Doanh nghiệp logistics hàng không lãi lớn trong quý 3/2021
Cụ thể, Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (Noibai Cargo - NCT) đã ghi tên mình trở thành một trong những doanh nghiệp hàng không ghi nhận lợi nhuận trong thời kỳ dịch bệnh.
Kết thúc quý 3/2021, doanh thu của NCT đạt 189 tỷ đồng, tăng 7%, lợi nhuận sau thuế 62 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của NCT là 534 tỷ đồng (tăng 9%) và lợi nhuận sau thuế là 169 tỷ đồng (tăng 9%). Như vậy, so sánh với mục tiêu kinh doanh năm 2021, khi kết thúc quý 3, NCT đã thực hiện được 75% chỉ tiêu doanh thu và 82% chỉ tiêu lợi nhuận.
Dù không có khách hàng nhưng NCT vẫn có lãi nhờ vận chuyển hàng hóa hàng không. Doanh nghiệp cho biết trong năm 2021 đã chủ động hỗ trợ các hãng hàng không khai thác bay, đặc biệt là những chuyến chuyên chở hàng hóa. Dù sản lượng nội địa giảm nhưng sản lượng vận chuyển hàng hóa quốc tế vẫn tăng trưởng tốt.
Ghi nhận tương tự là Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn (SCS) có BCTC hợp nhất quý 3/2021 với doanh thu 172 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp của SCS ở mức khá cao với 80%. Luỹ kế 9 tháng đầu năm doanh thu Công ty 576 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Khấu trừ chi phí, SCS đạt LNTT 436 tỷ, LNST 406 tỷ đồng.
Chi tiết về doanh thu của doanh nghiệp có thể thấy tiền từ khai thác nhà ga tăng đáng kể từ 155 tỷ lên 161 tỷ đồng, doanh thu cho thuê sân đậu máy bay tăng mạnh dù chỉ đóng góp tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu. Khấu trừ giá vốn, Công ty thu về 137 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng nhẹ so với quý 3/2020. Ngoài ra, thu nhập từ lãi cũng phần nào đang hỗ trợ lợi nhuận cho doanh nghiệp này. Được biết, thu nhập từ lãi tăng mạnh chủ yếu đến từ vị thế tiền mặt cải thiện và mức lãi suất vay thuận lợi với các bên liên quan của SCS.
Các doanh nghiệp vận tải hàng không làm ăn tốt thời đại dịch đã không còn là lạ trên thế giới.
Hiện tượng vận chuyển hàng hóa hàng không lại đang rất hot. Nhu cầu tăng cao khiến giá cả cũng tăng vọt.
Diễn đàn Doanh nghiệp dẫn nguồn từ dữ liệu từ nền tảng thẩm định giá cước vận tải biển và hàng không Xeneta cho thấy giá vận chuyển hàng không cho một số tuyến đường chính đã tăng 70 - 100%. Tiền chi ra để mượn một chiếc Boeing 777 chở hàng hóa cũng tăng từ 400.000 USD lên đến 2 triệu USD.
Nhu cầu vận tải hàng hóa tăng vọt đến mức đã xảy ra tình cảnh xuất hiện những hãng bay chuyên chở khách sẵn sàng chất đầy hàng hóa lên ghế ngồi và trong khoang hành lý.
Giới chuyên gia giải thích về cơn sốt vận tải hàng hóa hàng không xuất phát từ việc vận tải hàng hóa bằng đường biển và đường sắt đang tắc nghẽn. Tại nhiều điểm cảng quan trọng của Hoa Kỳ, hàng hóa đang bị dồn ứ. Do đó để tránh kẹt hàng, nhiều đơn vị đã chuyển sang vận tải hàng không.
Nếu mọi thứ vẫn diễn ra bình thường thì vận tải đường biển vẫn bị hàng không bỏ xa. Mất hàng tháng trời để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Mỹ qua đường hàng hải, trong khi đó máy bay chở hàng sẽ chỉ mất vài tiếng đồng hồ, vô cùng ấn tượng với hiệu năng của loại hình vận tải này.
Gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp có tiếng đã chuyển sang vận tải hàng không trước viễn cảnh tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng có thể kéo dài đến tận năm 2023.
Đơn cử là trường hợp của gã khổng lồ ngành bán lẻ Amazon sẽ mua hơn chục chiếc máy bay Airbus A330-300 và Boeing 777-300ER để chuyên chở hàng hóa từ châu Á đến Hoa Kỳ. Trước đó nữa vào đầu năm 2021, Amazon cũng mới tậu thêm 11 chiếc Boeing 767 làm máy bay chở hàng - theo nguồn tin từ Bloomberg . Các công ty như Home Depot, Peloton, v.v. cũng bắt kịp xu hướng vận tải mới này.
Những tháng cuối năm đang đến gần, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm cao điểm thì vai trò của vận tải hàng không đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Vận tải hành khách gặp khó, loạt doanh nghiệp hàng không liên quan điêu đứng
Vietnam Airlines (HVN), tính đến 30/6, Công ty lỗ luỹ kế trên 17.000 tỷ đồng và hiện đã âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng. Năm 2021, Công ty vẫn đặt kế hoạch khá bi quan với lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 14.304 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 30,5% so với năm 2020. Hay Vietjet Air (VJC), từng thu về 5.000 tỷ lợi nhuận ròng/năm giai đoạn 2018-2019, năm 2021 Công ty chỉ còn tham vọng không lỗ.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đầu ngành trong ngành phụ trợ hàng không cũng sụt giảm nguồn thu. Tương tự, những cái tên sụt giảm khác gồm có Suất ăn hàng không Nội Bài – NCS, Taseco Airs, Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh – CIAS…