đích là để đảm bảo tình hình chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ. Theo báo cáo tài chính của công ty mẹ của công ty tại ngày 31/12/2022, tổng vốn chủ sở hữu đạt 13.779 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần vốn điều lệ là 3.914 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại đại hội, công ty dự kiến bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT và 1 thành viên Ban kiểm soát.