Doanh nghiệp bất động sản giảm hoạt động phát hành trái phiếu

Thu Hằng/ TTXVN 13:51 | 21/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo nhận định của Công ty cổ phần FiinGroup - đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ thông tin và dữ liệu tài chính, sau dư âm của vụ án Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục đón nhận "cú sốc" mới từ Vạn Thịnh Phát. Sự kiện này đã làm ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý thị trường, nhất là các nhà đầu tư cá nhân về rủi ro an toàn hệ thống tín dụng khi tiếp thêm cả sự kiện Ngân hàng cổ phần Thương mại Sài Gòn (SCB).

 

Đơn vị nghiên cứu này cho rằng, rủi ro ảnh hưởng từ trái phiếu doanh nghiệp đến với hệ thống tín dụng hiện nay là ở mức rất thấp. Số liệu của FiinRatings - đơn vị xếp hạng tín nhiệm cho thấy, dư nợ trái phiếu tính đến thời điểm cuối tháng 9/2022 đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 13% GDP năm 2021; trong đó, nếu loại bỏ các trái phiếu ngân hàng thì số dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp phi ngân hàng là 908,8 nghìn tỷ đồng và các nhà phát hành bất động sản đóng góp 455 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, FiinGroup đánh giá, con số này trên thực tế chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong khi chất lượng tín dụng của ngành bất động sản có sự phân hóa cao và vẫn có rất nhiều doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ.

Trên thực tế, hoạt động mua lại trong 3 quý vừa qua của khối doanh nghiệp phi ngân hàng cũng tăng 2,34 lần sao với cùng kỳ năm 2021 và đạt 75,5 nghìn tỷ đồng. Điều này đã góp phần làm giảm áp lực nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn.

Thống kê cho thấy, tháng 9/2022, ngành bất động sản đứng thứ hai trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 55,6% so với tháng trước. Các đơn vị phát hành bao gồm Công ty TNHH No Va Thảo Điền với lô trái phiếu 2,3 nghìn tỷ đồng và Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Sơn Kim với trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng.

Mặc dù giá trị phát hành ghi nhận tăng trưởng so với tháng trước, song hoạt động phát hành của các doanh nghiêp bất động sản vẫn duy trì trạng thái đình trệ dù quý III đã kết thúc - FiinGroup nhận xét.

Dẫn đầu hoạt động phát hành trái phiếu vẫn là các tổ chức tín dụng với tổng 22 đợt phát hành, đạt quy mô 10,2 nghìn tỷ đồng dù đã giảm 40,2% so với tháng trước và vẫn chiếm 63% thị trường. Trong số đó, lô trái phiếu có giá trị lớn nhất là 3 nghìn tỷ đồng thuộc về Vietinbank.

Báo cáo của FiinGroup cũng cho thấy, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục xu hướng giảm từ đầu quý III với giá trị phát hành trong tháng 9 vừa qua chỉ đạt 16,1 nghìn tỷ đồng, giảm tới 18,27% so với tháng trước đó và 76,44% so với cùng kỳ.

Lý giải về hiện tượng này, FiinGroup cho rằng, hoạt động phát hành sụt giảm do phần lớn các ngân hàng đã huy động đủ nguồn vốn trung dài hạn để đáp ứng tỷ lệ quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN (Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) áp dụng từ ngày 1/10/2022, các lô trái phiếu tháng 9 được phát hành chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn trung và dài hạn để tiếp tục bổ sung phần vốn còn thiếu.

FiinGroup khuyến cáo nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên giữ bình tĩnh và tỉnh táo trước các thông tin nhiễu loạn được lan truyền, tránh việc bán tháo và cắt lỗ trái phiếu đang nắm giữ mà không đánh giá được sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Trong trường hợp nhà đầu tư đang sở hữu các trái phiếu mà doanh nghiệp không thể trả lãi hoặc gốc thì việc chấp nhận đàm phán, dàn xếp với doanh nghiệp và tổ chức trung gian sẽ là giải pháp tốt cho các bên.