ĐHĐCĐ bất thường Kinh Bắc: Mục tiêu lợi nhuận gấp 5 lần năm trước
Đặt mục tiêu lãi kỷ lục năm 2022
Theo kế hoạch năm 2022, KBC đặt mục tiêu đạt 9.800 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 4.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt gấp 2,3 lần và gấp 5 lần so với kết quả năm 2021. Nếu thực hiện thành công, đây sẽ là kết quả lợi nhuận cao kỷ lục của công ty kể từ niêm yết trên sàn vào năm 2007.
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), cho biết kế hoạch trên dựa trên một phần từ những chuẩn bị của công ty những tháng cuối năm 2021. Ông Tâm cho rằng tốc độ phát triển của năm 2022 vẫn "kiểm soát được".
Ông cũng bày tỏ tin tưởng là sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2022 một cách nhẹ nhàng bởi những chuẩn bị từ trước đó. Cuối năm ngoái, KBC đã được chấp thuận đầu tư tại ba cụm công nghiệp (CCN) có tổng quy mô 225 ha ở Hưng Yên.
Bên cạnh đó, ba khu công nghiệp (KCN) mới do doanh nghiệp đề xuất đầu tư tại Hải Dương với tổng quy mô 1.291 ha cũng đã được thêm vào quy hoạch tổng thể, sau hơn ba năm chờ đợi.
Lãnh đạo KBC khẳng định "Về phát triển KCN, hiện tại không ai vượt KBC". Ông cho biết ở các địa phương đã hết đất, nếu không công ty có thể còn phát triển hơn nữa. "Ở Việt Nam, khó có đơn vị nào có thể phát triển như chúng ta", vị chủ tịch KBC bày tỏ.
Năm 2022, KBC có các kế hoạch phát hành để tăng vốn điều lệ. Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến phát hành tối đa 191,9 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 1.919 tỷ đồng và chào bán riêng lẻ tối đa 150 triệu cổ phiếu, tương đương 1.500 tỷ đồng (tính theo mệnh giá).
Với số tiền thu được, KBC sẽ bổ sung vốn, tái cơ cấu nợ vay, đầu tư góp vốn vào công ty con, công ty liên kết. Tính đến cuối quý IV/2021, KBC có hơn 575,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành (chưa bao gồm 5,95 triệu cổ phiếu quỹ đang được chào bán), tương ứng vốn điều lệ hơn 5.757 tỷ đồng.
Nói về kế hoạch tăng vốn, Chủ tịch KBC cho biết mặc dù công ty đã có vốn lớn nhưng vẫn phát hành cổ phiếu thưởng nhằm nâng vốn lên 1 tỷ USD.
Ông Tâm bày tỏ mình nắm rõ các dòng tiền đang luân chuyển về Việt Nam như thế nào. Ông thông tin rằng ngoài các dòng vốn đầu tư trực tiếp, sắp tới sẽ có dòng vốn rất lớn, quỹ đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam và có xu hướng tập trung vào các tập đoàn lớn. "Họ không cần lãi suất quá cao, chỉ cần 4 - 5%/năm là cũng ổn với họ rồi", vị lãnh đạo chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Tâm xác định Bắc Ninh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chậm nhất là năm sau, do đó công ty đang tích cực chuẩn bị để đón đầu các thời cơ, cả trong và ngoài nước.
Tại đại hội, cổ đông cũng đã thông qua việc bầu các thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ mới. Trong đó, con gái ông Đặng Thành Tâm là bà Đặng Nguyễn Quỳnh Anh (sinh năm 1996) lần đầu xuất hiện trước công chúng. Ông Tâm cho biết mình và gia đình nắm hàng chục triệu cổ phiếu KBC và xác định sẽ gắn bó lâu dài với tổng công ty.
Trả lời cổ đông tại phần thảo luận về khả năng thực thi KCN Tràng Cát (Hải Phòng), ông Đặng Thành Tâm cho biết công ty đã nộp tiền sử dụng đất vào cuối năm 2020 và đã được phép của ban quản lý để san nền. Vì quy mô lớn nên phải chia nhiều giai đoạn để thực hiện.
Đồng thời, công ty cũng đang tìm kiếm và phân công nhiều nhà thầu để làm nhanh chóng dự án. Tổng khối lượng san lấp lên hơn 20 triệu khối. Đây là dự án trọng điểm và dự kiến sẽ đóng góp nhiều ngân sách cho TP Hải Phòng.
Ông Tâm chia sẻ thêm: "Làm KCN công nghệ cao không thể đẩy giá thuê lên cao được. Một m2 khu công nghiệp chỉ lãi bằng 1/10 hoặc 1/50 so với đất thương mại. Thế nhưng việc kinh doanh và quản lý KCN ổn định, lâu dài, dòng tiền ổn định. Song song đó, công ty còn xây dựng nhà xưởng cho thuê, tạo nguồn thu.
Do đó ông Tâm khẳng định dù thế nào công ty vẫn sẽ tồn tại bền vững, không như nhiều loại hình khác. "Trong năm nay chắc chắn hoạt động KCN sẽ bùng nổ, nhất là tại Hải Phòng và Hải Dương", ông nói.