Doanh nhân Lê Viết Hải: "Chúng ta không thể tiếp tục đi bán lẻ vật liệu xây dựng và xuất khẩu lao động"

13:00 | 21/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Buổi tọa đàm "Làm thế nào để công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" tổ chức chiều 20/10 có nội dung liên quan bàn về tương lai của ngành trong bối cảnh sau dịch và thị trường trong nước ngày càng chật chội.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình (HBC) đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng Tp.HCM (SACA) Lê Viết Hải đã đưa ra quan điểm rằng ngành xây dựng tại Việt Nam cần mạnh dạn tiến ra thị trường nước ngoài trong hoàn cảnh dư địa phát triển trong nước ngày càng chật chội. 

Ông nhấn mạnh các nhà thầu trong nước không nên bỏ lỡ cơ hội thay thế các đối thủ quốc tế ở thị trường nước ngoài, khi họ đang mất dần lợi thế cạnh tranh sau đại dịch. Theo ông, nếu thực hiện thành công mục tiêu chiến lược này, nhất định công nghiệp xây dựng sẽ đóng góp cực kỳ hiệu quả cho sự phát triển kinh tế của đất nước, sớm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia văn minh và cường thịnh.  

Ông Lê Viết Hải phát biểu tại buổi hội thảo về tầm quan trọng trong việc tiến quốc tế của ngành xây dựng 

Chủ tịch SACA nhớ về thời kỳ các nhà thầu lớn của Việt Nam tăng trưởng tới 20-30%/năm nhờ sự tiến bộ về kỹ thuật, công nghệ, thay thế nhà thầu nước ngoài thi công các dự án lớn trong nước. Tuy nhiên, khi làm chủ thị trường thì nhà thầu Việt lại không còn cơ hội cọ xát, học hỏi nếu chỉ quẩn quanh trong nước.

Ông Hải tiếp tục nêu lên cơ hội phát triển thị trường thế giới với quy mô lên đến 12.000 tỷ USD trong khi tại nội địa các khâu từ vật liệu, dịch vụ thi công, nội thất tổng cộng chỉ khai thác khoảng 60 tỷ USD. Chỉ cần có 1% thị phần xây dựng toàn cầu, quy mô đã gấp đôi tổng giá trị các công trình trong nước. 

Nhưng, Chủ tịch SACA tin rằng để làm được điều này thì  xuất khẩu xây dựng Việt Nam ra nước ngoài cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chứ không phải làm kiểu manh mún, nhỏ lẻ như trước đây: "Chúng ta không thể tiếp tục chỉ đi bán lẻ vật liệu xây dựng hay xuất khẩu lao động. Đó là nền kinh tế hái lượm, có cái gì bắt cái nấy". 

Điều quan trọng để tiến ra biển lớn là ở việc phải kết hợp các mắt xích trong chuỗi cung ứng dịch vụ xây dựng nhằm xuất khẩu sản phẩm xây dựng hoàn thiện từ đầu đến cuối với hàm lượng chất xám, giá trị lớn, đem lại nguồn lợi kinh tế cho đất nước.

Việt Nam hiện không thiếu những yếu tố để làm được điều đó. 

Chúng ta có lợi thế từ  từ đội ngũ nhân lực kỹ sư dồi dào, chất lượng thi công, trình độ quản lý không thua kém các nhà thầu thế giới qua việc đảm nhận các dự án lớn trong nước. Đồng thời chúng ta cũng không thiếu kiến trúc sư (KTS) giỏi hay doanh nghiệp cung cấp vật liệu, nhà thầu có năng lực cạnh tranh.

Chi phí thi công ở các nước phát triển lên tới 1.500-2.000 USD/m2, do đó ông Lê Viết Hải đưa ra tầm nhìn rằng ngành xây dựng Việt Nam thể phát triển thành một quốc gia chuyên xây dựng nhà ở cho thế giới, mang sản phẩm xây dựng sang nước ngoài. 

Tuy nhiên, thực tế trước mắt các nhà thầu Việt Nam cần trau dồi thêm  kinh nghiệm chinh chiến thị trường quốc tế, cải thiện năng lực tài chính và trình độ ngoại ngữ cho người lao động trong ngành. 

Chủ tịch SACA Lê Viết Hải là ai?

Ông Hải sinh năm 1958, là cử nhân của Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM với tấm bằng kiến trúc sư vào năm 1985.  

Nhưng, ông không theo nghề mà chuyển hướng sang ngành xây dựng. Năm 1987, ông Hải thành lập và làm Giám đốc Văn phòng Xây dựng Hòa Bình với số lượng nhân viên ban đầu là 5 kỹ sư cùng với 20 người, chủ yếu nhận thiết kế và thi công công trình nhà ở tư nhân.

Đến năm 2000, ông Hải thành lập Công ty Cổ phần xây dựng & kinh doanh địa ốc Hòa Bình vốn điều lệ hơn 56,4 tỷ đồng, dựa trên nền tảng và đội ngũ nhân viên của văn phòng cũ. Tại đây, ông Hải đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Đến năm 2006, cổ phiếu Hòa Bình chính thức lên sàn chứng khoán khi tiến hành niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán Tp.HMC (HoSE) với mã HBC. Đây chính cột mốc đáng nhớ trong lịch sử phát triển của Hòa Bình khi mô hình của tập đoàn này được hình thành rất rõ nét, góp phần không nhỏ cho vị thế của doanh nghiệp sau này.

Doanh nghiệp của ông Hải đã nhanh chóng vươn lên đầu ngành xây dựng. Hòa Bình đã có một “thập kỉ vàng” với tốc độ tăng trưởng doanh thu “siêu tốc”, cứ 5 năm lại tăng gấp 5 lần. Cụ thể, doanh thu năm 2008 là 696 tỷ đồng; năm 2013 tăng gấp 5 lần, lên 3.432 tỷ đồng; đến năm 2018 lại tăng gấp 5 lần, đạt 18.299 tỷ đồng.

Năm 2019, dù thị trường khó khăn, Hòa Bình vẫn duy trì mức tăng trưởng gần 4% về doanh thu, đạt 18.822 tỷ đồng, qua đó trở thành doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam (xét theo doanh thu).

Tuy nhiên năm 2020, do ảnh hưởng của COVID-19 mà toàn ngành xây dựng đã chịu nhiều thiệt hại, Hòa Bình cũng không ngoại lệ khi  doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5.410 tỷ đồng, giảm 67%; lãi trước thuế chỉ đạt 47 tỷ đồng, giảm 400% so với cùng kì năm trước. Chủ tịch Lê Viết Hải dịch bệnh là thách thức nhưng cũng là cơ hội để tập đoàn tái cấu trúc để lấy lại tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo. 

Do đó, Hòa Bình vươn mình mạnh mẽ ra thị trường quốc tế, gồm cả xây dựng lẫn kinh doanh địa ốc. Cụ thể, về xây dựng, Hòa Bình đã thi công tại các thị trường Malaysia, Myanmar, Kuwait…; về kinh doanh địa ốc, Hòa Bình đang hợp tác với một đơn vị để triển khai dự án nhà ở cao tầng tại Canada. Song song với việc tái cấu trúc tập trung vào: dịch vụ, sản phẩm, thị trường; tái cấu trúc mô hình kinh doanh; tái cấu trúc tài chính; tái cấu trúc nhân sự; đầu tư nghiên cứu phát triển… 

Ngoài việc được biết đến là Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, ông Hải còn nắm giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) nhiệm kỳ IV (2016 – 2020); Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM. 

Năm 2021, ông Hải ứng cử làm đại biểu Quốc hội khoá XV nhưng không trúng cử bởi chỉ đạt 50,74% phiếu bầu hợp lệ.