Tiêu thụ giảm mạnh theo nhịp trầm của thị trường BĐS, loạt DN xi măng báo lợi nhuận đi lùi
Theo đó, các doanh nghiệp đầu ngành khó tránh khỏi cảnh lỗ. Đầu tiên, CTCP Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với doanh thu thuần giảm hơn 21% so với cùng kỳ (svck) năm trước, xuống còn hơn 892 tỷ đồng.
Công ty báo lỗ ròng hơn 6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi gần 60 tỷ đồng. Điều này khiến lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Xi măng Bỉm Sơn lỗ sau thuế hơn 52 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 130 tỷ đồng. Như vậy, đây đã là quý thứ 4 liên tiếp mà doanh nghiệp này báo lỗ kể từ quý III/2022.
Theo báo cáo giải trình, do mức giảm doanh thu và thu nhập khác cùng chi phí tài chính tăng cao nên dù công ty đã giảm giá vốn, chi phí bán hàng cùng chi phí quản lý doanh nghiệp nhưng vẫn bị thua lỗ.
Trong quý II, CTCP Xi măng VICEM Hà Tiên (Mã: HT1) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.998,6 tỷ đồng, giảm khoảng 16% svck năm ngoái. Do giá vốn kỳ này giảm 13%, xuống còn 1.792,7 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp công ty giảm 36%, còn 205,9 tỷ đồng.
Ngoại trừ chi phí tài chính quý II tăng 9% lên 39,91 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng; chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 11% và 12%, xuống còn 42,47 tỷ đồng và 60,71 tỷ đồng.
Kết quả, HT1 báo lãi sau thuế 58,73 tỷ đồng trong quý II/2023, giảm 57% svck năm 2022. Công ty lý giải do sản lượng tiêu thụ xi măng giảm so với quý II/2022, cùng với chi phí tài chính tăng khiến lợi nhuận giảm.
Luỹ kế nửa đầu năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.689,7 tỷ đồng, giảm 15% và lỗ sau thuế 26,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 167,4 tỷ đồng.
Năm 2023, HT1 đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến đạt 8.987 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 276 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm 2023, công ty đã hoàn thành 41% mục tiêu doanh thu nhưng còn cách xa mục tiêu lợi nhuận năm.
Một công ty khác trong nhóm VICEM là CTCP Xi măng VICEM Bút Sơn (Mã: BTS) cũng báo lỗ vượt chục tỷ đồng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành vì nhu cầu tiêu thụ đi xuống.
Cụ thể, Xi măng Bút Sơn ghi nhận doanh thu thuần trong quý II đạt 690 tỷ đồng, giảm hơn 13% svck năm ngoái và lỗ ròng hơn 17,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi hơn 29 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Xi măng Bút Sơn lỗ sau thuế hơn 32,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 47 tỷ đồng.
Theo công ty, nguyên nhân chủ yếu của việc thua lỗ do 6 tháng đầu năm nay khó khăn nhất từ trước đến nay đối với ngành xi măng. Nhu cầu xi măng thấp, suy thoái kinh tế, bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục, các công trình, dự án chậm triển khai, thậm chí phải giãn hoặc hoãn tiến độ do khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm,... Nguồn cung xi măng tiếp tục vượt xa so với cầu dẫn đến cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các thị trường chính xuất khẩu xi măng và clinker (thành phần chủ chốt để sản xuất xi măng) gặp nhiều khó khăn. Sản lượng tiêu thụ xi măng và doanh thu thuần trong quý II sụt giảm là nguyên nhân chính dẫn đến lỗ ròng của công ty.
CTCP Xi măng VICEM Hải Vân (Mã: HVX) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023. Trong quý này, doanh thu thuần của công ty đạt 170 tỷ đồng, giảm 17,98% và giá vốn giảm 7,06% svck. Lợi nhuận gộp theo đó âm 9,5 tỷ đồng, giảm mạnh khi cùng kỳ lãi hơn 14 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 33,18% trong khi chi phí bán hàng tăng 21,79%. Trừ thuế, công ty lỗ ròng 18,72 tỷ đồng, giảm mạnh svck lãi xấp xỉ 1,1 tỷ đồng.
Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu đạt 296,97 tỷ đồng, giảm 28,4% svck 2022 và lỗ ròng 18,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1,5 tỷ đồng.
Dù không thua lỗ như 2 doanh nghiệp trên nhưng CTCP Xi măng VICEM Hoàng Mai (Mã: HOM) báo cáo doanh thu quý II/2023 giảm gần một nửa svck năm trước, xuống còn 358 tỷ đồng.
Lãnh đạo Xi măng Hoàng Mai cho rằng, thị trường tiếp tục chứng kiến dư cung xi măng ở mức cao, trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao khiến lợi nhuận của công ty sụt giảm mạnh.
Kết quả, công ty báo lãi chỉ 234 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi hơn 11 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Xi măng Hoàng Mai báo lãi hơn 622 triệu đồng, cùng kỳ năm trước đạt 11,6 tỷ đồng.
Giá vốn bán hàng vẫn ở mức cao, CTCP Xi măng Quán Triều VVMI (UPCoM: CQT) báo lãi ròng quý II giảm 60% svck.
Theo đó, kết thúc quý II, CQT ghi nhận doanh thu thuần 145 tỷ đồng, giảm 13% svck. Giá vốn giảm nhẹ 6% còn 122 tỷ đồng. Do giá vốn giảm ít hơn doanh thu nên lãi gộp giảm đáng kể 40% còn 23 tỷ đồng.
Chi phí quản lý doanh nghiệp 5,7 tỷ đồng và chi phí tài chính 5 tỷ đồng, đều giảm 11% cùng kỳ; trong đó, chi phí lãi vay hơn 3 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 8% lên 4,4 tỷ đồng.
Như vậy, công ty lãi ròng hơn 8 tỷ đồng trong quý II, giảm 60%, do giá vốn vẫn ở mức cao dù các chi phí phần lớn giảm.
Lũy kế nửa đầu năm, CQT đạt hơn 282 tỷ đồng doanh thu và 17 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt giảm 10% và 45% svck.
Năm 2023, Xi măng Quán Triều đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ 780 ngàn tấn, giảm 2%; tổng doanh thu gần 703 tỷ đồng và lãi trước thuế 46 tỷ đồng, lần lượt giảm 2% và 9% so với thực hiện 2022.
So với kế hoạch 2023, công ty thực hiện được 40% cho cả chỉ tiêu doanh thu và lãi trước thuế năm.
Là điểm sáng hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng dương cả về doanh thu và lợi nhuận, trong quý vừa qua, CTCP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (UPCoM: QNC) thu về gần 329,7 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 0,55% và giá vốn giảm nhẹ 1,43% còn 294 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận gộp tăng 21,07% lên 34,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng đáng kể 124,47% lên đến 14,6 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng giảm 73,41% về 159 triệu đồng. Kết quả, lãi ròng công ty đạt 35,74 tỷ đồng, gấp hơn 23 lần svck.
Theo báo cáo giải trình, công ty cho biết, lợi nhuận quý II tăng cao do trong kỳ, công ty hạch toán phần góp vốn bằng tài sản khu công nghiệp Cái Lân vào công ty con, dẫn đến lợi nhuận từ thu nhập khác tăng trong khi chi phí khác giảm.
Bên cạnh đó, công ty cũng đã tiết giảm và quản lý tốt chi phí đầu vào, tận dụng nguồn nguyên liệu thay thế trong sản xuất xi măng. Cùng với kế hoạch sản xuất phù hợp, duy trì bảo dưỡng bảo hành thiết bị đúng quy định, đảm bảo sản xuất ổn định, lợi nhuận của Xi măng Quảng Ninh đã được cải thiện đáng kể. Công ty cũng đã phát triển thị trường xuất khẩu để bù đắp cho sự sụt giảm mạnh về sản lượng tiêu thu nội địa.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu QNC đạt 640,52 tỷ đồng, giảm 3% và lãi ròng 56,03 tỷ đồng, gấp 2,36 lần cùng kỳ năm ngoái.
Tiêu thụ sụt giảm nửa đầu 2023
Theo báo cáo hồi giữa tháng 6, Bộ Xây dựng cho biết, sản lượng sản xuất và tiêu thụ một số vật liệu xây dựng chủ yếu 6 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh, trong đó xi măng giảm 10% svck.
Cụ thể, sản lượng xi măng ước đạt 46 triệu tấn, giảm 5%; tiêu thụ đạt 45 triệu tấn, giảm 7% svck năm 2022. Trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 29 triệu tấn, giảm 8% svck; xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker đạt 15 triệu tấn, giảm 15% cùng kỳ 2022. Giá trị xuất khẩu ước đạt gần 700 triệu USD.
Tiêu thụ giảm sút ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao đã khiến doanh nghiệp ngành xi măng đối diện với tình thế khó khăn nhất so với nhiều năm qua. Theo đó, không ít nhà máy phải cắt giảm sản lượng, thậm chí dừng lò.
Đầu tháng 7, Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) đánh giá, ngoài khó khăn do nhu cầu thị trường giảm thì ngành xi măng đang đối mặt với khó khăn về giá năng lượng, chi phí vận tải tăng, thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10% kể từ 1/1/2023.
“Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành xi măng hiện nay là không tiêu thụ được sản phẩm do tắc đầu ra”, VNCA nhấn mạnh.
Ngoài ra, thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chậm triển khai là nguyên nhân dẫn tới tiêu thụ xi măng giảm mạnh.
Mới đây, chia sẻ trên Báo Đấu thầu, ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc CTCP Xi măng Tân Quang cho biết, chưa bao giờ ngành xi măng khó khăn như hiện nay, sản lượng tiêu thụ từ đầu năm giảm mạnh. Sự suy giảm đến từ thị trường bất động sản trầm lắng do giảm nhu cầu, do vướng thủ tục pháp lý, chủ doanh nghiệp thận trọng hơn khi có nhiều sự vụ trong thời gian vừa qua. Nhiều dự án nhà xưởng, khu công nghiệp cũng dừng triển khai do xuất khẩu khó khăn. “Theo tôi được biết, tất cả các dự án ở vùng lân cận tỉnh Tuyên Quang bây giờ dừng lại hết, có những dự án năm ngoái đang triển khai thì đến giờ buộc phải trả lại”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết, tổng công suất ngành xi măng năm ngoái là khoảng 113,9 triệu tấn, năm nay tăng lên khoảng 120 triệu tấn, trong khi nhu cầu nội địa được dự đoán chỉ khoảng 65 triệu tấn. Hoạt động xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc rất ảm đạm do thị trường bất động sản tại quốc gia này chưa hồi phục. “Nếu thị trường xuất khẩu không phục hồi thì ngành xi măng trong nước sẽ vô cùng khó khăn trong nhiều năm tới. Rất nhiều nhà máy sẽ vỡ nợ, phá sản”, ông Hùng nói và cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp đã phải thắt chặt chi phí từ năm trước nên hiện không còn dư địa, tình hình rất khó khăn.
Để giải quyết khó khăn, đại diện các Hội, Hiệp hội về vật liệu xây dựng cho rằng, cần đẩy mạnh đầu tư công để đạt 95 - 100% của kế hoạch năm 2023; chú trọng khơi thông dòng vốn cho bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp, nhà ở và khẩn trương đơn giản thủ tục cho gói 120.000 tỷ để người dân được vay vốn kịp thời. Đồng thời, đề nghị sớm giảm thuế VAT 2% đến năm 2024; giảm thuế đất hết năm 2023 và cho nợ thuế đất hết năm 2024 cũng như hoàn thuế xuất nhập khẩu kịp thời.
Về triển vọng riêng với thị trường xi măng, trong báo cáo ngày 20/7 vừa qua trên VNCA, Cục Kinh tế xây dựng nhận định giá nguyên vật liệu sẽ giữ ổn định hoặc giảm nhẹ trong quý III/2023 do khả năng cung cấp và sản xuất luôn đáp ứng được nhu cầu thi công xây dựng và xuất khẩu.