Đề xuất sân bay quốc tế thứ 2 cho Vùng Thủ đô: Đau đầu bài toán vị trí
Một số chuyên gia cho rằng, sân bay quốc tế thứ 2 cho vùng Thủ đô chỉ nên nằm ở khoảng cách hợp lý đến các thành phố vùng tam giác kinh tế miền Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh khoảng 30-50 km.
Theo báo Lao động Sở Quy hoạch - Kiến trúc vừa kiến nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Giao thông-Vận tải phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - Công ty cổ phần (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của TP đề nghị Bộ GT-VT xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội, và cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội (ngoài việc mở rộng, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Nội Bài lên 100 triệu hành khách/năm).
Đề xuất Thành phố xây dựng văn bản kiến nghị xây dựng sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, hiện nay, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GT-VT triển khai theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 336/QĐ-TTg ngày 4/3/2020, trong đó yêu cầu: Đánh giá việc phát triển mở rộng các cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không hiện hữu lớn như: Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Long Thành... để có định hướng dự trữ đất đai phục vụ phát triển (thêm đường cất hạ cánh, công trình dịch vụ) hoặc nghiên cứu bổ sung cảng hàng không, sân bay mới.
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 6/5/2016, nội dung thuyết minh đồ án có nghiên cứu 4 phương án, gồm: Sân bay tại khu vực huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), cách trung tâm Hà Nội 60-65km; sân bay tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội khoảng 35-40km; sân bay tại huyện Thanh Miện và Bình Giang (tỉnh Hải Dương), cách trung tâm Hà Nội khoảng 45-50km; sân bay tại huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km.
VOV thông tin thêm cho biết trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên bàn đến việc nên đặt sân bay quốc tế thứ 2 Hà Nội ở đâu. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề để Vùng Thủ đô tiếp tục cân nhắc trước khi quyết định đặt sân bay quốc tế thứ hai ở đâu.
Đơn cử như tại Hải Phòng, Bộ GTVT đã chỉ đạo cho nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch Cảng Hàng không Cát Bi để triển khai xây dựng dự án đạt công suất 13 triệu hành khách/năm và 250.000 tấn hàng hóa/năm. Như vậy, sau khi được mở rộng và nâng cấp có thể trở thành một sân bay quốc tế thứ 2 của vùng. Do đó, nếu đặt thêm sân bay nữa ở huyện Tiên Lãng được cho là không cần thiết.
Trong khi đó, theo Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia Ngô Trung Hải, với đề xuất xây sân bay tại Hải Dương sẽ "vấp" phải 3.000ha lúa và phải di dời cả 1 huyện nên rất khó để tiến hành giải phóng mặt bằng.
Với các khu vực huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam thì đều là vùng đá trũng, rất khó khả thi trong việc quy hoạch xây dựng sân bay.
Phương án cuối cùng là vùng phía Nam Hà Nội lại đang đảm nhiệm trọng trách là vùng sẻ lũ cho trung tâm thành phố. Có thể nói để chọn được vị trí cho sân bay quốc tế thứ 2 cho Vùng Thủ đô vẫn chưa có lời giải.
Bản đồ quy hoạch Vùng Thủ đô điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
PGS Trần Trọng Hanh - Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng khu vực phía bắc và phía nam Hà Nội đều là các vùng đất trũng, không an toàn nếu đặt sân bay quốc tế thứ 2 ở đây.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, một sân bay quốc tế đẳng cấp cho vùng tam giác kinh tế miền Bắc sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, là động lực thúc đẩy sự phát triển vùng mang tính chiến lược.
Sự phát triển chuỗi đô thị đồng bằng Bắc bộ với trục Hà Nội - Hải Phòng có mức độ tập trung công nghiệp theo lãnh thổ vào loại cao nhất nước do vị trí, nguồn nguyên liệu, tài nguyên phong phú, có mật độ dân cư đông và những yếu tố lịch sử... đòi hỏi phải có sân bay quốc tế của trung tâm vùng.
Vì vậy, vị trí của sân bay quốc tế mới phải nằm ở khoảng cách hợp lý đến các thành phố vùng tam giác kinh tế miền Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh khoảng 30-50 km là thích hợp. “Các yếu tố về địa hình, địa chất dù có khó một chút đi nữa thì cũng là thứ yếu vì khoa học kỹ thuật ngày nay thừa sức khắc phục” - vị chuyên gia khẳng định.
Nguyễn Triệu