Thống đốc RBI: Tiền điện tử tư nhân có thể gây khủng hoảng tài chính
Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI tức ngân hàng trung ương) Shaktikanta Das, ngày 21/12 cảnh báo nếu tiền điện tử tư nhân tiếp tục được phép phát triển, cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo sẽ do những tài sản này gây ra.
Theo ông Das, tiền điện tử có rủi ro rất lớn đối với sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô. Ông lưu ý sự sụp đổ gần đây của sàn giao dịch FTX là một ví dụ.
Ông Das đánh giá tiền điện tử là một tài sản đầu cơ và nên bị cấm. Ông cảnh báo nếu được phép phát triển, những loại tiền điện tử tư nhân như bitcoin sẽ gây ra cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo.
Bình luận của ông Das được đưa ra khi RBI thúc đẩy việc giới thiệu phiên bản kỹ thuật số của đồng rupee. Vào ngày 1/12 RBI đã bắt đầu chương trình thí điểm thanh toán đồng rupee kỹ thuật số trong hoạt động bán lẻ tại một số thành phố được chọn. Một số người dùng có thể giao dịch bằng đồng rupee kỹ thuật số thông qua các ứng dụng và ví di động.
Đồng rupee kỹ thuật số là một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang xem xét phát hành các phiên bản kỹ thuật số cho đồng nội tệ.
Năm 2022 - năm 'thảm họa' của thị trường tiền số toàn cầu
Theo ông Das, CBDC có thể đẩy nhanh quá trình chuyển tiền quốc tế.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) đang đi trước các ngân hàng trung ương toàn cầu về sự phát triển của CBDC. Quốc gia châu Á này đã thử nghiệm sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trên thực tế kể từ cuối năm 2020 và mở rộng tính khả dụng của đồng tiền này cho nhiều người dùng hơn trong năm nay. Trung Quốc đã cấm sử dụng tiền điện tử tư nhân.
Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ đang xây dựng dự luật về tiền điện tử, đồng thời tạo khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.