Đề xuất gói hỗ trợ lãi suất quy mô từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp

20:00 | 28/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết hiện đang đề xuất một số chính sách tài khóa, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, có thể trích từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng cho một số ngành nghề nhất định, một số công trình trọng điểm. Tiếp đó là phát hành công trái, trái phiếu trong nước…

Đó là chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng 28/10 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về gói kích thích kinh tế mới. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, xác định bội chi thực hiện theo nguyên tắc trong giai đoạn 5 năm tới là 3,7%.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay cần đưa ra gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên phải chấp nhận bội chi tăng lên. Còn sau đó khi nền kinh tế đi vào ổn định, phát triển thì giảm tỉ lệ bội chi.

Về gói kích thích kinh tế mới, theo ông Phớc, Bộ Tài chính đang đề xuất một số chính sách tài khoá cũng như gói kích cầu ví du như: Hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để có thể trích từ 10.000 - 20.000 tỉ đồng trong một số ngành nghề nhất định và công trình trọng điểm. Thứ hai là phát hành công trái, trái phiếu ngoại tệ trong nước.

Liên quan đến chính sách điều hành, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thời gian tới sẽ tập trung tăng thu thuế trên các nền tảng số mà nay còn dư địa như: bán hàng online, các nền tảng xuyên biên giới… Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá trốn thuế. Thực hiện thắt chặt chi tiêu, như giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% chi công tác phí, hội nghị….

“Các gói tổng thể đang thiết kế nên chưa số lượng cụ thể. Cơ quan tham mưu sẽ đưa ra nhiều phương án để trình các cấp” - ông Phớc nêu quan điểm.

Đề xuất gói hỗ trợ lãi suất quy mô từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp

Theo báo cáo của Chính phủ, 9 tháng đầu năm, thu ngân sách Nhà nước đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi ngân sách Nhà nước trong phạm vi dự toán (4% GDP). Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt khoảng 35% GDP.

Để có nguồn thu cho ngân sách, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào thu thuế ở các nền tảng số mà lâu nay còn dư địa như bán hàng online, các nền tảng xuyên biên giới, đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá trốn thuế.  Đồng thời, thực hiện thắt chặt chi tiêu, như giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% chi công tác phí, hội nghị.

Vấn đề về các gói hỗ trợ cũng được nhiều chuyên gia kinh tế đề cập đến trước đó. Theo các chuyên gia việc cần có một gói hỗ trợ, kích thích kinh tế ở thời điểm hiện tại là cần thiết để phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, quy mô gói cũng phải đủ lớn nếu không tác động sẽ là không đáng kể.

Phát biểu trong buổi công bố báo cáo phân tích vĩ mô quý III của VEPR mới đây, Chuyên gia kinh tế PGS. TS. Phạm Thế Anh cho biết: "Chúng tôi đang đề xuất gói hỗ trợ thêm 1 - 2% GDP cả nước, tương đương từ 80 đến 100 nghìn tỷ đồng (theo cách tính mới)".

Theo Chuyên gia kinh tế PGS. TS. Phạm Thế Anh, Việt Nam hoàn toàn có đủ dư địa chính sách cho gói hỗ trợ với quy mô nêu trên. Ước tính với mức hỗ trợ này, thâm hụt ngân sách sẽ vào khoảng 4,4 - 4,6% GDP, tỷ lệ nợ công khoảng 45,4 - 46% GDP, nằm trong ngưỡng cho phép.

 

Trong "Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội" mới phát hành, Bộ Tài chính cho biết để ứng phó với dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhiều chính sách về thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN).

Về chính sách về thu NSNN, Bộ Tài chính cho biết đến ngày 15/10/2021, số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn giảm, gia hạn đạt khoảng 95,1 nghìn tỷ đồng, cho khoảng 120 nghìn doanh nghiệp và gần 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh.

Còn về chính sách chi NSNN, với việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, theo Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ cho khoảng 14,95 triệu người lao động, với nhu cầu thực hiện chính sách ước tính khoảng 26,2 nghìn tỷ đồng, trong đó: chi từ NSNN khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng; nguồn tái cấp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng; 3 Quỹ Bảo hiểm 16,6 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, đến đầu tháng 10/2021, NSNN đã chi hỗ trợ cho người dân theo các chính sách đã ban hành trên 13,6 nghìn tỷ đồng, các quỹ bảo hiểm cũng đã chi trả cho các đối tượng khoảng 5 nghìn tỷ đồng.