Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS): Kỳ vọng động lực tăng doanh thu khi hoạt động thương mại dự báo phục hồi từ quý IV

Thùy Dương 15:22 | 04/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nửa đầu năm nay, thông lượng hàng hóa quốc tế của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS) giảm 35% so với cùng kỳ do lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm tốc, đồng thời so sánh trên mức nền cao của nửa đầu năm ngoái. Các chuyên gia kỳ vọng hoạt động thương mại sẽ dần phục hồi từ quý IV/2023 giúp công ty lấy lại vị thế, tiếp tục thu hút khách hàng.

Theo thông tin từ CTCK Vietcap (VCSC) ngày 3/7, một hãng hàng không lớn đã trì hoãn việc di dời từ Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) sang SCS để quan sát hoạt động thương mại trước khi đưa ra quyết định.

Cụ thể, hãng hàng không này đang chuẩn bị di dời do TCS sắp hết công suất do không có quỹ đất để mở rộng. Trong khi đó, SCS chỉ mới hoạt động được 65% công suất mà quỹ đất cho phép. Ban lãnh đạo SCS trước đây dự kiến thông lượng của khách hàng này sẽ đạt khoảng 27.000 tấn trong nửa cuối năm 2023.

Về tình hình kinh doanh, thông lượng hàng hóa quốc tế của SCS giảm 35% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023 do lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm tốc cũng như việc so sánh với mức nền cao của nửa đầu năm ngoái.

Các chuyên gia dự báo thông lượng quốc tế cho cả năm nay sẽ giảm 20% cùng kỳ trước khi phục hồi 25% vào năm sau, đồng nghĩa trở lại mức của năm 2022 nhờ hoạt động thương mại phục hồi. 

Trong bối cảnh khách hàng tiềm năng trì hoãn việc chuyển đổi, VCSC kỳ vọng hoạt động thương mại sẽ dần phục hồi, trở thành động lực cho triển vọng tích cực cho SCS.

Theo nhóm phân tích, các đợt tăng lãi suất mạnh của Fed và các ngân hàng trung ương khác trong giai đoạn 2022 - 2023 đã thúc đẩy việc cắt giảm hàng tồn kho trên toàn chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các chỉ số kinh tế đi trước đã báo hiệu một cuộc suy thoái. Tuy nhiên thời gian diễn ra dự báo (trước khi thật sự suy thoái) lần này dài hơn so với các chu kỳ trước. Do đó, các đơn đặt hàng của Mỹ cho các nhà sản xuất suy yếu vào giữa năm 2022 trong khi mức tiêu thụ tại quốc gia này vẫn ổn định.

Theo VCSC, việc cắt giảm đơn đặt hàng đã phần nào phản ánh rủi ro suy thoái. Từ đó, việc bổ sung hàng hóa dần cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử và dệt may được kỳ vọng sẽ bắt đầu từ quý IV/2023.

Bên cạnh đó, VCSC dự báo biên lợi nhuận của SCS sẽ giảm xuống 81,2% vào năm 2023 so với 87,1% vào năm 2022. Theo đó, nhóm phân tích chỉ ra rằng khung giá nhượng quyền hàng không mới dự kiến sẽ làm giảm biên lợi nhuận của SCS. Cụ thể, sang 2023, hoạt động nhượng quyền nhà ga hàng hóa hàng không sẽ do Bộ Giao thông Vận tải quy định thay vì Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV). Trong khung giá mới này, SCS sẽ phải trả thêm 1,5% - 4,5% doanh thu hàng hóa hàng không của công ty cho Nhà nước (con số chính xác còn phụ thuộc vào việc đàm phán trong thời gian tới). Một nguyên nhân khác khiến VCSC dự báo biên lãi của SCS giảm xuống trong năm nay là do đóng góp thấp hơn từ hàng hóa quốc tế vốn có biên lợi nhuận cao.

Theo đó, VCSC điều chỉnh giảm dự báo doanh thu thuần của SCS năm nay về 758 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 507 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 17% so với thời điểm trước điều chỉnh. 

 VCSC dự phóng kết quả kinh doanh SCS. Ảnh: Thùy Dương tổng hợp từ báo cáo phân tích.

 

Bên cạnh đó, trên giả định thận trọng rằng SCS sẽ không tham gia dự án Sân bay Quốc tế Long Thành (LTA) - vốn đang trong giai đoạn tăng tốc thi công, VCSC cho rằng công ty sẽ mất 25% thông lượng hàng hóa vào năm 2027. Theo đó, nhóm phân tích cũng điều chỉnh dự báo lãi ròng năm 2026 tăng 29% và giảm 1% vào 2027 từ kỳ vọng LTA sẽ đi vào hoạt động năm 2027 so với năm 2026 trước đây.

 Trước đó, SCS đã lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm nay lần lượt ở mức 780 tỷ đồng và 560 tỷ đồng. Theo SCS, kế hoạch này đặt ra trên cơ sở cân nhắc những yếu tố tác động từ nền kinh tế và ngành hàng không trong nước và thế giới vẫn còn rất nhiều khó khăn, biến động khó lường. Đặc biệt là diễn biến kéo dài của cuộc xung đột Nga – Ukraina, lượng hàng hóa giảm, lạm phát cao toàn cầu chưa kiểm soát được, lãi suất Ngân hàng khó giảm... dẫn đến khó khăn khó lường cho nền kinh tế nói chung và ngành hàng không nói riêng.