Đầu tư công sẽ giúp ngành xi măng phục hồi sau giai đoạn trầm lắng?

Trang Mai 07:08 | 23/05/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Quý I ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp ngành xi măng, đặc biệt ở nhóm quy mô nhỏ với kết quả kinh doanh cải thiện rõ rệt. Dù toàn ngành vẫn còn nhiều thách thức, sự hồi phục bước đầu cùng kỳ vọng vào đầu tư công và nhu cầu xây dựng tăng trở lại đang tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp hướng đến nửa sau năm với tâm thế lạc quan hơn.

‏‏‏Điểm nhấn đến từ các doanh nghiệp nhỏ‏

‏Theo thống kê của phóng viên, tổng doanh thu của 17 doanh nghiệp xi măng trên sàn trong quý I đạt gần 5.000 tỷ, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận cũng có khởi sắc hơn khi giảm lỗ 1 nửa, từ lỗ 218 tỷ xuống lỗ 126 tỷ đồng. ‏

Kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp trong quý I. Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC. 

‏Trong đó, một vài điểm tích cực đến từ các doanh nghiệp nhỏ như Xi măng La Hiên VVMI (mã: CLH) lãi hơn 2 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần cùng kỳ, nhờ thị trường xi măng có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu tiêu thụ tăng nên sản lượng và doanh thu tiêu thụ xi măng cao hơn trong quý. ‏

‏Thị trường bất động sản phục hồi, CTCP Khoáng sản FECON (mã: FCM) lãi ròng hơn 4 tỷ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ. ‏

‏Nhờ giảm giá thành sản xuất và doanh thu tăng, Xi măng Yên Bình (mã: VCX) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng 40% trong quý I, đạt gần 6 tỷ đồng. ‏

‏Xi măng VICEM Hoàng Mai (mã: HOM) sau 2 quý thua lỗ liên tiếp, đã có lãi nhẹ hơn 500 triệu đồng nhờ thị trường miền Trung khởi sắc và giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt. ‏

Tuy nhiên sự tích cực không dành cho tất cả. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục cho thấy khó khăn khi kinh doanh thua lỗ, thậm chí kéo dài nhiều quý liên tiếp. ‏

‏Tại Xi măng Bỉm Sơn (mã: BCC), khó khăn tiếp tục bủa vây khi doanh nghiệp này thua lỗ gần 60 tỷ đồng trong quý I, cùng kỳ lỗ gần 49 tỷ đồng. ‏

‏Xi măng VICEM Bút Sơn (mã: BTS) kéo dài chuỗi thua lỗ sang quý thứ 10 với gần 29 tỷ đồng.‏

‏Xi Măng Vicem Hà Tiên (mã: HT1) dù lỗ hơn 9 tỷ đồng, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Thắng, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HT1, quý I hàng năm thường ghi nhận kết quả thấp do trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng tình hình đã cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái (lỗ 25 tỷ đồng).‏

‏Tại Xi măng Sài Sơn (mã: SCJ) chuyển từ lãi 300 triệu đồng sang lỗ 3 tỷ. Công ty cho biết, đã và đang tìm mọi giải pháp tiết kiệm chi phí trong sản xuất, giảm giá bán để bán hết sản phẩm, tăng độ phủ trên thị trường, điều này khiến lợi nhuận giảm.

 Ảnh: Xi măng Việt Nam. 

Dù 3 tháng đầu năm chưa nhiều tích cực, các doanh nghiệp xi măng vẫn lạc quan đặt kế hoạch tăng trưởng trong năm 2025.‏

‏Như tại VICEM Hà Tiên, doanh thu mục tiêu hướng đến trong năm 2025 là hơn 7.162 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2024; lợi nhuận sau thuế 184 tỷ đồng, gấp 3 lần năm trước. ‏

‏Tại ĐHĐCĐ 2025, Tổng Giám đốc HT1 cho rằng, sản lượng tiêu thụ trong quý I đạt trên 19% kế hoạch năm. Quý II là mùa cao điểm của ngành xi măng, kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh. Công ty cũng đang áp dụng các biện pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả vận hành. Mục tiêu lợi nhuận quý II là 123 tỷ đồng, nếu đạt được, sẽ là cú hích lớn cho cả năm.‏

‏Xi măng Bỉm Sơn cũng đặt kế hoạch lãi trước thuế 2,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 8 tỷ. ‏

‏Cùng mục tiêu thoát lỗ, Xi măng Bút Sơn đặt mục lãi gần 30 tỷ đồng, năm trước lỗ gần 202 tỷ đồng, mức lỗ nặng nhất sau hơn thập niên. Mục tiêu sản xuất clinker hơn 2,5 triệu tấn, nhưng tiêu thụ chỉ 300.000 tấn và phấn đấu tiêu thụ hết hơn 3 triệu tấn xi măng dự kiến sản xuất trong năm nay.‏

‏Ngay cả Xi măng Hoàng Mai, từng lỗ gần 70 tỷ đồng trong năm 2024, cũng đặt kế hoạch lãi 15 tỷ đồng trong năm nay. ‏

‏Các công ty cho biết, chiến lược kinh doanh năm nay đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, tận dụng làn sóng đầu tư công, đồng thời kiểm soát chặt chi phí vận hành để tối ưu chi phí và lợi nhuận. ‏

Kỳ vọng vào đầu tư công và dư địa thị trường nội địa‏

‏Trong bối cảnh đầu tư công đang được đẩy mạnh, cùng với trợ lực từ các yếu tố vĩ mô, pháp lý, các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi, nhất là trong việc tiêu thụ sản phẩm, trong đó có xi măng.‏

‏Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong năm 2025 sẽ tăng khoảng 2 - 3% so với năm 2024, đạt mức 95-100 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ nội địa dao động từ 60-65 triệu tấn, xuất khẩu dự kiến 30-35 triệu tấn.‏

‏Trao đổi với báo chí, TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho hay, đầu tư công đang được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ, nhất là đầu tư về hạ tầng giao thông, xây dựng; việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xi măng vẫn có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, sự tăng trưởng trong việc tiêu thụ xi măng sẽ thấy rõ hơn trong nửa cuối năm 2025. Nhu cầu xi măng tại Việt Nam chưa đạt đỉnh, dự báo từ giờ đến năm 2031 sẽ đạt đỉnh. Như vậy, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xi măng vẫn còn dư địa tăng trưởng.‏

‏Tuy nhiên, các rủi như thuế quan vẫn là điều khiến nhiều doanh nghiệp lưu tâm. Chủ tịch HT1, ông Đinh Quang Dũng chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 rằng, biến động thuế quan từ Mỹ có thể gây tác động gián tiếp tới Việt Nam, khi hàng xi măng Trung Quốc chuyển hướng tràn vào Đông Nam Á, làm gia tăng cạnh tranh. Ngoài ra, việc chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn có thể ảnh hưởng đến giá nguyên liệu.‏

‏Theo báo cáo của VIS Rating hồi tháng 3, ‏‏lỗ hoạt động kinh doanh của các công ty xi măng giảm xuống còn 65 tỷ đồng trong năm 2024, từ mức 200 tỷ đồng của năm trước. Mặc dù doanh thu tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, biên lợi nhuận gộp thu hẹp còn 8,7% (trung bình giai đoạn 2022 - 2023: 10,4%) và chi phí bán hàng tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu và doanh số yếu ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu khiến nhiều công ty phải giảm giá bán và hoạt động dưới mức công suất tối ưu.

Năm 2024, doanh số xuất khẩu xi măng giảm 14% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tại Bangladesh (-19% so với cùng kỳ năm trước) và Philippines (-11% so với cùng kỳ năm trước).

VIS Rating kỳ vọng doanh số nội địa sẽ tăng tốc trong năm 2025 nhờ sự khởi sắc của các hoạt động xây dựng, giúp giảm bớt tác động từ các thị trường xuất khẩu chính.‏

Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.

Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…

Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.