Điều hành xăng dầu: Cần sự chủ động từ các bộ, ngành

Thùy Dương/ TTXVN 17:38 | 14/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo các chuyên gia kinh tế, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu đối với kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; do đó cần sự chủ động phối hợp giữa các bộ, ngành và thương nhân đầu mối nhằm có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh hiện nay, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.

Hiện nay, quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu các khoản chi phí định mức được tổng hợp rà soát theo 2 phần gồm chi phí tạo nguồn phát sinh trong khâu nhập mua xăng dầu về đến cảng biển đầu mối (chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng, premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng). Chi phí phát sinh trong khâu lưu thông xăng dầu phát sinh từ kho xăng dầu đầu mối tới các kho trung gian và tới tận cửa hàng xăng dầu cuối cùng (chi phí kinh doanh định mức).

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã rà soát, điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Đối với các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium (các chi phí trong kinh doanh xăng dầu) trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng được tổng hợp rà soát điều chỉnh 2 lần/ năm. Khoản chi phí kinh doanh định mức được tổng hợp rà soát điều chỉnh định kỳ 1 lần/năm.

Bộ Tài chính cho biết, nguyên tắc rà soát đánh giá điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu là căn cứ trên báo cáo các chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong kỳ báo cáo và kết quả khảo sát đánh giá thực tế tại đơn vị.

Theo đó, năm 2022 các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (điều chỉnh 3 lần), premium trong nước (điều chỉnh 2 lần), chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng (điều chỉnh 2 lần) và chi phí kinh doanh định mức (thông báo điều chỉnh 1 lần) đã được rà soát tổng hợp điều chỉnh theo đúng thực tế phát sinh và công bố điều chỉnh theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC.

Thời gian gần đây, chính trị thế giới diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trên thế giới tác động tới chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam làm phát sinh tăng cao đột biến . Do đó, ngay sau thời kỳ công bố điều chỉnh định kỳ vào ngày 1/7/2022, khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã tiếp tục được Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương kịp thời điều chỉnh trong trường hợp có biến động bất thường vào ngày 8/11/2022 cho phù hợp với thực tế phát sinh trong trường hợp bất thường theo đúng quy định.

Như vậy, Bộ Tài chính đã điều chỉnh 3 lần chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong năm 2022 (lần 1 vào 10/1/2022; lần 2 vào 10/7/2022 và mới đây nhất là 8/11).

Ngày 8/11, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công thương, kết quả tổng hợp báo cáo chi phí kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, sau khi lấy ý kiến của Bộ Công thương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thông báo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu (đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu) tăng 28% - 83%, tương ứng với 160 - 660 đồng/lít, kg, so với hiện hành.

Cụ thể, xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 tăng lên 640 đồng/lít. Xăng RON95 là 1.280 đồng/lít. Dầu diesel 0,05S: 730 đồng/lít. Dầu hỏa có mức tăng cao nhất lên 1.740 đồng/lít, đối với mặt hàng dầu mazut không điều chỉnh do không có biến động bất thường (giữ nguyên mức 1.290 đồng/lít theo thông báo đã điều chỉnh từ kỳ 1/7/2022).

Kết quả tính toán và thông báo điều chỉnh của Bộ Tài chính được căn cứ từ số liệu báo cáo chi tiết các chi phí thực tế phát sinh (premium, bảo hiểm, vận chuyển, chi phí khác nếu có) chi tiết từng lô xăng dầu nhập khẩu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu từ ngày 1/6/2022 đến sát thời điểm tổng hợp báo cáo là ngày 20/10/2022 (Bộ Tài chính nhận được báo cáo của 28 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; trong đó chỉ có 12 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có số liệu xăng dầu nhập khẩu).

Cùng với đó là khoản chi phí định mức này được tính bình quân theo sản lượng nhập khẩu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra, kết quả tính toán của Bộ Tài chính phải đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ theo đúng số liệu báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, kết quả khảo sát chọn mẫu các hồ sơ chứng từ hợp lý, hợp lệ.

Việc chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam có biến động, đã được Bộ Tài chính điều chỉnh cập nhật theo đề xuất của các doanh nghiệp và Bộ Công Thương. Còn premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng, khoản chi phí này diễn biến tăng nhẹ hoặc giảm đan xen tùy từng mặt hàng. Căn cứ mức tăng cho thấy chưa có đột biến như khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, vì vậy chưa xem xét điều chính khoản chi phí này trong trường hợp bất thường. Mặt khác, khoản chi phí này mới được điều chỉnh tăng ngày 7/10/2022 trong khi theo quy định sẽ được rà soát, đánh giá theo định kỳ vào cuối năm 2022 và thông báo áp dụng từ ngày 10/1/2023.

Đối với chi phí kinh doanh xăng dầu phát sinh trong khâu lưu thông xăng dầu trong nước, theo quy định hiện hành, trước ngày 31/3 hàng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Trên cơ sở báo cáo kiểm toán chuyên đề về kinh doanh xăng dầu Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện tổng hợp rà soát đánh giá và thông báo điều chỉnh từ ngày 1/7 hàng năm.

Theo quy định trên thì việc rà soát, đánh giá theo báo cáo kiểm toán chi phí kinh doanh của doanh nghiệp và phản ánh theo thực tế phát sinh tại từng khâu trong hệ thống. Trên thực tế, do tính chất của khoản chi phí này phụ thuộc vào khâu tổ chức vận hành của cả hệ thống từ công ty mẹ đến các đơn vị trực thuộc và một số tác động từ chính sách (lương, tiền thuê đất, tỷ giá...) nên phải sau khi năm tài chính kết thúc mới phản ánh được đầy đủ và mới có đủ cơ sở để rà soát đánh giá diễn biến.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 28 thương nhân đầu mối cho thấy khoản chi phí kinh doanh phát sinh trong khâu lưu thông xăng dầu này chưa có biến động bất thường; như vậy, khoản chi phí này chưa tác động ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.

Như vậy căn cứ trên báo cáo của các thương nhân đầu mối Bộ Tài chính đã tổng hợp và kịp thời điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo đúng thực tế báo cáo chi phí phát sinh bất thường thời gian gần đây của tất cả các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện báo cáo. Đối với các khoản chi phí premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng, chi phí kinh doanh xăng dầu phát sinh trong khâu lưu thông xăng dầu trong nước không có đột biến bất thường trong thời gian gần đây nên sẽ được tiếp tục theo dõi đánh giá rà soát điều chỉnh theo quy định trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thời gian qua đã diễn ra tình trạng các cây xăng luôn trong tình trạng cạn nguồn cung. Cung xăng dầu không đáp ứng nhu cầu lại của người dân theo các chuyên gia kinh tế có nhiều nguyên nhân, cần cơ quan quản lý phải kịp thời vào gỡ vướng.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực của Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, thực tế với xăng dầu hiện nay rõ ràng nguồn nhập khẩu, nguồn cung đầu vào không thiếu mà "tắc nghẽn" chính là do khâu quản lý. Có rất nhiều biện pháp, công cụ quản lý hiện nay đều nằm trong tay Bộ Công Thương, vấn đề là Bộ lựa chọn công cụ nào, giải pháp ra sao để tính toán, cho cả trước mắt và lâu dài.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trách nhiệm thiếu xăng dầu là của Bộ Công Thương, bộ có chức năng trong điều phối doanh nghiệp đầu mối, điều phối doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ chưa tốt nên đã dẫn tới tình trạng ngưng bán hàng, bán hàng nhỏ giọt tại nhiều tỉnh, thành phố, kể cả Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bộ Công Thương có quyền năng phân giao chỉ tiêu nhập khẩu cho các doanh nghiệp đầu mối theo từng tháng, từng tỉnh, từng địa phương căn cứ theo nhu cầu.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương phân, giao không rõ và khẳng định không thiếu nguồn cung nhưng giao chỉ tiêu theo năm, không giao chi tiết hàng về ngày nào, quý nào, địa bàn nào nên thực tế đã xảy ra thiếu hàng từ các doanh nghiệp nhập khẩu đến doanh nghiệp phân phối, bán lẻ… Bên cạnh đó, cơ chế quản lý doanh của Bộ Công Thương chưa rõ ràng.

"Quản lý làm sao để khâu đầu mối, khâu trung gian cũng như bán lẻ tương đối độc lập với nhau, để có thể xác định được ai làm tốt sẽ được hưởng lãi, làm chưa tốt chịu lỗ, thậm chí phá sản. Hiện nay cơ chế quản lý chưa rõ ràng, doanh nghiệp đầu mối lỗ đổ cho trung gian, trung gian lỗ lại đổ cho doanh nghiệp bán lẻ. Trong khi doanh nghiệp bán lẻ làm tốt nhưng doanh nghiệp đầu mối cứ chiết khấu bằng 0 hoặc âm nên dẫn tới hiện tượng thua lỗ, ngưng bán hàng trong thời gian qua”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nói.