Đổ xô vào đồng ADA: Những nhà đầu tư vẫn máu mê phiêu lưu với tiền ảo

10:40 | 23/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều người Việt đổ xô đầu tư vào đồng ADA dù không hiểu công nghệ đằng sau đồng tiền ảo này là gì.

Ôm mộng làm giàu với tiền ảo ADA

 
Theo ictnews.vietnamnet.vn, tin tức về việc ADA chính thức lên sàn Coinbase của Mỹ đã khiến các nhà đầu tư đổ xô vào đồng tiền ảo này, giúp đồng ADA lập đỉnh mới trước khi tụt dốc cả về giá trị lẫn khối lượng giao dịch trong 24 giờ qua. Hiện đồng ADA được định giá ở mức 1,17 USD so với đỉnh 1,46 USD hôm 18/03.
 
Diễn biến tăng giảm giá của ADA đã khiến nhiều nhà đầu tư Việt Nam bất ngờ dù không ít người duy trì niềm tin rằng đồng này còn tăng giá trị trong tương lai. Niềm tin dựa trên cơ sở là Cardano có một lộ trình phát triển rất dài kể từ khi chính thức ra mắt năm 2017 bởi đồng sáng lập đồng Ethereum.
 
 
 Đổ xô vào đồng ADA: Những nhà đầu tư vẫn máu mê phiêu lưu với tiền ảo - ảnh 1
Nhiều người Việt lao vào ADA khi có tin đồng này lên sàn Coinbase mà chưa tìm hiểu kỹ càng
 
ictnews.vietnamnet.vn khẳng định mọi đồng tiền ảo đều có lộ trình phát triển và không có gì đảm bảo nó sẽ chắc chắn thành công theo lộ trình vạch sẵn. Cardano cũng là một ví dụ như vậy. ADA là một token của blockchain Cardano và nhiều người Việt không hề biết rằng đồng này sử dụng bằng chứng cổ phần (PoS) chứ không phải bằng chứng công việc (PoW).
 
Bởi sử dụng PoS, người tham gia Cardano sẽ đào ADA bằng cách giữ đồng tiền để nhận lãi suất sau một khoảng thời gian nhất định. Chu kỳ này với lần đầu tiên là 25 ngày, sau đó sẽ là mỗi 5 ngày nhận phần thưởng đào một lần.
 
Điều này lý giải vì sao ADA có khối lượng giao dịch lớn nhưng giá trị không tăng vọt trong suốt nhiều năm qua. Phải mãi đến đầu năm nay, cùng với cơn sốt Bitcoin quay trở lại, đồng ADA mới bứt phá thoát khỏi mốc 0,1 USD. Hiện ADA có vốn hóa là 38 tỷ USD, cao thứ 5 thị trường tiền mã hóa, theo CoinMarketCap.
 
Tuy vậy, với trữ lượng 45 tỷ đồng ADA và đã khai thác được 71%, rất khó có cơ sở để đồng này tăng vọt giá trị trong tương lai. Chẳng hạn, với trữ lượng hiện tại, nếu lên giá 10 USD tương đương với số tiền đổ vào đồng này lên tới 310 tỷ USD. Đây là con số không tưởng nếu so với Bitcoin hay Ethereum bởi hai đồng đó hiện chỉ có vốn hóa 1.065 tỷ USD và 204 tỷ USD tương ứng mà thôi.
 
Nhiều người Việt lao vào ADA khi có tin đồng này lên sàn Coinbase mà chưa có sự tìm hiểu kỹ càng.
Sở dĩ ADA có trữ lượng lớn đến vậy là bởi những người sáng tạo ra đồng tiền này muốn hướng đến một nền tảng phi tập trung hóa có tốc độ xử lý giao dịch nhanh, phí thấp với nhiều chức năng như chạy hợp đồng thông minh, đảm bảo bảo mật, nhận diện danh tính...
 
Do đó ,việc các nhà đầu tư ôm mộng làm giàu với tiền ảo ADA là một điều khó có căn cứ. “Mình nghĩ đơn giản là các nhà đầu tư nghĩ giá sẽ tăng thì đều đã mua sẵn hết rồi, nên khi lên sàn lực mua không còn bao nhiêu nữa do đó giá khó lên, mà giá không lên khiến trader xả liều. Cá mập lại không dại mua giá cao mà chờ cá con xả để gom từ từ”, thành viên của nhóm Cardano Việt Nam, anh Trần Chí Thành (Huế) phân tích và cho rằng đây là thời điểm không thích hợp để lao vào đồng ADA.
 

Hệ lụy rủi ro

 
 
Theo baotintuc.vn, làn sóng đầu tư tiền ảo đang gây nhiều hệ lụy rủi ro với nhà đầu tư.
 
Theo ông Đinh Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Tài chính Thế hệ mới FinanceX, đến nay Việt Nam vẫn chưa đưa ra một khung pháp lý thực sự rõ ràng đối với tiền ảo và các vấn đề liên quan đến tiền ảo.
 
“Theo ghi nhận từ các tổ chức lớn Coingecko, Coinmarketcap, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 về tổng lượng giao dịch tiền ảo trên thế giới, chứng tỏ hàng ngày người Việt đã và đang tham gia đầu tư trong lĩnh vực này với số lượng không nhỏ. Tại Việt Nam tồn tại hai loại hình giao dịch tiền ảo là: Sàn giao dịch tập trung và Sàn giao dịch ngang hàng P2P cùng các chợ giao dịch tự phát nhưng với số lượng không nhỏ, lên đến cả trăm nghìn thành viên”, ông Đinh Hồng Sơn cho biết.
 
Việc tiền ảo vẫn giao dịch tự phát đã và đang dẫn tới tình trạng thất thu ngân sách, chảy máu ngoại tệ, rửa tiền xuyên biên giới, tiềm ẩn rủi ro cho người tham gia vì không được pháp luật bảo vệ. Theo ông Đinh Hồng Sơn, Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan cần gấp rút ban hành khung pháp lý cho tiền ảo; nhanh chóng xây dựng khung pháp lý nói chung về tiền ảo.
 
Ngoài ra, Việt Nam cần nhanh chóng ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệp (sandbox) cho fintech, lựa chọn các doanh nghiệp để thí điểm các mô hình kinh doanh như: Sàn giao dịch tiền ảo, sản phẩm blockchain (chuỗi các khối có chứa thông tin) sử dụng tiền ảo cho thanh toán, trao đổi hàng hoá… Điều này sẽ tạo sự yên tâm cho người tham gia để tạo ra những phương thức ứng dụng tiền ảo thực sự cho cuộc sống.
 
 
Đổ xô vào đồng ADA: Những nhà đầu tư vẫn máu mê phiêu lưu với tiền ảo - ảnh 2

Dân buôn tiền ảo Việt Nam lo lắng không biết ngày 'về bờ', ám chỉ khả năng thu hồi vốn.

 
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 1/3, luật sư Đỗ Minh Hiển - Trưởng Văn phòng luật sư JVN (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội ) cho biết: Hiện, trên thế giới tồn tại rất nhiều dạng tiền ảo khác nhau, trang Investopedia thống kế tính đến đầu năm 2021 có khoảng 4.000 loại tiền ảo trên thế giới trong đó phổ biến nhất phải kể đến các đồng tiền: Bitcoin, Altcoin (Alternative Coin), Ethereum (ETH), Litecoin (LTC), Cardano (ADA), Tether (USDT) Stellar (XLM), Monero (XMR) , Polkadot (DOT)….
 
“Tùy thuộc vào thời điểm xuất hiện, nền tảng công nghệ, ưu việt trong thuật toán mà các đồng tiền ảo có giá trị khác nhau. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng thừa nhận tiền ảo. Có nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Cộng hòa Liên bang Nga, nghiêm cấm sử dụng Bitcoin cũng như các đồng tiền kỹ thuật số khác. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước – NHNN có văn bản cấm các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán”, luật sư Đỗ Minh Hiển nhấn mạnh.
 
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu. việc phát hành, cung ứng sử dụng tiền ảo tại Việt Nam được coi là phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp, bị nghiêm cấm nhưng hiện Việt Nam chưa có chế tài cụ thể để điều chỉnh việc mua bán các loại tiền ảo trên thị trường. Do vậy, việc mua bán tiền ảo sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia giao dịch, làm méo mó thị trường tài chính, rất cần có các chế tài cụ thể để điều chỉnh.
 
Giới luật sư cho rằng: Việc phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo tại Việt Nam được coi là phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng với mức xử phạt từ 50 triệu đến 100 triệu đồng (điểm d, khoản 6 Điều 26 – Nghị định số 88).
 
Bộ Luật hình sự năm (BLHS) 2015, sửa đổi năm 2017 cũng quy định hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 206: Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Mức hình phạt cao nhất được quy định tại Điều 206 – BLHS 2015, sửa đổi năm 2017 có thể lên tới 20 năm tù ( khoản 4 – Điều 206).
 
Minh Hoa