Nhìn lại thăng trầm của ngành hàng không năm 2022

Thùy Dương 08:26 | 03/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngay trong dịp Tết nguyên đán, nhiều doanh nghiệp hàng không đã tung báo cáo tài chính quý IV/2022. Trong khi các cảng hàng không báo lãi tăng vọt do lượng du khách phục hồi mạnh mẽ, các hãng bay lại đối diện với kết quả kinh doanh tiếp tục lỗ trong bối cảnh chi phí tăng vọt.

Năm gặt hái của các doanh nghiệp cảng hàng không dịch vụ

CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO, UPCoM: SAS) là một tron những đơn vị đầu tiên của ngành hàng không công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022.

Cụ thể, quý IV/2022, doanh thu thuần SAS đạt 558 tỷ đồng, gấp 9 lần, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 89 tỷ đồng, gấp 44,5 lần so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm, doanh thu thuần đạt 1.400 tỷ đồng, gấp 4,36 lần, lợi nhuận sau thuế đạt 210 tỷ đồng, gấp 70 lần so với 2021. Tỷ lệ biên lãi gộp đạt 52,4%, biên lãi thuần đạt 15%. Nhìn chung, cứ 100 đồng doanh thu sẽ mang về cho SAS 54 đồng lãi gộp trong quý IV.

Theo bản thuyết minh báo cáo, các chỉ tiêu doanh thu hàng hóa và cung cấp dịch vụ đều tăng mạnh so với năm trước. Giải trình về điều này, công ty cho biết kết quả tích cực cả về doanh thu và lợi nhuận là do hoạt động kinh doanh trong kỳ tại nhà ga Tân Sơn Nhất đã dần hồi phục, so với 2021, sản lượng khách đi và đến tại nhà ga quốc nội và quốc tế đều tăng mạnh. Mức tăng ấn tượng cũng một phần nhờ nền so sánh thấp của quý IV/2021, quý mà kết quả kinh doanh chịu tác động lớn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến tiêu dùng, hạn chế sức mua của khách hàng tại nhà ga nội địa, các chuyến bay quốc tế gần như ngừng hoạt động.

Ngoài ra, so với quý IV/2021, lợi nhuận hoạt động tài chính trong quý IV/2022 của SAS đạt 61 tỷ đồng, tăng 435% so với cùng kỳ năm trước do cổ tức, lợi nhuận nhận được từ các đơn vị có vốn góp tăng và chênh lệch tỷ giá do đánh giá cuối kỳ giảm. Lợi nhuận khác đạt 3 tỷ đồng, tăng 108% nhờ thu nhập từ hỗ trợ bán hàng, khuyến mãi trong kỳ tăng tương ứng với doanh thu bán hàng.

Đáng chú ý, SAS hiện đang có hơn 600 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi trong khi công ty không có vay nợ tài chính.

Kết thúc năm, SAS thành công rực rỡ với 105% hoàn thành chỉ tiêu doanh thu kế hoạch và 280% hoàn thành lợi nhuận trước thuế kế hoạch.

 

Tương tự, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HOSE: SCS) cũng báo lãi cả năm 2022 đạt 646 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, so với các chỉ tiêu cùng kỳ, công ty ghi nhận doanh thu thuần trong quý đạt 195 tỷ đồng, giảm 25,5%, lợi nhuận sau thuế đạt 157 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,6%. Lũy kế cả năm, doanh thu tăng 1,4% lên 851 tỷ đồng.

Theo giải trình kết quả kinh doanh, chỉ tiêu doanh thu khai thác nhà ga vẫn luôn đóng góp phần lớn cho tổng doanh thu với 182 tỷ đồng quý IV/2022, tuy nhiên con số này đã giảm 27,2% so với cùng kỳ. Đặc biệt, doanh thu cho thuê văn phòng, bãi đậu xe, sân bóng… và các dịch vụ liên quan là chỉ tiêu duy nhất tăng 8,3% lên 13 tỷ đồng.

 

2 hãng bay lớn cùng nhau báo lỗ 

Dù doanh thu thuần đạt 70.578 tỷ đồng, đang trên đà hồi phục mạnh sau đại dịch (cùng kỳ năm ngoái đạt 27.911 tỷ đồng, doanh thu thuần năm 2019 đạt 98.228 tỷ đồng) nhưng Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HOSE: HVN) lại ghi nhận lỗ nặng khi tổng kết 2022 với lợi nhuận sau thuế âm 10.369 tỷ đồng.

Theo đó, quý IV/2022, doanh thu thuần của HVN đạt gần 19.573 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt âm 2.585 tỷ đồng, tức lỗ tăng hơn 1400 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021. Đáng chú ý, lãi vay tăng vọt cộng thêm lỗ chênh lệch tỷ giá đã đưa chi phí tài chính của DN lên gấp 3,6 lần, ở mức 1.023 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng mạnh 324% lên 1.057 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, doanh thu thuần tăng gần 153% so với mức nền thấp từ năm ngoái, lỗ sau thuế hơn 10.000 tỷ đồng từ mức lỗ hơn 13.000 tỷ đồng của cùng kỳ 2021.

Theo công ty, do thị trường quốc tế phục hồi chậm, chi phí nhiên liệu tăng mạnh từ xung đột Nga - Ukraine cùng các biến động về tỷ giá và lãi suất tăng đã dẫn đến kết quả thua lỗ quý này.

Ở bảng cân đối kế toán, cuối năm 2022, HVN sở hữu 12.315 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó tiền mặt chiếm 2.344 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn đạt 53.138 tỷ đồng, trong đó nợ thuê tài chính ngắn hạn là 13.400 tỷ đồng.

 

CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) cũng báo  doanh thu thuần trong quý IV/2022 đạt 11.807 tỷ đồng, gấp 4,23 lần so với cùng kỳ năm 2021; tuy nhiên công ty vẫn lỗ nặng 2.358 tỷ đồng trong quý (cùng kỳ quý IV/2021 lỗ 93 tỷ đồng). 

Lũy kế cả năm, công ty ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về doanh thu từ 12.874 tỷ đồng năm 2021 lên 39.342 tỷ đồng năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế âm 2.171 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước tăng trưởng dương 121 tỷ đồng.

Công ty cho biết, trong năm 2022, VJC đã thực hiện vận chuyển 20,5 triệu lượt khách trên 116.000 chuyến bay, vận tải hành khách nội địa tăng trưởng 20% so với 2019 và là nhân tố chủ chốt dẫn dắt sự phục hồi doanh thu. Trong khi đó, vận tải hành khách quốc tế tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực và dự kiến sẽ hồi phục hoàn toàn trong năm 2023. Tuy nhiên, xét theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp,  hai nguyên nhân chính khiến hãng hàng không của bà Nguyễn Thị Phương Thảo lỗ nặng trong năm qua là (1) giá vốn tăng vọt so với năm 2021 gây ra khoản lỗ gộp gần 2.170 tỷ đồng và (2) lãi vay và lỗ tỷ giá tăng vọt đẩy chi phí tài chính trong năm 2022 tăng thêm hơn 1.900 tỷ đồng, lên hơn 2.730 tỷ đồng.

Kết thúc 2022, tổng tài sản VJC đạt 67.147 tỷ đồng, tăng 31,3% so với đầu năm, trong đó tài sản ngắn hạn đạt 31.047 tỷ đồng, tăng 15,5%, chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn với 26.928 tỷ đồng. Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả tăng vọt 52% lên 52.905 tỷ đồng; trong đó nợ ngắn hạn tăng gần gấp đôi lên hơn 30.822 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại ngày 31/12/2022, tổng vay và nợ thuê tài chính cả ngắn và dài hạn (vay ngân hàng, trái phiếu... ) của VJC đã đạt tới gần 17.500 tỷ đồng. 

Vốn chủ sở hữu giảm 15,5% so với đầu năm xuống đạt 14.241 tỷ đồng.

 

Du khách Trung Quốc trở lại sẽ tác động ra sao đến ngành hàng không Việt Nam 2023?

Theo báo cáo triển vọng ngành hàng không mà SSI Research công bố ngày 31/1, nhu cầu cho ngành tiếp tục hồi phục từ dịch COVID-19 sẽ tạo cơ hội du lịch toàn cầu phát triển mạnh, qua đó mang đến triển vọng cho ngành hàng không trong năm 2023.

Theo các chuyên gia, việc nới lỏng chính sách Zero Covid ở Trung Quốc sẽ tác động đến thị trường hàng không toàn cầu. Kì nghỉ hè 2023 có thể là một điểm quan trọng trong quá trình phục hồi của khách du lịch Trung Quốc mà nhà đầu tư cần quan sát.

Đối với Việt Nam, đây là yếu tố đáng kể tác động đến ngành, khi lượng khách Trung Quốc chiếm 32% khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không trong năm 2019 và Trung Quốc là điểm đến du lịch sôi động nhất đối với người Việt Nam. SSI ước tính khách Trung Quốc đến Việt Nam dần hồi phục trong quý II/2023, trước khi đạt đỉnh vào kỳ nghỉ hè 2023. Các chuyến bay quốc tế 2024 có thể vượt qua mức 2019, đánh dấu hồi phục hoàn toàn cho ngành hàng không Việt Nam.

Ở góc nhìn thận trọng, SSI Research cho rằng  lợi nhuận các hãng hàng không được hỗ trợ bởi giá nhiên liệu giảm và công suất đội bay tăng nhưng vẫn duy trì ở mức thấp hoặc âm, do chi phí nhiên liệu vẫn ở mức cao hơn khoảng 20% so với trước đại dịch, trong khi doanh thu từ khách quốc tế sẽ phục hồi từ từ và bối cảnh ngành sẽ khá cạnh tranh trong giai đoạn đầu mở cửa lại.