Doanh nghiệp dệt may xây dựng chuỗi cung ứng tự chủ sản xuất

Lê Thị Thu Hà 08:00 | 18/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn sự phối hợp xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ sợi-dệt-nhuộm-may, đưa Việt Nam trở thành “một điểm đến trọn gói” cho khách hàng, đối tác.
May hàng xuất khẩu tại May 10. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Dịch bệnh thời gian qua đã khiến nhiều doanh nghiệp ngành dệt may gặp khó khăn. Dù vậy đây cũng là thử thách, động lực để các doanh nghiệp dệt may trong nước nhìn lại bản thân, bắt tay xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, vững vàng trước những tác động của đại dịch, thị trường thế giới, đồng thời tiến tới tự chủ về sản xuất.

Tổng công ty May 10 đang từng bước tự chủ sản xuất và đây được xem là “chìa khóa” giúp phát triển bền vững, chắc chắn hơn trong bối cảnh dịch bệnh sẽ còn kéo dài.

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, May 10 định hướng mở thêm 3 nhà máy, tuyển thêm từ 3.000-5.000 lao động cho dự án tại Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình.

Với kế hoạch này, May 10 sẽ không chỉ phục vụ cho những đơn hàng được phục hồi trong năm nay, mà đón đầu cả những đơn hàng mới; đồng thời giúp doanh nghiệp tự chủ hơn về nguồn hàng, sản xuất. Các đơn vị đang tích cực sản xuất nhằm sớm lấy lại mức tăng trưởng bị sụt giảm do dịch bệnh.

"Chúng tôi đã có đơn hàng đến hết quý 2/2022, một số măt hàng như veston đã có đơn hàng đến hết quý 3/2022. Trong khó khăn vừa qua, có thời điểm May 10 chỉ duy trì ở mức 30% lượng đơn hàng, nhưng đến nay gần như đã khôi phục hoàn toàn. Dự kiến, doanh thu năm 2022 cao hơn với thời điểm trước dịch hơn 10%," ông Thân Đức Việt chia sẻ.

Với các dự án sẽ được triển khai như trên, May 10 kỳ vọng mang lại tăng trưởng cho doanh nghiệp tốt hơn trong năm 2022.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bản thân doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn sự phối hợp xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ sợi-dệt-nhuộm-may, đưa Việt Nam trở thành “một điểm đến trọn gói” cho khách hàng, các đối tác.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), tập đoàn tập trung hình thành năng lực cung ứng lớn cho ngành dệt kim, với việc đầu tư nâng cao năng suất, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kéo sợi, hoàn thành chuỗi khép kín tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Dệt kim Đông Xuân và Công ty Dệt kim Đông Phương.

Sản xuất hàng dệt may. (Nguồn: TTXVN)

Ngoài ra, Vinatex sẽ quy hoạch thêm trung tâm dệt kim tại miền Trung với quy mô khoảng 30 ha, với đầy đủ hệ thống xử lý nước thải đồng bộ. Dự kiến, Vinatex khảo sát và triển khai dự án tại Nghệ An, Nha Trang…

Cùng với đó, ông Cao Hữu Hiếu cho biết tập đoàn tiếp tục thực hiện chuyển đổi số; trong đố toàn bộ các đơn vị sẽ dùng chung hệ thống thông qua quản trị số. Theo đó, sau khi hoàn thành hệ thống này, tất cả nguyên liệu đầu vào, đầu ra của các công đoạn sản xuất sẽ được kiểm soát.

Vừa qua, Vinatex đã đưa vào hoạt động Nhà máy Sợi 3 - Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài với quy mô 32.000 cọc sợi, Nhà máy Sợi 2 - Công ty Cổ phần Vinatex Phú Hưng với quy mô 22.800 cọc sợi.

Đây là nền tảng để Vinatex tiến tới chủ động nguồn nguyên liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, năm nay, tập đoàn phấn đấu tăng trưởng chung hơn 8%, chú trọng chất lượng tăng trưởng qua tỷ lệ giá trị gia tăng và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu. Ngoài ra, 100% người lao động có việc làm với thu nhập bình quân 8,35 triệu đồng/người/tháng.

Vintatex cũng đặt mục tiêu năm 2022 tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là cạnh tranh theo chuỗi cung ứng trọn gói trong tập đoàn.

Hiện các đơn vị may của tập đoàn đã đủ đơn hàng đến hết quý 1/2022, nhiều đơn vị đã có đến quý 3/2022 và các đơn vị đang nỗ lực sản xuất để giao hàng đúng tiến độ.

Cùng với nỗ lực từ phía doanh nghiệp, theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), để đảm bảo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp sản xuất, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine vì đây là giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp phục hồi, phát triển trong điều kiện bình thường mới.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, hiện nay Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may, da giày, phải nhập khẩu nhiều, đặc biệt là vải. Vì vậy, Chính phủ sớm phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035; trong đó định hướng thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giày, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa; đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu.

Năm 2021 vừa qua được đánh giá là một năm nhiều khó khăn về sản xuất, thiếu nguồn lao động với các doanh nghiệp dệt may. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, thị trường các nước, đơn đặt hàng lại rất tốt, vượt trội so với mọi năm.

Báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành dệt may Việt Nam đã vượt qua khó khăn với kim ngạch xuất khẩu năm qua ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.

Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt 42,4-43 tỷ USD.

Để đạt được kết quả này, các doanh nghiệp phải làm tốt việc phòng chống dịch, duy trì sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp phải liên kết sản xuất theo chuỗi, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện các đơn hàng.