Để điện gió ngoài khơi trở thành nguồn lực chuyển dịch năng lượng quốc gia
Theo thống kê của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, hệ thống điện cơ bản đáp ứng nhu cầu phụ tải, với tốc độ tăng trưởng bình quân nguồn điện giai đoạn 2011-2020 xấp xỉ 12,9%/ năm so với tốc độ tăng trưởng phụ tải bình quân khoảng 10%/năm. Mức dự phòng công suất khả dụng, không tính điện gió, điện mặt trời khá thấp, một vài thời điểm phụ tải miền Bắc tăng đột biến đã xảy ra cắt giảm phụ tải.
Về hệ thống truyền tải điện được đầu tư phát triển và nâng cấp cơ bản đảm bảo đáp ứng nhu cầu truyền tải điện. Tuy nhiên, lưới điện vẫn còn xuất hiện một số điểm quá tải cục bộ và quá tải trên lưới liên kết Bắc-Trung, đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh - Nho Quan...
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng, Bộ Công Thương nhận định, hiện trạng này đang đặt ra thách thức đối với hệ thống điện của nước ta. Theo đó, việc phát triển nguồn điện giai đoạn 2016-2020 chưa phù hợp với sự phân bố và phát triển phụ tải.
Trên cơ sở dự báo nhu cầu điện với các chỉ tiêu phụ tải trong dự thảo Quy hoạch điện VIII và quan điểm phát triển nguồn điện sau Hội nghị COP26, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng cho rằng, thời gian tới, việc phát triển nguồn điện cần xem xét lại việc phát triển điện than, hướng tới phát triển điện gió trên bờ và đặc biệt điện gió ngoài khơi.
Đồng quan điểm này, theo TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, điện gió ngoài khơi được đánh giá là nguồn năng lượng tái tạo duy nhất có khả năng chạy phụ tải nền cho hệ thống ở nước ta hiện nay. Việc phát triển điện gió ngoài khơi đáp ứng mục đích thúc đẩy và phát triển năng lượng tái tạo đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh giai đoạn mới; trong đó, có yêu cầu xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam như Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ở góc độ quan sát Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), Chủ tịch Ben Backwell cho biết, với đường bờ biển dài hơn 3.200 km, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên điện gió ngoài khơi tốt, với hệ số công suất cao và số giờ tải lớn. Với việc đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió có thể trở thành nguồn chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai. Qua đó, giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Chủ tịch Ben Backwell đánh giá, những cam kết mạnh mẽ được quốc tế cũng như Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) mà gần đây tạo lực đẩy mạnh mẽ hướng nguồn tài chính quốc tế từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo mới. Tuy nhiên, việc huy động nguồn tài chính này trong giai đoạn khởi tạo ngành tại Việt Nam cần có sự chuẩn bị kĩ càng về mặt khung chính sách, bao gồm cơ chế hỗ trợ, thủ tục cấp phép, cũng như hợp đồng mua bán điện phù hợp với quy chuẩn quốc tế.
Đưa ra khuyến nghị cho việc phát triển điện giới ngoài khơi cho Việt Nam, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á, GWEC đề xuất, Việt Nam cần cho phép 4 - 5 GW ban đầu hưởng cơ chế FIT – khởi động đường cong cắt giảm chi phí của ngành và nhằm tạo ra nhiều việc làm trong nước và xây dựng nên một ngành công nghiệp mới. Đồng thời, tinh giản quy trình cấp phép, giấy phép hàng hải, khu vực độc quyền, cũng như đánh giá những thách thức trong tích hợp lưới điện và đưa ra giải pháp phù hợp bởi đặc thù ngành đòi hỏi quá trình phát triển dự án dài và phức tạp hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo khác.
Chủ tịch Mark Hutchinson nhấn mạnh, với cơ chế hỗ trợ phù hợp, điện gió ngoài khơi có thể nhanh chóng phát triển và cạnh tranh về giá với các nguồn điện khác. Thậm chí, có thể trở thành một nguồn lực quan trọng trong chuyển dịch năng lượng quốc gia, hướng tới giảm phát thải ròng của Việt Nam theo cam kết quốc tế.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển thị trường điện gió ngoài khơi với quy mô 5-10 GW vào năm 2030, giúp tạo ra tổng giá trị gia tăng hơn 60 tỷ USD cho nền kinh tế. Nhiều tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị quy mô tối thiểu để bảo đảm tính hiệu quả về quy mô của ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam tối thiểu khoảng 5 GW.
Một số kết quả nghiên cứu và thực tiễn được trình bày tại hội thảo về chuyển đổi năng lượng cũng đã chứng minh rằng, việc phát triển điện gió ngoài khơi để sản xuất hydro và amoniac phục vụ thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu là sự kết hợp khá hoàn hảo. Từ đó, phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế quy mô để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên gió và sản xuất năng lượng, sản phẩm sạch hơn.