Đề xuất chi thêm 10.000 tỷ đồng để mở rộng 24km cao tốc Long Thành - Dầu Giây

11:51 | 11/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Để giải quyết tình trạng ùn tắc kẹt xe, chủ đầu tư đề xuất phương án đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để mở rộng cao tốc Long Thành - Dầu Giây thành 8 làn đường với chiều dài thêm 24km.
Mới đây, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng Công ty Cửu Long) vừa trình Bộ GTVT về đề xuất phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc HLD) nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng miền Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.
 
Theo phương án đề xuất, chủ đầu tư cho hay đoạn mở rộng có chiều dài 24km: điểm đầu từ cầu Bà Dạt (Quận 2, TPHCM) và điểm cuối dự kiến là nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (huyện Long Thành, Đồng Nai). Cùng với mở rộng chiều dài, tổng công ty đề xuất mở rộng làn xe.

Cụ thể, đoạn An Phú - Vành Đai với quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 26,5m được mở rộng mỗi bên 5,25m để đạt quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 36m (không bao gồm làn xe thô sơ).
 
Phương án mở rộng cao tốc Long Thành-Dầu Giây thành 8 làn
Cửa ngõ cao tốc Long Thành - Dầu Giây ùn tắc trong những ngày cao điểm
 
Đoạn Vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mở rộng mỗi bên 7,5m để đạt quy mô 8 làn xe. Trong đó, chia làm hai phần, phần cầu cạn từ Vành đai 2 đến Sông Tắc khi mở rộng sẽ thành 2 tuyến riêng biệt, mỗi bên rộng gần 20m; đoạn từ Sông Tắc đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là phần đi trên nền đường đắp rộng 42,5m.
 
Phần cầu đoạn An Phú - Vành đai 2, xây dựng thêm mỗi bên 1 cầu phía ngoài các cầu hiện hữu bề rộng 5,25m để chiều rộng hoàn thiện là 17,5m.
 
Đoạn Vành đai 2 - nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng xây dựng thêm mỗi bên 1 cầu phía ngoài các cầu hiện hữu 7,5m và khi hoàn thiện rộng 19,5m.
 
Chủ đầu tư cũng đề xuất, khu vực cầu Long Thành xây dựng thêm 1 cầu hoàn chỉnh như giai đoạn 1, khoảng cách giữa 2 cầu gần 13m. Trong số các nút giao, đề xuất chỉ đầu tư mở rộng phần cầu cạn trong nút giao Vành đai 2 để đủ quy mô 8 làn xe cao tốc; còn nút giao An Phú sẽ được TPHCM đầu tư theo dự án riêng.
 
Một số nút giao trên tuyến như Vành đai 3, đường 319B sẽ được đầu tư bởi các dự án có liên quan trong giai đoạn 2020-2025.
 
Phương án mở rộng cao tốc Long Thành-Dầu Giây thành 8 làn
 
Các nhánh rẽ của nút giao với Quốc lộ 51 đã được đầu tư với quy mô hoàn chỉnh trong giai đoạn 1, do đó, dự kiến chỉ cần đầu tư mở rộng phần cầu trong nút giao để đủ quy mô 8 làn xe cao tốc. Trong khi đó, nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nếu được nghiên cứu đầu tư đồng bộ cùng các tuyến kết nối với sân bay Long Thành sẽ góp phần giải quyết ùn ứ tại Quốc lộ 51.
 
Qua phương án trên, tổng kinh phí đầu tư mở rộng cao tốc Long Thành - Dầu Giây dự kiến khoảng 9.976 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 300 tỷ đồng để bổ sung mỗi bên 3,5m đoạn từ Vành đai 2 đến hết cầu Long Thành.
 
Về nguồn vốn đầu tư, Tổng Công ty Cửu Long kiến nghị Bộ GTVT xem xét phương án đầu tư công và tiếp tục có ý kiến với Nhà tài trợ JICA của Nhật Bản để xem xét tài trợ vốn ODA cho dự án.

Trước đó hồi đầu tháng 11, Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP về việc xây dựng kết nối giao thông phường Long Phước (quận 9, TP.HCM) với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Vị trí kết nối được xác định bắt đầu từ đường Long Phước vào đường cao tốc, gần cầu Long Thành. Phương án này sẽ được cập nhật để thực hiện tăng công suất lên 6 làn xe khi mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Sở này nhận định có tính khả thi cao, thi công nhanh, tiết kiệm được chi phí lớn. Khu vực quy hoạch dự kiến mở kết nối của tuyến cao tốc chủ yếu đi qua đất nông nghiệp thuận lợi giải phóng mặt bằng. Sở kỳ vọng đây là phương án mở ra cầu nối kinh tế xã hội nối quận 9 với phía đông thành phố.
 
 
Hà Ly