Lối đi nào để doanh nghiệp xi măng 'vượt khó' năm 2024?

Trang Mai 06:00 | 06/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Gặp áp lực ở cả đầu vào và đầu ra, nhiều công ty xi măng ghi nhận kết quả thua lỗ trong năm 2023. Các chuyên gia cho rằng, động lực lâu dài và bền vững với ngành xi măng vẫn phải đến từ sự hồi phục của ngành bất động sản và thị trường xuất khẩu clinker.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, sản lượng sản xuất xi măng năm 2023 dự kiến 89,4 triệu tấn, giảm khoảng 5,45% so với năm 2022, lượng tiêu thụ khoảng 89 triệu tấn, giảm khoảng 6% so với năm 2022.

Trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 56,8 triệu tấn (giảm khoảng 10% so với năm 2022), xuất khẩu xi măng và clinker khoảng 32,6 triệu tấn (tăng khoảng 2% do sự sụt giảm của tiêu thụ xi măng được lý giải do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản. Theo đó, các chủ đầu tư không thể triển khai các dự án, công trình, kéo theo nhu cầu về nguyên vật liệu (đặc biệt là xi măng) không cao. 

Cùng với đó, việc tiến độ các dự án đầu tư công còn chậm so với kế hoạch cũng gây tắc nghẽn đầu ra của chuỗi sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng. 

Ngoài ra, giá điện, than, các nguyên liệu đầu vào sản xuất đồng loạt tăng, thậm chí có thời điểm tăng gấp 3 lần càng gây áp lực cho ngành. Cùng với đó, ngành xi măng còn gặp bất lợi khi thuế xuất khẩu clinker trong năm 2023 tăng từ 5% lên 10%. Khó khăn chồng chất khó khăn khi doanh nghiệp xi măng còn không được áp dụng luật thuế giá trị gia tăng.

Đồng loạt sụt giảm doanh thu

Thống kê của phóng viên, doanh thu 17 doanh nghiệp xi măng trên sàn chứng khoán đã công bố BCTC hợp nhất năm 2023 đều sụt giảm so với cùng kỳ, dao động từ 3-43%. Tổng doanh thu đạt hơn 38.000 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022. 

 Doanh thu và lợi nhuận 17 doanh nghiệp xi măng trên sàn chứng khoán. Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC hợp nhất

Trong đó chỉ có 6/17 đơn vị đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng trong năm 2023, gồm các doanh nghiệp trong nhóm VICEM là Hà Tiên, Bút Sơn, Hoàng Mai, ngoài ra còn có Bỉm Sơn, Sài Sơn và Xây dựng Quảng Ninh. Tổng doanh thu 6 đơn vị này đạt hơn 17.000 tỷ, chiếm 45% tổng doanh thu và giảm 19% so với năm 2022. 

Chỉ có 2 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng

Xét về lợi nhuận, chỉ có 2 doanh nghiệp báo lãi tăng, còn lại là chuyển lãi thành lỗ, giảm lãi và tiếp tục thua lỗ. 

Xi măng Bỉm Sơn có lẽ là đơn vị buồn nhất khi thua lỗ kỷ lục gần 194 tỷ đồng, chiếm hơn phân nửa tổng thua lỗ toàn ngành, trong khi cùng kỳ lãi 69 tỷ. Tính riêng quý IV, BCC lỗ gần 86 tỷ đồng (chiếm 44% tổng thua lỗ năm 2023).

Theo giải trình, bên cạnh việc doanh thu bán hàng giảm, các chi phí khác tăng tới hơn 800% là nguyên nhân khiến doanh nghiệp thua lỗ nặng trong năm 2023.

 

Khó khăn tiếp tục bủa vây Xi măng VICEM Bút Sơn khi quý IV/2023 là quý thứ 5 liên tiếp thua lỗ của đơn vị này, kéo dài từ cuối năm 2022. Với việc cả 4 quý không có lợi nhuận, lũy kế cả năm 2023, BTS lỗ hơn 96 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 54 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả kinh doanh kém nhất của BTS từ năm 2014 đến nay. 

3 đơn vị "họ" VICEM khác là Hải Vân, Hoàng Mai và Hà Tiên cũng khi nhận kết quả kém khả quan, thậm chí lợi nhuận thấp nhất kể từ khi lên sàn. 

Hai doanh nghiệp xi măng hiếm hoi trên sản tăng trưởng lợi nhuận là Sài SơnYên Bình. Theo giải trình, đơn vị cho biết dù giảm doanh thu nhưng giá vốn giảm cao hơn giúp biên lãi gộp tăng, cùng với đó là việc tiết giảm chi phí đã khiến lợi nhuận được cải thiện. 

 

Lối đi nào cho ngành xi măng năm 2024?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích, Công ty chứng khoán Agribank hồi giữa năm 2023 đưa ra dự báo nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng (đá xây dựng, xi măng, nhựa đường, thép) sẽ được hưởng lợi khi loạt dự án đầu tư công được triển khai trong 6 tháng cuối năm 2023. Các doanh nghiệp này được hưởng lợi trực tiếp ngay sau giai đoạn giải phóng mặt bằng, bước vào triển khai dự án, cho đến khi hoàn thành hoạt động xây dựng dự án. 

Đầu tư công được kỳ vọng là cú hích cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp liên quan nói riêng. Tuy nhiên, sự tác động từ đầu tư công thường không phải ngay lập tức bởi tốc độ giải ngân vốn có độ trễ, và tỷ suất lợi nhuận không cao. 

Với ngành xi măng, động lực lâu dài và bền vững vẫn phải đến từ sự hồi phục của ngành bất động sản và thị trường xuất khẩu clinker.

Hiện nay, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực mở rộng thị trường, chuyển hướng sang các khu vực như Mỹ, Australia, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và phát huy tiềm năng của ngành với tổng công suất thiết kế có thể lên tới 120 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, một số nước nhập khẩu xi măng, clinker của Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại. Trong đó, Philippines là thị trường nhập khẩu lớn nhất nhưng lại tiếp tục áp thuế chống bán phá giá tạm thời với xi măng Việt Nam.

Hơn nữa, châu Âu là thị trường khó tính với việc thực hiện cơ chế giảm phát thải carbon. Vì thế, việc mở rộng thị trường là cần thiết dù sản lượng chưa nhiều, nên các doanh nghiệp phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại. Tín hiệu tích cực là một số doanh nghiệp đã có những đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ - thị trường có tiêu chuẩn cao và khó tính.

Trong báo cáo triển vọng ngành xi măng năm 2024, SSI Research dự báo quý I/2024, mức tiêu thụ xi măng trong nước sẽ ở mức thấp (chạm đáy) kể từ quý III/2021, do vừa nghỉ tết Nguyên đán và nhu cầu vẫn ở mức yếu. Tuy nhiên, từ quý II/2024, sản lượng xi măng bán ra được kỳ vọng sẽ cải thiện so với cùng kỳ, nhờ hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi.

Ngoài ra, các dự án đầu tư công lớn như sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc ở miền Trung và Nam có thể bù đắp nhu cầu yếu trong năm 2024.

Tăng trưởng ở thị trường xuất khẩu có phần hạn chế do Trung Quốc giảm nhập khẩu xi măng của Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu xi măng và clinker gần như đi ngang (giảm 1% so với cùng kỳ) do Trung Quốc giảm nhập khẩu 90% vì nhu cầu trên thị trường bất động sản yếu.

Ngược lại, Bangladesh là thị trường tăng trưởng khi xuất khẩu xi măng và clinker sang nước này tăng 40%, nhờ tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Trong nửa đầu năm 2024, SSI Research cho rằng, giá than sẽ duy trì ổn định như hiện tại khi mùa đông ở Bắc bán cầu đến gần (và các biện pháp trừng phạt đối với Nga vẫn có hiệu lực), giúp cân bằng với áp lực giảm từ giá dầu khí. Do đó, giá than đầu vào trung bình cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng sẽ giảm trong năm 2024, do mức nền giá cao được thiết lập vào nửa đầu năm 2023. Vì vậy, biên lợi nhuận gộp được kỳ vọng sẽ chạm đáy trong quý I/2024, sau đó cải thiện ở các quý tiếp theo.