Doanh nghiệp bất động sản làm ăn ra sao trong quý 3?
Nhiều doanh nghiệp báo lãi đậm
Công ty CP Phát triển Sunshine Homes (SSH) ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến. Lãi sau thuế đạt mức gần 147 tỷ đồng, gấp 12,7 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của DN này đạt tới 291,5 tỷ đồng, gấp 64 lần cùng kỳ (cùng kỳ chỉ 4,5 tỷ đồng).
Với kết quả này, Sunshine Homes đã thực hiện được 97% theo kế hoạch lợi nhuận 300 tỷ đồng đề ra trong năm 2021. Tính hết quý này, hàng tồn kho tại SSH giảm 31% so với đầu năm, giá trị hơn 1.191 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại 3 dự án Sunshine City, Sunshine Center và Sunshine Garden.
Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng ghi nhận trạng thái tương tự. Dù doanh thu thuần gần 1.268 tỉ đồng, giảm 3,7% so với quý 3/2020, chủ yếu doanh thu từ Dự án cao tầng phân khu 4, thấp tầng phân khu 9 thuộc Khu đô thị sinh thái Nhơn Hội; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế quý 3/2021 của công ty cũng đạt 607 tỉ đồng, tăng mạnh 38,3% so với lợi nhuận đạt được cùng thời điểm 2020.
Trong khi đó Công ty CP đầu tư Nam Long (NLG) dù ghi nhận mức sụt giảm doanh thu quý trong 3/2021 ở mức 76% so với cùng kỳ là 151 tỉ đồng nhưng lãi ròng lên đến 297 tỉ đồng, gấp 10 lần quý 3/2020. Công ty cho biết doanh thu giảm mạnh do đại dịch COVID-19 đã tác động xấu đến quá trình nghiệm thu và bàn giao dự án Akari. Còn lợi nhuận sau thuế của công ty tăng là do hợp nhất Công ty CP Southgate. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần 787 tỉ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế lên 709 tỉ đồng, gấp 3,4 lần so với 9 tháng năm 2020.
Dù thị trường đang gặp khó khăn nhưng công ty CP phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu (HDC) báo cáo doanh thu hợp nhất quý 3/2021 đạt trên 281 tỉ đồng, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm trước và lãi ròng gần 68 tỉ đồng, tăng hơn 124% so với quý 3/2020.
Theo thống kê từ Công ty chứng khoán VnDirect, tính đến ngày 22.10, có 162 công ty đã công bố kết quả kinh doanh, tương ứng với 9% tổng số cổ phiếu và 8% tổng vốn hóa toàn thị trường. Ngành bất động sản chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng khoảng 3%, thấp nếu so với các nhóm ngành đầu bảng như nhóm dịch vụ hỗ trợ 323%; đứng thứ hai là giấy và lâm nghiệp với 243%; thứ ba là kim loại với 115%...
Giải mã về độ tăng trưởng nóng của một số của doanh nghiệp bất động sản, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa - cho rằng: DN BĐS lãi lớn trong lúc dịch bệnh còn phức tạp chỉ là số ít trên thị trường và chủ yếu tập trung ở nhóm DN đã niêm yết trên sàn chứng khoán, còn các công ty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực. Ông tin rằng thị trường chứng khoán mang lại lực đẩy rất lớn cho các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bất động sản.
Chia sẻ tiếp với báo chí, ông chỉ ra rằng những diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán trong thời kỳ giữa đại dịch đã giúp DN BĐS niêm yết có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận khá tốt.
"Bên cạnh đó, đặc thù của ngành BĐS là chỉ khi bàn giao nhà, nền đất, sản phẩm mới được ghi nhận doanh thu theo tiêu chuẩn kế toán hiện hành. Trung bình một dự án từ lúc chào bán đến khi bàn giao sản phẩm thường có độ trễ một vài năm", ông Quang nói.
Do tính chất ghi nhận doanh thu này, các DN BĐS niêm yết không phụ thuộc tình hình chào bán sản phẩm trong kỳ để kiểm toán mà có thể chủ động sắp xếp kế hoạch lợi nhuận theo trình tự bàn giao nhà cuốn chiếu. Điều này lý giải vì sao các DN địa ốc vẫn báo doanh thu và lợi nhuận cao bất chấp dịch Covid-19 phức tạp.
Vẫn muốn ngân hàng cho hưởng ưu đãi vay lãi suất
Dù nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận cao trong quý 3, nhưng không khí chung trong toàn ngành vẫn ảm đạm. Đơn cử như nhóm nghề môi giới BĐS, một thống kê của Công ty DKRA Việt Nam về doanh thu của doanh nghiệp môi giới tại khu vực Tp.HCM trong 3 tháng cho thấy, có đến 50% doanh nghiệp có mức doanh thu đạt dưới 10%. Nhóm này được xếp vào nhóm doanh nghiệp có nguy cơ ngưng hoạt động rất cao. Khoảng 30% doanh nghiệp có nguy cơ ngưng hoạt động cao với mức doanh thu từ 30-50%. Chỉ 10% doanh nghiệp có mức doanh thu 50-70%, trong khi đó chỉ có 10% doanh nghiệp có doanh thu ổn định.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ thiếu vốn, dòng tiền cạn kiệt đang là lực cản lớn nhất cho sự phục hồi sau dịch. Cho nên, nhiều lần các doanh nghiệp và tổ chức liên quan đề nghị các biện pháp hỗ trợ từ các cơ quan có thẩm quyền.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) từng nhiều lần kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm; cho phép khoanh nợ, giãn kỳ hạn trả nợ, không chuyển khoản nợ đáo hạn sang khoản nợ xấu hơn cho các khách hàng. Quan trọng nhất là xem xét cho doanh nghiệp địa ốc, người vay tín dụng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà đủ điều kiện thì được tiếp cận các khoản vay tín dụng mới, tạo điều kiện cho họ phục hồi sản xuất kinh doanh và người mua nhà vượt qua khó khăn do ảnh hưởng do đại dịch trong điều kiện bình thường mới, sống chung an toàn với dịch bệnh.
Đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng và các ban ngành liên quan quan tâm xem xét, trình Chính phủ điều chỉnh chính sách vĩ mô để kịp thời hỗ trợ các DN đầu tư, kinh doanh dịch vụ BĐS, đặc biệt là nhóm nghề môi giới BĐS gặp khó khăn bởi dịch bệnh.