Những doanh nghiệp dịch vụ hàng không đầu tiên công bố BCTC quý I/2023: Bức tranh lợi nhuận đã có sự phân hóa

Thùy Dương 15:07 | 25/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sản lượng vận tải hàng hóa giảm mạnh do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu quý I/2023 cùng với lượng khách Trung Quốc chưa trở lại như kỳ vọng đã phản ảnh ngay trong bức tranh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dịch vụ hàng không.

Tính đến 25/4, dù mới ghi nhận báo cáo tài chính quý I/2023 của 3 doanh nghiệp, nhưng những "mảnh ghép" đầu tiên về bức tranh kết quả kinh doanh của ngành dịch vụ hàng không đã cho thấy sự phân hóa rõ rệt.

Trong đó, hai doanh nghiệp dịch vụ hàng hóa ghi nhận mức giảm doanh thu và lợi nhuận đáng kể trong bối cảnh tổng sản lượng hàng hóa quốc tế giảm mạnh do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Riêng Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS) chuyên cung cấp dịch vụ thương mại tại sân bay Tân Sơn Nhất là báo kết quả kinh doanh tăng mạnh do lượng khách trong nước và quốc tế phục hồi.

Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS) là doanh nghiệp duy nhất chứng kiến lợi nhuận tăng trong 3 doanh nghiệp dịch vụ hàng không đã công bố BCTC quý I đến nay. Nguồn: Thùy Dương tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp.

Theo đó, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HOSE: SCS) ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng trong quý lần lượt đạt 162 tỷ đồng và 113 tỷ đồng, tương đương mức giảm 34% và 40% so với cùng kỳ (svck). 

 

Biên lãi gộp cũng giảm từ 83,3% quý I/2022 còn 76% trong năm nay, song vẫn chưa chạm mức thấp nhất trong giai đoạn dịch bệnh ảnh hưởng nặng của quý IV/2021 với 73%.

 

Theo SCS, kết quả kinh doanh lao dốc vì tổng sản lượng hàng hóa quốc tế giảm mạnh giữa bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.

 Bảng báo cáo số lượng hàng hóa 2023. Nguồn: Thùy Dương tổng hợp từ SCS.

 Bảng so sánh số lượng hàng hóa với năm trước. Nguồn: Thùy Dương tổng hợp từ SCS.

Trong báo cáo phân tích mới đây (ngày 13/4), Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo thông lượng hàng hóa hàng không trong nước của SCS phục hồi ở nửa cuối năm nay nhiều khả năng không đủ để bù đắp cho những thách thức đối với hàng hóa quốc tế. Theo các chuyên gia, hàng hóa hàng không quốc tế thường chiếm lần lượt 75% và 90% thông lượng và doanh thu xử lý hàng hóa của SCS. Trong khi hàng hóa trong nước tăng 18% svck trong quý I/2023 nhờ dòng chảy thương mại giữa miền bắc và miền nam tăng lên khi thương mại biên giới với Trung Quốc được nối lại, hàng hóa quốc tế giảm 45% svck còn 30.700 tấn, khiến tổng thông lượng hàng hóa giảm 30%. Ngoài ra, xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam giảm 11% svck và xuất khẩu hàng dệt may giảm 17% trong quý I. Khi hoạt động thương mại tại Việt Nam giảm do suy thoái toàn cầu, giá vận chuyển container đường biển đã trở lại mức trước COVID, khiến vận chuyển hàng không ít cạnh tranh hơn svck.

Trong năm nay, các chuyên gia dự báo lãi ròng giảm khoảng 6% do dự báo sản lượng hàng hóa thông quan giảm 8%, phần nào được bù đắp bởi dự báo giá vốn hàng bán (COGS) thấp hơn. Bên cạnh đó, thông lượng quốc tế năm 2023 dự báo chỉ giảm 4% svck nhờ sự phục hồi trong nửa cuối năm, được thúc đẩy bởi việc tái nhập kho hàng xuất khẩu và một khách hàng mới, sẽ đóng góp 14% vào sản lượng cả năm. 

 

CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (HOSE: NCT) cũng trong tình cảnh kinh doanh đi lùi tương tự SCS, trái ngược với hai năm trước đó, khi nhu cầu hàng hóa bùng nổ, cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đã thúc đẩy hoạt động vận tải hàng hóa qua đường hàng không. Cụ thể, doanh thu thuần và lãi ròng của NCT lần lượt đạt 150 tỷ đồng và 45 tỷ đồng, tương ứng giảm 21% và 25% svck quý I/2022. Biên lãi gộp giảm xuống 43%.

 

Kinh tế khó khăn cũng là lý do mà NCT đưa ra để lý giải cho tình hình kinh doanh kém sắc hơn cùng kỳ năm ngoái. Công ty cho biết trong quý I/2023, tình hình không thuận lợi vì kinh tế thế giới khó khăn và xuất khẩu giảm mạnh. “Trước tình hình đó, sản lượng phục vụ của công ty trong quý I cũng bị ảnh hưởng không nhỏ”, theo NCT.

Trong khi SCS và NCT báo cáo kết quả kinh doanh giảm tốc, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (UPCoM: SAS) lại ghi nhận tăng trưởng gấp nhiều lần cùng kỳ.

Cụ thể, quý I/2023, SAS báo cáo doanh thu 567 tỷ đồng, gấp 4,3 lần svck, tương ứng thực hiện 25% kế hoạch năm 2023. Lãi ròng 36,4 tỷ đồng, gấp gần 21 lần svck. Sự tăng trưởng mạnh này dựa trên mức nền giai đoạn chịu tác động nặng bởi đại dịch (quý I/2022).

 

Sản lượng hành khách 3 tháng đầu năm tại Tân Sơn Nhất đạt 10,4 triệu lượt khách, tương đương 179% so với cùng kỳ và 101% so với quý I/2019. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 3,2 triệu lượt, tương đương 81% so với 2019. Khách trong nước đạt hơn 7,2 triệu lượt, tương đương 113% so với năm 2019 và 130% so với cùng kỳ.

Tổng Giám đốc Đoàn Thị Mai Hương phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 vừa qua, trong quý I, khách Trung Quốc vẫn chưa trở lại dù nước này đã tái mở cửa từ đầu năm. Bà kỳ vọng sang quý II, hành khách từ Trung Quốc sẽ trở lại.

Cho năm 2023, SAS lên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh, với lãi trước thuế tăng 19% so với năm 2022, lên 274 tỷ đồng. Kế hoạch này được đưa ra trên giả định sản lượng hành khách ở mức 39 triệu lượt (tương đương 95% năm 2019), khách quốc tế trở lại từ cuối quý II.

Tuy nhiên, bà Hương nhấn mạnh kế hoạch này được tính toán trên chi phí hợp tác kinh doanh và khai thác mặt bằng của năm 2022, do các bên vẫn chưa thống nhất về khoản chi phí này cho năm 2023.

Tổng Giám đốc lưu ý đây là khoản chi phí tác động lớn nhất tới hoạt động kinh doanh. "Trong trường hợp, khoản chi phí mặt bằng và hợp tác khai thác thay đổi trong năm 2023, các chỉ tiêu kinh doanh của Công ty sẽ bị ảnh hưởng", bà Hương cho biết, đồng thời nói thêm hai khoản chi phí quan trọng khác của SAS là lương và chi phí vốn hàng.

Theo Tổng cục thống kê, quý I/2023, vận tải hành khách qua đường hàng không đạt 16 triệu lượt, xếp thứ 3 sau đường bộ và đường thủy nội địa. Sản lượng vận tải hàng hóa chỉ đạt 0,07 triệu tấn, là mức thấp nhất theo ngành vận tải. Tính chung quý I, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 2,7 triệu lượt người, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 60% so với năm chưa xảy ra đại dịch.