Doanh thu Vinatex đã đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng
Theo đó, kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 đạt doanh thu đạt trên 5100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế Quý 2 năm 2022 đạt 605 tỷ đồng, tăng 46% so với Quý 2.2021, tăng 60% so với quý 1.2022. Đây là kết quả kỷ lục về lợi nhuận của một quý từ trước tới nay (kỷ lục cũ là 500 tỷ đồng của Quý 4/2021).
Với kết quả 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu đạt 10.251 tỷ đồng tăng 37.5% so với cùng kỳ.Năm nay, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu 18.067 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 951 tỷ đồng. Theo đó, sau 6 tháng, Tập đoàn thực hiện 53,5% kế hoạch doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận 3,3%. Lợi nhuận hợp nhất đạt 982 tỷ đồng, bằng 103% KH cả năm, tăng 56% so cùng kỳ; trong đó các DN do Vinatex chi phối tiếp tục đóng góp tỷ lệ ngày càng tích cực chiếm 2/3 tổng lợi nhuận của Tập đoàn.
Ông Cao Hữu Tiến, Tổng giám đốc Vinatex, cho biết kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng là do các tháng đầu năm 2022, thị trường sợi vẫn phát huy những ảnh hưởng tích cực từ cuối năm 2021 với đơn hàng đều đặn và giá bán tốt.
Sang đầu quý II, mặc dù thị trường có dấu hiệu chững lại, giá bán sợi không tăng, song do dự báo được sự tăng cao của giá bông, các đơn vị sợi trong tập đoàn đã dự trữ lượng bông lớn với giá thành rẻ, nhờ đó thu được kết quả kinh doanh tích cực.
Ngoài ra, trong quý II năm nay, tất cả các doanh nghiệp may trong tập đoàn đều có lãi, ổn định sản xuất trong khi cùng kỳ gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nhận định tình hình chung của 6 tháng cuối năm 2022
Theo Vinatex, nền Kinh tế thế giới ảm đạm bao trùm cả năm 2022 và có thể sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm 2023. Theo dự báo tháng 7 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì kinh tế thế giới tăng trưởng chỉ đạt mức 3,2% (mức dự báo tháng 4/2022 là 3,6%; tháng 12/2021 dự báo đạt 6,1%). Lạm phát tại các nước phát triển tiếp tục tăng cao, mức trung bình là 6,6%, các nước đang phát triển là 9,5%. Trong khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã thực hiện tăng lãi suất lên mức 2,25-2,5% trong kỳ họp ngày 27/7/2022. Mức lãi suất cơ bản này đã tăng gần 2% trong nửa đầu năm 2022 dẫn đến dự báo lãi suất vay thương mại cũng nhiều khả năng tăng tương ứng trong 6 tháng cuối năm.
Tình hình trong nước, nhiều doanh nghiệp sản xuất có mức tồn kho cao trong khi sức mua thấp, nhu cầu tín dụng tăng cao do tồn kho, kéo dài thời gian thanh toán và khách hàng, dòng tiền bị hạn chế. Lãi suất cho vay của các ngân hàng có xu thế tăng mạnh, áp lực lên chi phí vay nhất là đối với các doanh nghiệp đang cần dùng nhiều vốn.
Chỉ số giá nguyên liệu nhập khẩu tăng 11,2%, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,5%; biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất bị bào mòn đáng kể. Tiếp đó là nguy cơ giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng dù đã ký kết có khả năng xảy ra rất cao do diễn biến kinh tế không thuận lợi ở các thị trường chính, lạm phát cao dẫn đến người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu.