Điều gì đã khiến nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng dương năm 2020, bứt phá khỏi “hố sâu” COVID-19?

12:04 | 09/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19 một cách mạnh mẽ, Trung Quốc được dự báo là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương năm 2020.
Các nhà phân tích cũng bày tỏ lạc quan về viễn cảnh kinh tế của Trung Quốc trong năm 2021, ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng trưởng khoảng trên 8%.
 
Điều gì đã khiến nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng dương năm 2020, bứt phá khỏi “hố sâu” COVID-19? - ảnh 1
 
Tổng Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 19/10 cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng trưởng 0,7% trong 3 quý đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong quý III/2020, mức tăng này là 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái và 2,7% so với quý trước.
 
Cũng theo NBS, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng trong tháng 9 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này đạt được sau khi hàng tiêu dùng chính trong tháng 8 lần đầu tiên đạt tăng trưởng dương trong năm nay, với mức tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng, một chỉ số kinh tế quan trọng, đã tăng 5,8% trong quý III/2020. Đầu tư tài sản cố định tăng 0,8% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã giảm 0,3% trong 8 tháng đầu năm.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức trong lĩnh vực chế tạo của nước này đạt 52,1 điểm trong tháng 11, cao nhất trong hơn 3 năm qua và thậm chí tốt hơn nhiều so với mức 51,5 điểm được các nhà kinh tế dự báo với Reuters. Trong tháng 10, chỉ số PMI lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đạt 51,4 điểm.

Chỉ số PMI là thước đo của các ngành/lĩnh vực được khảo sát từng tháng. Ngành/lĩnh vực đạt chỉ số PMI trên 50 điểm cho thấy dấu hiệu tăng trưởng, ngược lại chỉ số này dưới 50 điểm là dấu hiệu của sự suy giảm.

Ở lĩnh vực dịch vụ, chỉ số PMI Trung Quốc cũng ghi nhận tháng tăng điểm thứ 9 liên tiếp. Theo công bố của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số PMI lĩnh vực phi chế tạo đạt 56,4 điểm, cao hơn mức điểm 56,2 đạt được trong tháng 10. Tính chung lại, chỉ số PMI tổng hợp của Trung Quốc trong tháng 11 đạt mức 55,7 điểm, nhích lên so với 55,2 trong tháng 10.

Tấm gương đáng khích lệ cho toàn cầu

Theo ông Rothman, với việc đại dịch COVID-19 phần lớn được kiểm soát, cuộc sống bình thường ở Trung Quốc đã dần trở lại kể từ tháng 3/2020, và tháng 9/2020 là tháng thứ bảy liên tiếp của sự phục hồi kinh tế hình chữ V.

Nền kinh tế Trung Quốc ngày càng được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước, vì vậy điều quan trọng chính là việc chi tiêu của người tiêu dùng đã gia tăng trở lại.

Trong bối cảnh phần lớn thế giới vẫn đang phải tiếp tục vật lộn với đại dịch COVID-19, sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang diễn ra tương đối thuận lợi nhờ vào việc kiềm chế tốt dịch bệnh. Bên cạnh việc thực thi các chính sách nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch bệnh, Bắc Kinh đã chi hàng trăm tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
 
Điều gì đã khiến nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng dương năm 2020, bứt phá khỏi “hố sâu” COVID-19? - ảnh 2
Kinh tế Trung Quốc bứt phá mạnh mẽ khỏi "hố sau" COVID-19

Trung Quốc, quốc gia ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trên thế giới, nhưng lại là một trong số ít các nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020, dù ở tốc độ tăng chậm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm 2020, chưa bằng 1/3 tốc độ tăng 6,1% năm trước đó.
 

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho nền kinh tế như tăng chi tiêu công, hạ lãi suất cho vay, giảm thuế và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong hệ thống ngân hàng. . Chính phủ Trung Quốc cũng hạn chế vay nợ để hỗ trợ tăng trưởng, thay vào đó thực hiện các biện pháp có mục tiêu cụ thể, khác với việc bơm tiền ồ ạt như trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Hang Seng Bank China Wang Dan khẳng định, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý III/2020 đã nhanh hơn nhiều so với giai đoạn nửa đầu năm, chủ yếu là nhờ động lực từ hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, bất động sản và các kết quả tốt trong hoạt động xuất khẩu.

Theo chiến lược gia về thị trường toàn cầu tại châu Á-Thái Bình Dương của công ty Invesco David Chao, các nền kinh tế ở châu Á sẽ là đối tượng được hưởng lợi lớn từ đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc. "Sự phục hồi kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đưa các nền kinh tế châu Á tiến lên một mức độ nhất định", ông David Chao nhấn mạnh.
 
 
Mỹ Duyên