Doanh nghiệp xây dựng hạ tầng bắt nhịp cùng đầu tư công
Đáng chú ý, một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 và 2, sân bay Long Thành đang gấp rút được triển khai sẽ giúp các nhà thầu xây dựng gia tăng lợi nhuận từ năm nay.
Theo quan sát của nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng VCB (VCBS) đối với 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đã có 2 dự án khánh thành, 3 dự án được thông xe kỹ thuật và dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 4/2023. 7 dự án còn lại kỳ vọng sẽ hoàn tất trong giai đoạn 2023-2024.
Nhóm phân tích VCBS đánh giá, việc triển khai các dự án khá chậm khi xét đến việc đây là dự án cao tốc giai đoạn 2017-2020 và thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, nhưng hầu hết dự án chỉ đã được khởi công từ năm 2020 và 2021 khi Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong số đó, đối với hạ tầng giao thông đô thị, các dự án tại Hà Nội đang được đẩy mạnh khá tốt tiến độ thi công với nhiều dự án sẽ đi vào vận hành trong giai đoạn 2022-2023. Điều này tạo cơ hội bứt phá tăng trưởng cho nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, công trình và đặc biệt là những nhà thầu có kinh nghiệm thi công dự án.
Dưới góc độ phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Agribank (AGR), năm 2023 sẽ là năm bản lề các dự án đầu tư công được đẩy mạnh sau khi bị đình trệ bởi dịch COVUD – 19, giá nguyên vật liệu tăng cao.
Năm 2023, Chính phủ nâng tổng vốn đầu tư công lên 700 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch 2022. Số vốn này đã bao gồm vốn cho các dự án trong Chương trình phục hồi và phát tiển kinh tế xã hội.
Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản giúp thúc đẩy đầu tư công và thành lập các tổ công tác để kiểm tra, đốc thúc giải ngân đầu tư công. Việc Quy hoạch phát triển vùng/địa phương đang được tích cực triển khai kỳ vọng sẽ là chất xúc tác mạnh để triển khai dự án mới.
AGR kỳ vọng, doanh nghiệp xây dựng hạ tầng bắt nhịp cùng đầu tư công với tiến độ giải ngân được kỳ vọng cải thiện mạnh mẽ trong các năm tới.
Trước đó, theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 75,11%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (77,30%).
Tuy vậy, nhìn chung tiến độ giải ngân đã có sự tăng tốc từ quý III/2022. Số liệu thống kê gần nhất của Bộ Tài chính ghi nhận, tiến độ giải ngân tháng 12/2022 đạt 14,84%, trong khi đó tháng 11/2022 đạt 5,99%.
Với tinh thần tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ngay ngày đầu năm 2023, tại lễ khởi công Dự án đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, cũng như chứng kiến nghi thức khởi công các dự án thành phần khác thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị các ngành, các cấp cùng phát động thực hiện Tháng cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.
“Chúng ta nhanh chóng cùng nhau thực hiện các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhằm đạt được mục tiêu Chính phủ đã đề ra. Qua đó, góp phần thực hiện thành công hơn nữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và từng bước hiện thực hóa đột phá chiến lược về phát triển cơ sở hạ tầng”, Bộ trưởng cho hay.
Năm 2022, các cấp, các ngành, các ban quản lý dự án… đẩy nhanh hơn nữa khối lượng thực hiện các dự án, thanh quyết toán, quyết tâm hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra, phấn đấu giải ngân trên 95% số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 mà Chính phủ đã đề ra.
Với tín hiệu tích cực này, cổ phiếu nhóm ngành xây dựng và vật liệu xây dựng ghi nhận giao dịch tích cực, góp phần lan tỏa sắc xanh cho thị trường từ đầu năm.
Đóng cửa phiên giao dịch 13/1, cổ phiếu VCG của Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam có giá 19.700 đồng, C4G của Công ty Tập đoàn CIENCO4 có giá 11.100 đồng, FCN của Công ty FECON có giá 10.800 đồng, C47 của Công ty Xây dựng 47 giá giá 8.210 đồng, HHV của Công ty Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả có giá 10.450 đồng/đơn vị.