Doanh nghiệp làm gì để hóa giải tình trạng vốn mỏng?
Vốn mỏng và thiếu vốn dài hạn
Một vấn đề được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018: Chuyên đề vốn - tài chính sáng qua (21/8) là thực trạng vốn mỏng của các doanh nghiệp. Phó thủ tướng dẫn giải, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31/12/2016, có đến 53% doanh nghiệp tại Việt Nam hoạt động không có lợi nhuận.
Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ đang quan tâm đến 3 vấn đề liên quan đến việc phát triển doanh nghiệp và củng cố môi trường đầu tư. Thời gian qua, Chính phủ đã tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, cắt giảm 56% các điều kiện, thủ tục kinh doanh, 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về thể chế để phát triển thị trường tài chính.
“Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, do đó chi phí tài chính cao cộng thêm các chi phí khác khiến doanh nghiệp kinh doanh chưa tốt”, ông Huệ nói.
Đồng quan điểm, ông Fiachra MacCana, Giám đốc điều hành trách nhiệm Khối Khách hàng tổ chức và nghiên cứu của Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, một trong những vấn đề mà thị trường vốn Việt Nam đang gặp là thiếu vốn dài hạn.
“Quỹ hỗ trợ vốn dài hạn là một trong những giải pháp để các ngân hàng giải quyết tình trạng vốn mỏng. Khi nói tới dài hạn, ta phải xác định đây là một trong những giải pháp các ngân hàng cần nâng vốn để giảm tình trạng vốn mỏng, đồng thời cung cấp các giải pháp để có gói vay dài hơn”, ông Fiachra MacCana nói.
Theo ông Fiachra MacCana, vai trò của Chính phủ là làm thế nào để sửa đổi về luật thuế, luật doanh nghiệp. Vị chuyên gia này gợi ý, Việt Nam có thể nghiên cứu mô hình quỹ hưu trí tư nhân - một trong những mô hình Thái Lan tâm đắc, để nâng nguồn vốn dài hạn.
“Chìa khóa” từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thị trường tài chính trong những năm qua chưa phát triển đúng theo mong muốn, nhưng thị trường chứng khoán và tiền tệ vẫn phát triển mạnh mẽ. Đây là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế.
Những năm gần đây, thị trường chứng khoán có nhiều điểm đột phá. Vốn hóa thị trường chứng khoán năm 2017 tăng trên 70%. Với thị trường tiền tệ, tính chung, tỷ lệ tín dụng trên GDP khoảng 130%. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp thấp, chỉ chiếm 1,25%, trong khi quy mô trái phiếu chính phủ vẫn chiếm chủ yếu. Đây đều là nguồn vốn ngắn hạn, nên nhu cầu vốn vay trung, dài hạn lớn, tạo áp lực cho các tổ chức tín dụng.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital cho biết, từ năm 2014 đến nay, thị trường vốn tài chính Việt Nam phát triển nhanh và sôi động, nổi bật là thị trường cổ phiếu với nhiều khởi sắc. Đây là cách hữu hiệu để tăng nguồn vốn dài hạn và là động lực để khuyến khích các nhà đầu tư tập trung vào thị trường trái phiếu
“Khi mua trái phiếu doanh nghiệp, chúng tôi hy vọng doanh nghiệp sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán, được đánh giá tín nhiệm. Chúng ta phải sử dụng cơ quan xếp hạng tín nhiệm được đánh giá cao trên thế giới, đảm bảo sau khi phát hành, những người sở hữu trái phiếu của doanh nghiệp sẽ không gặp vấn đề rủi ro bên ngân hàng hay khả năng quản lý kém của ngân hàng”, ông Andy Ho nhấn mạnh.
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Việt Nam có thị trường trái phiếu chính phủ rất phát triển và tiến tới sẽ đẩy mạnh hơn thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện cơ quan này có Đề án xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp. “Chúng tôi thu thập các thông tin liên quan, Bộ Tài chính đang chỉ đạo để xây dựng trung tâm thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xây dựng sàn giao dịch tập trung, trên cơ sở đó, nhà đầu tư có thể biết được giá của doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Theo ông Ketut Kusuma, chuyên gia cao cấp về thị trường vốn của Ngân hàng Thế giới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khả năng tăng trưởng, phần lớn tăng trưởng thể hiện ở thị trường tư nhân. Nếu nhìn vào từng nhà đầu tư, có thể thấy doanh nghiệp bảo hiểm có đầu tư gián tiếp, trực tiếp, có chứng khoán doanh nghiệp, có trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh...
Như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong các hộ gia đình để họ yên tâm khi đầu tư vào các kênh khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, gửi ngân hàng... Ông Ketut Kusuma cho rằng, các nguồn tích lũy tiết kiệm cần được đầu tư vào đâu là câu hỏi cần được quan tâm. “Khi chúng ta huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chúng hiệu quả, đầy đủ, chúng ta sẽ đảm bảo nguồn vốn dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay của người dân”, ông Ketut Kusuma nói.