Điện tăng giá, doanh nghiệp xi măng 'thắt lưng buộc bụng'

Thu Hằng/TTXVN 08:03 | 13/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ước tính chi phí điện chiếm khoảng 14-15% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất xi măng. Đối với những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng hóa. Do đó, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 1.920,37 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, tương đương tăng 4,5% (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) kể từ ngày 9/11 cũng khiến các hộ sản xuất tiêu thụ điện lớn như xi măng gặp khó khăn "kép". Tuy nhiên, ngành xi măng và các doanh nghiệp cũng lường trước những tình huống này, phải tìm giải pháp san sẻ, tự vượt qua khó khăn.

Ngay từ khi kết thúc quý II của năm 2023, ông Lê Nam Khánh – Tổng Giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã nhận định, năm nay chính là thời điểm tiêu thụ khó khăn nhất trong lịch sử hơn 120 năm của ngành xi măng Việt Nam. Sự trầm lắng trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ vẫn đeo đuổi các doanh nghiệp xi măng.

Giá đầu vào sản xuất xi măng tiếp tục tăng lên khi giá điện đã tăng thêm lần thứ nhất của năm 2023 với mức 3%, giá than vẫn duy trì ở mức cao. Nay mức tăng lần 2 của giá điện là 4,5% thì hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xi măng không khỏi bị ảnh hưởng.

Ông Mai Hồng Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hạ Long chia sẻ, bản thân ngành xi măng mấy năm nay đã rất khó khăn, đặc biệt năm 2023 được cho rằng là thời gian khó nhất trong lịch sử hàng trăm năm của ngành.

Tuy nhiên, ông Hải nhìn nhận, việc điều chỉnh giá điện cũng nằm trong lộ trình đã được Chính phủ cân nhắc và phê duyệt nên cũng không chỉ riêng xi măng mà nhiều ngành khác sử dụng điện năng nhiều cũng sẽ bất lợi.

Đây là chủ trương chung, tất cả cùng phải thực hiện chứ không ngoại trừ lĩnh vực nào. Bởi vậy, cả nước phải cùng gánh vai chia sẻ để chung tay với ngành điện đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng quốc gia. Trên quan điểm đó, ngành xi măng và các doanh nghiệp cũng lường trước những tình huống này, phải tìm giải pháp san sẻ, tự vượt qua khó khăn.

Trường hợp này là "bất khả kháng" nên các đơn vị sử dụng điện lớn như ngành xi măng lại phải tiếp tục "thắt lưng buộc bụng", cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này – ông Hải nhận xét.

Theo ông Mai Hồng Hải, để "gồng gánh" doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, việc đầu tiên là phải tổ chức sản xuất một cách tốt nhất nhằm tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí khác để bù lại. Bài toán đặt ra phải tối ưu chi phí sản xuất, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc sử dụng "công tơ 3 giá", huy động sử dụng thiết bị một cách hợp lý…

Ông Hải giải thích, "công tơ 3 giá" có nghĩa là hạn chế tối đa vận hành vào giờ cao điểm; đồng thời phải tối ưu năng suất để cùng 1 số điện chạy máy phải làm ra nhiều sản phẩm hơn. Để hạn chế chạy máy vào giờ cao điểm, Vicem Hạ Long sẽ phải bố trí nhân lực, ca kíp sản xuất vào giờ thấp điểm.

Mặc dù khi bố trí thực hiện đáp ứng yêu cầu "công tơ 3 giá" thì lực lượng lao động sẽ xáo trộn nhưng Vicem Hạ Long sẽ động viên người lao động khắc phục khi thực hiện giải pháp tăng lực lượng lao động hoạt động vào giờ thấp điểm; giờ cao điểm thì hạn chế.

Với mức tăng giá điện thêm 4,5% thì giá thành sản xuất xi măng ước tính tăng thêm hơn 0,5%. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xi măng đã chủ động cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất nhằm hỗ trợ giảm giá thành sản xuất nhờ tiêu hao điện giảm đi. Nếu chỉ cần tiết kiệm 2-3 số điện cho 1 tấn sản phẩm thì cũng có thể bù được mức tăng giá chung 4,5% của điện.

"Thế nhưng, việc tối ưu để tiết kiệm 2 số điện trên 1 tấn sản phẩm cũng chỉ có giới hạn chứ không thể tiết kiệm mãi được. Vì theo nguyên tắc cân bằng năng lượng, công suất động cơ là con số tính toán bắt buộc phải tiêu hao như vậy. Do đó, phải tính toán để tối ưu mỗi thứ 1 tí chứ không thể trông chờ hết vào yếu tố nào" – ông Hải phân tích.

Giá điện không thể không tăng và ngành nào cũng chịu tác động nhưng mức độ ảnh hưởng ít hay nhiều cũng sẽ khác nhau. Nhưng đối với ngành xi măng thì chắc chắn là tác động rất lớn. Vì vậy, Vicem Hạ Long phải tìm mọi cách tiết kiệm cả chỗ khác để bù lại cho việc tăng giá điện. Đến bước cuối cùng sẽ phải tính toán tiết giảm cả tiền lương.  

Ông Mai Hồng Hải cho rằng, ngành xi măng còn tiếp tục phải đối mặt với thách thức, giai đoạn kéo dài suốt từ cuối năm 2021 đến 2022 và có thể đến tận năm 2025.

Giai đoạn này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực và có giải pháp để vượt qua. Ông Hải cho rằng: "Thị trường sẽ vẽ một bản đồ mới toàn cảnh ngành xi măng. Nếu ai qua vượt qua được con bão khó khăn này thì sẽ còn tên trên bản đồ, thiết lập mặt bằng mới. Vicem Hạ Long cũng vậy, cố gắng đưa doanh nghiệp đi qua khó khăn để khi hoàn chỉnh việc "vẽ bản đồ" thì vẫn còn tên doanh nghiệp của mình".

Không riêng gì xi măng, nhiều ngành đều đang đối phó với khó khăn kéo dài từ 2022 đến nay và thậm chí còn tiếp diễn đến sang năm. Với doanh nghiệp xi măng, hiện tại cần giữ được đội ngũ lao động, duy trì sản xuất.

Việc giữ được sự ổn định rất quan trọng đối với doanh nghiệp sản xuất xi măng lúc này. Vì lao động ngành xi măng có đặc thù riêng, rất khác với những ngành nghề khác là có thể sử dụng lao động thời vụ.

Lao động trong ngành xi măng là lao động có chất lượng cao, tay nghề phải qua đào tạo, rèn giũa mới trưởng thành. Đội ngũ này không dễ gì ngày 1 ngày 2 mà có được. Nên với Vicem Hạ Long, mục tiêu số 1 là giữ được vốn, qua giai đoạn này rồi tính tiếp – ông Hải bày tỏ.