Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019: Logistics hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, năm 2020 là một năm quan trọng khi Việt Nam đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên ASEAN. Đây cũng là năm bản lề trong triển khai kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 và là dịp kỷ niệm tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.
Trước bối cảnh xu thế thương mại quốc tế có những biến đổi không ngừng tác động trực tiếp tới hoạt động thương mại và kinh tế của Việt Nam, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế là yêu cầu thiết yếu để phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước đã ban hành các Nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt cho phát triển logistics.
Để từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách về logistics, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản quan trọng như: Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ logistics; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.
Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, ngày 26 tháng 3 năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 708/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cải thiện chỉ số Hiệu quả Logistics của Việt Nam. Kế hoạch đề ra nhiệm vụ cụ thể gắn với vai trò của các bộ, ngành, địa phương và được chia thành các nhóm nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với các chỉ số thành phần trong LPI. Bộ Công Thương với vai trò là đầu mối theo dõi Chỉ số Hiệu quả Logistics, hiện đang tích cực đôn đốc, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch nêu trên nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện hiệu quả logistics quốc gia.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, ngày 09 tháng 6 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 684/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2016 về việc thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại.
Theo đó, ngoài các nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Điều 2 Quyết định số 1899/QĐ-TTg, Ủy ban chỉ đạo còn có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động của các Bộ, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc hoàn thiện chính sách; triển khai các giải pháp phát triển, cải thiện chất lượng, nâng cao tính hiệu quả và khả năng đáp ứng của các dịch vụ logistics theo yêu cầu phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại và nền kinh tế.
Nhiệm vụ mới trên đây của Ủy ban được xem là cột mốc có ý nghĩa cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng như việc tạo thuận lợi thương mại, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển ngành dịch vụ logistics nhằm phát triển dịch vụ logistics của đất nước tiến kịp với trình độ tiên tiến của giao nhận vận tải và logistics quốc tế.
Trong thời gian qua, ngành logistics có mức tăng trưởng cao 13-15%. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện nay là khoảng 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không... Sự phát triển của ngành vận tải và logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt.
Với kết quả đáng ghi nhận của ngành dịch vụ logistics thời gian qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, đây là kết quả của những nỗ lực cải cách của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ nội tại bản thân doanh nghiệp.
Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương thẳng thắn nhìn nhận, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, tổ chức mạng lưới toàn cầu, hệ thống thông tin còn rất hạn chế. Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản và còn thiếu...
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ công tác trong thời gian tới và các kiến nghị của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, các ý kiến tại Diễn đàn để phát triển logistics.
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ ngành cần xác định logistics ở trong thời gian tới sẽ là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, vừa mang tính tổng thể vừa có chiều sâu, nhất là những diễn biến kinh tế - chính trị mới gần đây và làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0; chỉ ra những nguyên nhân, dự báo chiều hướng phát triển, phân tích tác động tới khu vực cũng như nước ta, từ đó đề xuất với Chính phủ những chủ trương, quyết sách thích hợp, nhằm tận dụng những cơ hội, ứng phó với những khó khăn, thách thức mới.
Đặc biệt chú trọng những nghiên cứu mang tính chiến lược tổng thể trong quan hệ với các nước ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta và quan tâm thích đáng đến các vấn đề của khu vực, từ Tiểu vùng Mê Kông, ASEAN đến thế giới; tiếp tục thực hiện và mở rộng các quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước trong khu vực.
Cấp thiết nghiên cứu, xây dựng một Chiến lược tổng thể đi đôi với một Quy hoạch tổng thể phát triển ngành logistics của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Kiện toàn tổ chức bộ máy của Ủy ban chỉ đạo quốc gia cùng với cơ chế phân cấp quản lý linh hoạt giữa Trung ương và địa phương; tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác về logistics có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ giỏi, phẩm chất đạo đức đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ mới trong thời gian tới.
Đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới cần quán triệt quan điểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tăng thêm phần giá trị gia tăng của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, tránh xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa sơ chế, có khối lượng lớn nhưng giá trị thấp gây ảnh hưởng đến chi phí vận tải.