Doanh nghiệp dệt may Việt trước xu hướng xanh hóa: Đứng ngoài cuộc là thua cuộc (Bài 2)
Cuộc cạnh tranh khốc liệt khi các đối thủ chuyển mình 'xanh hóa'
Theo số liệu thống kê chính thức từ Cục Xúc tiến Xuất khẩu Bangladesh, năm 2022, quốc gia này đã xuất khẩu kim ngạch hàng may mặc trị giá 42,6 tỷ USD, là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới. Các nhà sản xuất hàng dệt may Bangladesh kỳ vọng ngành dệt may nước này sẽ chiếm thị phần hơn 10% thị trường toàn cầu vào năm 2025, hướng tới đạt kim ngạch xuất khẩu 100 tỷ USD vào năm 2030.
Theo tờ The Economist, ngành may mặc Bangladesh hiện có khoảng 4.000 nhà máy đang hoạt động, sử dụng 4,4 triệu lao động, trong đó khoảng 80% là phụ nữ. Năm 2021, lượng vốn FDI rót riêng vào ngành này của Bangladesh đã lên tới 3,5 tỷ USD.
Đáng chú ý, một báo cáo toàn cầu vào năm 2022 chỉ ra rằng Bangladesh đã sản xuất khoảng 1.000 tấn hàng dệt may tái chế trong 1 năm (tháng 11/2020 đến tháng 11/2021), tương đương giá trị hàng tỷ USD. Còn theo Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ, Bangladesh là nơi có nhiều nhà máy may mặc thân thiện với môi trường nhất thế giới.
Còn tại Ấn Độ, quốc gia mà ngành dệt may đóng góp bình quân khoảng 7% GDP trong 3 năm gần nhất, tạo ra khoảng 45 triệu việc làm trong nền kinh tế, Chính phủ nước này cũng đang tăng cường các chương trình, đề án hướng tới hiện đại hóa, xanh hóa ngành dệt may. Chẳng hạn, Chương trình Phát triển Dệt thủ công Quốc gia, Chương trình Phát triển Thủ công mỹ nghệ Quốc gia, hay Đề án phát triển các Công viên Dệt may Tích hợp trị giá hơn 500 triệu USD từ nay đến 2028 và Đề án Khuyến khích Liên kết Sản xuất (PLI) cho dệt may, với kinh phí được phê duyệt hơn 1,3 tỷ USD nhằm thúc đẩy sản xuất trang phục bằng sợi nhân tạo (MMF)...
Tại Trung Quốc, vào đầu tháng 4 này, Chính phủ cũng vừa ra mắt nền tảng ‘Reborn – China Fiber Zero Carbon Action 2023’ cho phép truy xuất nguồn gốc toàn bộ vòng đời của các sản phẩm sợi xanh, qua đó xác định các sản phẩm dệt may bền vững, thúc đẩy phát triển ngành theo hướng thân thiện với môi trường. Nền tảng này được giám sát bởi Cục Công nghiệp hàng tiêu dùng của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, phối hợp với Cơ quan giám sát thị trường Tô Châu.
- TIN LIÊN QUAN
-
Luật chơi thay đổi, doanh nghiệp dệt may Việt trước những thách thức 'chưa bao giờ có' (Bài 1) 18/04/2023 - 15:32
Động thái này đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững và xanh hóa ngành dệt may. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dệt may Quốc gia Trung Quốc Duan Xiaoping, ngành dệt may và sợi hóa học của Trung Quốc đang “dẫn đầu thế giới” về xu hướng xanh hóa.
Trong xu hướng thay đổi nhanh chóng của ngành, những tiêu chuẩn quốc tế mà Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang đề cập, rằng sắp tới đây, muốn bán được hàng, không chỉ chất lượng phải dẫn đầu, giá phải giảm mà còn phải tuân thủ “xanh hoá” đúng chuẩn phát triển bền vững, là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Bản thân các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia cũng bao gồm các quy định liên quan đến giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường. Chưa kể, hầu hết các công ty trong chuỗi cung ứng dệt may gia công cho các thương hiệu lớn trên thế giới - không riêng gì Việt Nam - cũng đều phải tuân thủ các yêu cầu sản xuất xanh như giảm phát thải, trách nhiệm xã hội và môi trường. Theo VITAS, phần lớn các nhà sản xuất Việt Nam trong chuỗi cung ứng dệt may đang nhận được các yêu cầu xanh từ các thương hiệu lớn, đặc biệt các thương hiệu từ EU.
Theo Phó Tổng thư ký VITAS Nguyễn Thị Tuyết Mai, mới đây, Mỹ và EU - hai thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam - đã ra thêm quy định khắt khe về nguồn gốc sản phẩm. Cụ thể, ngày 1/1/2023, Đức ban hành Luật thẩm định chuỗi cung ứng, mà sắp tới đây, các nước EU khác cũng sẽ áp dụng, tra soát toàn diện chuỗi cung ứng cả về môi trường và lao động. Trong bối cảnh đó, để đơn hàng không rơi vào tay đối thủ, doanh nghiệp dệt may Việt chắc chắn phải thích ứng, thậm chí thích ứng nhanh chóng, “lột xác” để tiệm cận với “luật chơi” toàn cầu.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thanh Ngân, Phó trưởng ban Đầu tư và Phát triển (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) cũng khẳng định rằng ngành dệt may trong nước không thể “đứng ngoài cuộc chơi” khi cả thế giới đang nỗ lực giảm phát thải nhà kính. Theo bà Ngân, nếu đứng ngoài xu thế chuyển đổi này, các thị trường nhập khẩu hàng may mặc không có lý do gì chấp nhận sản phẩm đến từ Việt Nam.
Nỗ lực xanh hóa, số hóa của dệt may Việt còn nhiều thách thức
Để đáp ứng những thay đổi của “luật chơi” toàn cầu cũng như yêu cầu của đối tác, nhiều doanh nghiệp trong ngành cho hay đã chủ động chuyển mình từ vài năm nay. Phó Chủ tịch VITAS Trương Văn Cẩm cho biết, chương trình dệt may xanh đã được các doanh nghiệp triển khai và đang hỗ trợ tích cực cho sự cải cách ngành dệt may Việt Nam cũng như tạo ra nhiều lợi ích kinh tế xã hội.
VITAS đặt mục tiêu đến năm 2023, các doanh nghiệp dệt may thành viên Ủy ban Bền vững VITAS giảm được 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; trong đó, có hai khu công nghiệp dệt may cải thiện hiệu quả năng lượng và tuần hoàn nước. Đến năm 2030, ngành dệt may xanh hóa, đồng thời xây dựng 30 thương hiệu quốc tế. Để đẩy nhanh quá trình xanh hóa, nhiều doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng chuyển đổi số, đầu tư nâng cấp máy móc công nghệ.
Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP HCM Phạm Văn Việt, hiện có rất nhiều công nghệ mới giúp tối ưu nguồn nguyên liệu và năng lượng, giảm phát thải ra môi trường.
Lấy dẫn chứng từ chính doanh nghiệp, ông Việt cho biết, kể từ khi ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, doanh nghiệp của ông không những tối ưu được nguồn nhân công, mà các khâu vận hành cùng chất lượng sản phẩm cũng đã cải thiện đáng kể. “Hệ thống may đứng (thay thế cho may ngồi truyền thống) và tải hàng tận nơi đã giúp doanh nghiệp giảm được 35% lao động. Công nghệ layer thay cho cắt truyền thống đã giúp giảm 95% lao động”. Ngoài ra, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ nano, ozone trong nhuộm và điều chỉnh màu vải đã giúp giảm thiểu tối ra chất thải ra môi trường.
Một số nhà sản xuất cũng có những ứng dụng khác nhau để hướng tới mục tiêu xanh hóa, như May 10 lên kế hoạch sử dụng các vật liệu tự nhiên, dễ phân hủy hơn, hay Tổng công ty Phong Phú áp dụng phần mềm đo lường tác động môi trường tại các cơ sở sản xuất để đề xuất các phương án sử dụng nguyên vật liệu ít tác động đến môi trường…
Yêu cầu bức thiết là xanh hóa, nhưng trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay, doanh nghiệp dệt may đối diện với khó khăn lớn, đặc biệt là về nguồn vốn và việc đáp ứng các rào cản kỹ thuật ngày một cao của thị trường quốc tế.
“Đầu tư cho công nghệ, quy trình sản xuất "xanh" hay xây dựng thương hiệu riêng không dễ dàng, giá thành cũng không rẻ, doanh nghiệp cần có nguồn vốn rất lớn”, ông Việt nhấn mạnh. Trong khi đó, các rào cản kỹ thuật ngày càng gia tăng khi nhiều quy định được áp đặt trong thời gian rất ngắn khiến các nhà cung cấp trong nước trở tay không kịp; và từ đó lại càng phải chi nhiều tiền hơn cho công nghệ để đáp ứng các yêu cầu.
Riêng về vấn đề tín dụng, dệt may là một trong 20 ngành kinh tế được xếp vào đối tượng ảnh hưởng rủi ro về môi trường và nằm trong diện cần đánh giá khi cấp tín dụng.
Theo báo cáo của NHNN, đến cuối năm 2022, các tổ chức tín dụng đã cho vay dự án xanh trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm: dệt may, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo và vệ sinh môi trường. Đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt gần 500.000 tỷ đồng và chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế nhưng tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỉ trọng cao nhất 47%), tiếp đến là nông nghiệp xanh (chiếm trên 30%).
Còn theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, tính đến 31/3/2022, dư nợ cho vay với ngành dệt may đạt gần 150.000 tỷ đồng, tăng khoảng 3,3% so với thời điểm cuối năm 2020 và chiếm khoảng 1,5% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Tỷ trọng cho vay các dự án xanh trong ngành dệt may được đánh giá là còn ít do doanh nghiệp dệt may hiện ít đáp ứng được các yêu cầu về xanh và bền vững.
- TIN LIÊN QUAN
-
Luật chơi thay đổi, doanh nghiệp dệt may Việt trước những thách thức 'chưa bao giờ có' (Bài 1) 18/04/2023 - 15:32