Doanh nghiệp bán lẻ và chiến lược thích ứng với thị trường

Ngọc Quỳnh/TTXVN 07:40 | 25/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) Vũ Đăng Vinh, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là có sức hấp dẫn lớn và nhiều tiềm năng phát triển.

Quy mô thị trường hiện nay đã lên tới 142 tỷ đô la Mỹ (USD) và được dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD trong vài năm tới. Sự trở lại của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm nay và xu hướng ngày càng tăng trong tương lai cũng sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành bán lẻ. Bên cạnh đó, là quốc gia có 100 triệu dân - quy mô dân số đứng thứ 15 thế giới, Việt Nam còn có lợi thế là cơ cấu dân số đang ở độ tuổi vàng với trên 60% đang nằm trong độ tuổi lao động. Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, cũng thúc đẩy nhiều tầng lớp tiêu dùng trong vài năm gần đây. Nhìn chung, về dài hạn, dư địa phát triển của ngành bán lẻ sẽ ngày càng rộng lớn.

Số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tiêu dùng cuối cùng nửa đầu năm 2023 chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, mức độ cạnh tranh của các nhà bán lẻ diễn ra mạnh mẽ và liên tục trong suốt 2 quý đầu năm 2023 qua những cuộc đua hạ giá, giành thị phần càng siết chặt đáng kể tỷ suất lợi nhuận của các nhà bán lẻ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 8 tháng năm 2023 ước đạt 3.175,5 nghìn tỷ đồng và ghi nhận mức tăng trưởng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Bước sang những tháng cuối năm 2023, song hành với những tín hiệu khả quan của nền kinh tế, hầu hết các doanh nghiệp ngành bán lẻ đang bày tỏ kỳ vọng, tình hình thị trường bán lẻ sẽ dần được cải thiện hơn so với nửa đầu năm nay, dù sự phục hồi chưa thực sự rõ rệt và tốc độ khá chậm chạp. 

Trước thực tế này, các doanh nghiệp bán lẻ đã chủ động có những động thái thay đổi chiến lược để thích ứng với xu thế thời cuộc, thích ứng với sự thay đổi về thói quen và văn hóa của người tiêu dùng.

Theo ông Vinh, để củng cố vị thế của chuỗi bán lẻ, đáp ứng nhu cầu mua sắm linh hoạt của người tiêu dùng, chiến lược đa kênh được coi là ưu tiên hàng đầu đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Khi việc thu hút và giữ chân khách hàng trở nên khó khăn trước tình trạng chi tiêu hạn hẹp, các nhà bán lẻ cần tận dụng điểm mạnh và lợi thế của tất cả các hình thức bán lẻ. Việc tái tạo các kênh phân phối có thể sẽ tạo ra những thay đổi tích cực. Trong khi nền tảng trực tuyến có khả năng tiếp cận rộng rãi với các đối tượng khách hàng, các cửa hàng thực tế lại mang lại các giá trị vô hình từ trải nghiệm, đặc biệt đối với phân khúc cao cấp. Do đó, doanh nghiệp bán lẻ kỳ vọng rằng, các kênh này sẽ bổ trợ cho nhau và việc vận hành đa dạng các kênh bán hàng sẽ góp phần tối ưu hóa quy trình, tăng khả năng tương tác cũng như tận dụng tối ưu nguồn dữ liệu của khách hàng để có thể cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hiệu quả hay khuyến mãi cá nhân hóa dựa trên lịch sử mua sắm… Việc tạo ra một trải nghiệm mua sắm liền mạch, cũng như cho phép người tiêu dùng lựa chọn kênh họ yêu thích để nghiên cứu sản phẩm, mua hàng và nhận hàng sẽ thúc đẩy sự hài lòng và xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa khách hàng và thương hiệu.

Tiếp đến, gần 64% số doanh nghiệp ngành bán lẻ cho biết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, thực hiện chính sách giá cạnh tranh, chương trình thành viên… để cải thiện sức mua. Các doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu thị trường, ứng dụng công nghệ, dữ liệu để tìm hiểu sở thích và phản ứng của người tiêu dùng đối với các chiến lược quảng cáo khác nhau nhằm xây dựng một kế hoạch khả thi. Song song với đó, chú trọng đến kiểm soát chi phí để tối ưu lợi nhuận cũng là một giải pháp quan trọng được doanh nghiệp bán lẻ thực hiện trong năm nay. Với điều kiện thị trường còn nhiều khó khăn, hướng tập trung phát triển theo chiều sâu, tối ưu chi phí vận hành cửa hàng, tồn kho, danh mục hàng hóa và chi phí logistics, tiết kiệm và sẵn sàng cắt giảm chi phí hoạt động của những cửa hàng hoạt động không hiệu quả được cho là chiến lược mang tính thiết thực.

Tác động từ những khó khăn trong giai đoạn vừa qua cũng ảnh hưởng phần nào đến nguồn vốn và chi phí dành cho việc tăng cường số hóa các hoạt động vận hành của doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, nhìn chung, các doanh nghiệp vẫn khẳng định, đây là xu thế tất yếu và họ sẽ tiếp tục tập trung đầu tư trong thời gian tới. Bởi lẽ, dù có thể khiến chi phí tăng lên, song về lâu dài sẽ giúp các nhà bán lẻ cắt giảm chi phí và giảm rủi ro vận hành.

Đáng chú ý, là chiến lược nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, đẩy mạnh marketing cũng nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong năm nay. 83,3% số doanh nghiệp bán lẻ tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết dự kiến tăng phân bổ ngân sách cho marketing nói chung lên khoảng 14% so với năm 2022; trong đó, các hạng mục được nhiều doanh nghiệp dự kiến tăng chi tiêu nhất liên quan đến marketing kỹ thuật số (digital marketing), quản trị quan hệ khách hàng và trải nghiệm khách hàng. Với việc đẩy mạnh ưu tiên vào marketing, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo độ nhận diện thương hiệu cao hơn, tạo ấn tượng tích cực và tăng niềm tin từ phía khách hàng để thúc đẩy doanh số trong thời gian tới. 

Mới đây, Vietnam Report vừa công bố Top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2023. Theo đó, nhóm siêu thị, tổng hợp gồm có Central Retail Vietnam (Đại diện bởi Công ty EBS), Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh, Công ty  Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce, Công ty TNHH Mm Mega Market (Việt Nam), Công ty TNHH Aeon Việt Nam, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV, Công ty cổ phần Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam, Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), Công ty TNHH Xuất - nhập khẩu và Bán lẻ Hàng tiêu dùng Hà Nội và Công ty TNHH Cửa hàng Tiện lợi Gia đình Việt Nam (FamilyMart).

Nhóm hàng điện máy, điện lạnh, thiết bị số, sách báo, văn phòng phẩm bao gồm, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel, Công ty TNHH Cao Phong, Công ty cổ phần Thế giới Số, Công ty cổ phần Mediamart Việt Nam, Công ty cổ phần Di động Thông minh, Công ty cổ phần Phát hành sách TP. Hồ Chí Minh - Fahasa, Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Thương mại Hoàng Hà và Công ty TNHH Thương mại VHC.