Doanh nghiệp điện 'họ' EVN tăng hơn 190 tỷ đồng lãi ròng sau kiểm toán

Trang Mai 08:03 | 23/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022, Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGenco3, mã: PGV) ghi nhận lãi ròng tăng thêm 191 tỷ đồng, tương ứng tăng 8% so với báo cáo tự lập, lên mức 2.524 tỷ đồng.

 

Cụ thể, tại báo cáo kiểm toán 2022, doanh thu thuần của PGV tăng 25% so với cùng kỳ 2021 lên 47.287 tỷ đồng, tuy nhiên lãi ròng giảm 20%, xuống 2.524 tỷ đồng. Năm 2022, Tổng Công ty đặt mục tiêu doanh thu và lãi ròng lần lượt hơn 45.000 tỷ đồng và 1.827 tỷ đồng. Kết quả trên giúp PGV vượt hơn 5% kế hoạch doanh thu và 38% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

EVNGenco3 được thành lập theo Quyết định số 3025/QĐ-BCT ngày 1/6/2012 của Bộ Công Thương trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại Công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Phú Mỹ, các công ty phát điện hạch toán phụ thuộc, các ban quản lý dự án nguồn điện và tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại một số công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang hoạt động theo luật doanh nghiệp.

 

Dù lãi ròng cả năm giảm, nhưng khoản lãi trong công ty liên kết tăng vọt 182 tỷ đồng so với chưa kiểm toán, lên 514 tỷ đồng. Theo giải trình của PGV, nguyên nhân chủ yếu do khi lập báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý IV/2022 (trước kiểm toán), Tổng Công ty chưa có BCTC năm 2022 của các công ty liên doanh liên kết. Đến thời điểm lập BCTC kiểm toán năm 2022, PGV đã thực hiện hạch toán các khoản từ liên doanh liên kết về theo phương pháp vốn chủ sở hữu. 

Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính biến động đáng kể khi tăng lên 323 tỷ đồng sau kiểm toán. Trong đó ảnh hưởng lớn từ việc điều chỉnh lãi tiền gửi tăng lên 195 tỷ và phát sinh thêm lợi nhuận từ trái phiếu 15 tỷ từ CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh. 

Mặt khác, chi phí tài chính lại giảm nhẹ 1% xuống 2.543 tỷ đồng, do giảm lỗ chênh lệch tỷ giá từ 995 tỷ đồng xuống còn 73 tỷ đồng nhưng phát sinh lỗ do đánh giá lại các khoản có gốc ngoại tệ lên tới 892 tỷ đồng.

 

 

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của PGV gần 66.218 tỷ đồng, giảm 3% so với hồi đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp nắm giữ gần 5.566 tỷ đồng tiền mặt tiền gửi các kỳ hạn, giảm 940 tỷ.

Ngoài ra, khoản phải thu ngắn hạn tăng 36%, lên hơn 12.447 tỷ đồng, bao gồm gần 11.000 tỷ phải thu của công ty Mua bán điện, hơn 814 tỷ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và các công ty khác. 

Hàng tồn kho giảm 37%, còn 1.920 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên vật liệu. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho giảm 312 triệu, xuống 2,3 tỷ đồng. 

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả giảm 4% so với đầu năm, còn 48.575 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng 26%, lên 13.138 tỷ đồng, nợ dài hạn giảm 12%, còn 35.437 tỷ đồng. Vay ngắn hạn và dài hạn 40.500 tỷ đồng, chiếm 83% tổng nợ và hơn 60% tổng tài sản. Trong năm 2022,PGV đã chi gần 1.578 tỷ đồng tiền lãi cho khoản vay này. 

Vốn chủ sở hữu tính đến hết quý IV/2022 là 17.643 tỷ đồng, gồm 11.235 tỷ đồng vốn góp của chủ sở hữu, 4.645 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cùng một số khoản khác.