Doanh nhân Tô Như Toàn - tỷ phú kín tiếng của VPI và tham vọng về chuỗi sân bay Lộc Phát, Lâm Đồng
Doanh nhân Tô Như Toàn là người khá kín tiếng tại Thủ đô. Theo thống kê, ông Toàn hiện là người giàu thứ 62 trên sàn chứng khoán Việt Nam, với tổng tài sản lên đến 1.330 tỷ đồng.
Doanh nhân Tô Như Toàn là ai?
Vào tháng 11/2017, giới bất động sản nói riêng và truyền thông cả nước nói chung xôn xao trước sự xuất hiện của một đại gia trẻ với khối tài sản nghìn tỷ đồng. Nhân vật tầm cỡ này chính là ông Tô Như Toàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest (VPI).
Ông Tô Như Toàn sinh ngày 26/6/1971 (Thanh Oai, Hà Nội). Ông từng tốt nghiệp chuyên ngành Kiến trúc và tiến sĩ quản trị kinh doanh. Trước khi trở thành ông chủ của VPI, ông Toàn từng công tác tại Công ty xây dựng số 4 - Tổng công ty xây dựng Hà Nội trong những năm 1996 - 1999.
Rời Tổng công ty xây dựng Hà Nội, ông Toàn đảm nhiệm các vị trí Phó giám đốc Công ty tư vấn xây dựng giao thông - công nghệ môi trường trực thuộc Viện nghiên cứu hợp tác KHKT Châu Á Thái Bình Dương (1999-2002), rồi Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và tư vấn kiến trúc Việt Nam từ tháng 6/2002 đến tháng 1/2003.
Năm 2003 được xem là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của ông Toàn. Khi đó ông đảm nhiệm vị trí Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà Quảng Ninh. Công ty này chính là tiền thân của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest hiện tại.
Đến năm 2008, công ty tiến hành cổ phần hóa chi nhánh tại Hà Nội và chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest. Ông Toàn giữ cương vị Chủ tịch HĐQT cho đến nay.
Đại gia Tô Như Toàn
Ông Toàn được xem là doanh nhân thành đạt của thế hệ 7x. Tuy tốt nghiệp ngành kiến trúc sư nhưng ông lại có duyên với ngành bất động sản. Gần 20 năm nghiên cứu, làm việc và phát triển ngành nghề của mình theo đuổi, vị thế của VPI trên thị trường miền Bắc ngày càng rõ nét và đạt được nhiều thành tựu. Ông Toàn cùng các cộng sự đã và đang lấn sâu vào thị trường miền Nam.
Được biết, thời điểm bắt đầu, VPI chỉ có 17 người, giờ đây đã phát triển thành 12 công ty thành viên và 6 công ty kết nối. Không chỉ vậy, ông Toàn còn sở hữu hàng chục bất động sản và 700 hecta quỹ đất trải dài khắp cả nước.
Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, trong đó có 10 năm chuyển đổi mô hình hoạt động, VPI có vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng. Ông Toàn sở hữu 25% cổ phần VPI. Công ty THG Holdings hiện là cổ đông lớn sở hữu 23,44% vốn điều lệ của VPI. Hiện ông Toàn đang nắm giữ 40% tại THG Holdings.
Với việc sở hữu 40% số cổ phần tại THG Holdings (tức ông Toàn gián tiếp sở hữu 37,5 triệu cổ phiếu VPI mà công ty này nắm giữ), ông Toàn hiện là cổ đông lớn nhất tại VPI.
Tính đến ngày 29/1/2019, theo cập nhật từ Toprich, tổng giá trị tài sản ước tính của ông Toàn là 1. 648 tỷ đồng. Ông Toàn khi đó là người giàu thứ 25 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ra, liên quan đến ông Toàn bao gồm ông Tô Như Thắng (em trai) đang sở hữu 11.300.000 cổ phiếu VPI, bà Đào Thị Hồng Hạnh (vợ) đang sở hữu 4.000.000 cổ phiếu VPI, con gái Lê Châu Giang đang sở hữu 4.000.000 cổ phiếu VPI.
Nhóm gia đình Chủ tịch Hội đồng quản trị Tô Như Toàn đang nắm giữ khoảng 61% vốn điều lệ VPI.
Ngoài giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPI, ông Tô Như Toàn còn giữ vị trí chủ chốt ở nhiều công ty khác nhau: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tài nguyên và Môi trường Trường Minh; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư THG Holdings; Chủ tịch công ty Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Giảng Võ; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú số 3; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Văn Phú - Bắc Ái; Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Sâm Ngọc Linh Việt Nam…
Chiến lược thâu tóm "đất vàng" và hành trình đưa VPI lên sàn chứng khoán
Có mặt trên thị trường bất động sản từ năm 2003 nhưng đến năm 2017 thì tên tuổi của đại gia Tô Như Toàn mới thật được nhiều người biết đến.
Vào thời điểm năm 2017, trước thềm niêm yết, VPI gây xôn xao về quy mô vốn của doanh nghiệp có sự tăng trưởng đột biến nhờ vào các đợt tăng vốn dồn dập. Trong vòng 3 tháng trước ngày lên sàn, VPI đã tăng vốn từ 262 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng, gấp 6 lần.
Tổng giá trị tài sản ước tính của ông Toàn khi đó đạt 1.969 tỷ đồng. Việc ông Toàn đưa VPI lên sàn đã đưa ông này lọt top tỷ phú "nghìn tỷ". Với giá trị tài sản trên sàn chứng khoán, ông Toàn còn vượt qua nhiều tên tuổi lừng danh thị trường chứng khoán như “sếp lớn” Kido Trần Lệ Nguyên, chủ tịch doanh nghiệp vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Cao Thị Ngọc Dung hay sếp Kinh Bắc (KBC) Đặng Thành Tâm.
Thông tin về ông Toàn ở thời điểm đưa VPI lên sàn chứng khoán
Ông Toàn là đại gia sở hữu hàng trăm hecta đất trên khắp cả nước. Cụ thể, năm 2006, VPI triển khai sự án đầu tay là Khu đô thị mới Văn Phú, quận Hà Đông (diện tích 94 hecta, với tổng mức đầu tư 18.000 tỉ đồng). Đây là bước đệm giúp ông Toàn gây tiếng vang trên thị trường.
Đến năm 2015, VPI lại thâu tóm "đất vàng" Giảng Võ. Sau đó bỏ ra 644 tỷ đồng để xây dựng trường ĐH Y tế cộng đồng tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Vào tháng 11/2017, VPI chính thức niêm yết lên sàn chứng khoán Hà Nội. Hiện tại, công ty đã trở thành thương hiệu có nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực tư vấn đầu tư, kinh doanh, xây dựng và phát triển bất động sản. Một số dự án công ty đang đầu tư: Home City tại Trung Kính (Hà Nội), The Van Phu – Victoria (tổng diện tích 18.430m2), Grandeur Palace - Mỹ Đình tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (tổng vốn đầu tư 3.760 tỉ đồng).
Ngoài ra, Văn Phú - Invest đã mua dự án tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp An Hưng (diện tích đất 35.574m2, tổng giá trị chuyển nhượng 747 tỉ đồng) từ Công ty cổ phần đầu tư Đô thị An Hưng.
Không chỉ ở TP HCM, ông Toàn còn mở rộng thị trường sang các tỉnh thành khác. Hiện VPI đang khởi công dự án Đề thờ các vua Hùng ở TP Cần Thơ.
Tham vọng đưa VPI cán mốc lợi nhuận nghìn tỷ
Đưa VPI lên tầm cao mới với doanh thu khủng vẫn luôn là tham vọng cháy bỏng trong đầu đại gia Tô Như Toàn. Trong buổi Analyst Meeting hồi tháng 4/2018 tại TP. HCM, ông Tô Như Toàn đã tiết lộ tham vọng đưa VPI cán mốc lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong năm 2020.
Ông Toàn chia sẻ: "Chúng tôi không ngồi im, mà tìm những cơ hội mới để tích lũy tiếp quỹ đất. Vì thế chúng tôi tin tưởng doanh thu ít nhất sẽ được như kế hoạch đặt ra do đã có thăm dò thị trường".
Được biết, Báo cáo tình hình tài chính hợp nhất quý 3-2020, doanh thu thuần của Văn Phú - Invest đạt gần 377 tỉ đồng, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 68 tỉ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. Bất chấp thị trường kinh doanh không mấy lạc quan nhưng giá cả phiếu VPI vẫn tăng nhẹ vào đầu năm 2020.
Dẫu vậy, trên hành trình phát triển doanh nghiệp của mình, ông Toàn cũng gặp không ít khó khăn. Đầu tiên, có hiện một hiện tượng bất thường đang diễn ra ở Văn Phú - Invest. Đó là bất chấp doanh thu tăng rất mạnh nhưng lợi nhuận giảm sâu.
Tập đoàn Văn Phú - Invest
Cụ thể, lợi nhuận quý 3/2019 và 9 tháng đầu năm lần lượt giảm 81,8% và 65,9%. Trong khi đó, doanh thu quý 3/2019 đạt tới 329 tỷ đồng, tăng 119 tỷ đồng, tương ứng 56,7% so với quý 3/2018, lũy kế 9 tháng đạt 841 tỷ đồng, tăng 557 tỷ đồng, tương ứng 196% so với 9 tháng đầu năm 2018.
Doanh thu tại Văn Phú tăng vọt khi công ty ghi nhận doanh thu từ việc bàn giao một số căn nhà thuộc dự án The Terra An Hưng, The Terra Hào Nam. Ngoài ra, công ty bắt đầu ghi nhận doanh thu từ việc bàn giao căn hộ thuộc dự án The Grandeur Palace Giảng Võ. Điều khó hiểu là VPI đưa ra việc ghi nhận doanh thu của hàng loạt dự án để giải thích cho lợi nhuận... giảm sút.
Một khó khăn khác là nợ cao vượt trội so với vốn. Tổng nợ phải trả đạt 6.107 tỷ đồng, cao gấp 2,72 lần vốn chủ sở hữu, tăng 1.842 tỷ đồng, tương đương 43,2% so với hồi đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng vọt từ 1.438 tỷ đồng lên 3.454 tỷ đồng.
Nợ lớn gây áp lực không nhỏ lên kết quả kinh doanh. Trong quý 3/2019, công ty phải dành 22,4 tỷ đồng để trả lãi vay. Con số này cao hơn lợi nhuận sau thuế (22 tỷ đồng). Để có được những khoản nợ lớn, VPI phải cầm cố khá nhiều tài sản, bao gồm cả cổ phiếu và một số bất động sản. Trong đó đángchú ý nhất là toàn bộ quyền phát sinh dự án Grandeur Palace Giảng Võ (Khu hỗn hợp và nhà ở 138B Giảng Võ).
Grandeur Palace Giảng Võ là dự án đang “ngốn” nhiều vốn nhất của Văn Phú - Invest. Tại thời điểm cuối quý 3, giá trị hàng tồn kho ở dự án này lên tới 1.378 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 592 tỷ đồng hồi đầu năm và chiếm 43,4% tổng giá trị hàng tồn kho.
Tham vọng chuỗi sân bay của đại gia Tô Như Toàn
Giữa năm 2020, VPI đã đề xuất xuất nghiên cứu, đầu tư 3 dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
3 dự án mà VPI đề xuất gồm: dự án Khu đô thị dịch vụ giải trí hồ Nam Phương 2 (quy mô diện tích 84 ha); nghiên cứu phát triển dự án Sân bay Lộc Phát; quy hoạch xây dựng Khu phố đi bộ Shop House, dịch vụ thương mại, chợ đêm tại khu chợ cũ Bảo Lộc.
VPI còn đề xuất điều chỉnh quy hoạch, đưa tổ hợp dịch vụ du lịch khách sạn 5 sao vào chung dự án Khu đô thị dịch vụ giải trí Nam Phương 2.
Về dự án sân bay Lộc Phát, năm 2019, VPI đã đề xuất lập kế hoạch hợp tác đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng Bảo Lộc, khôi phục sân bay này với quy mô khoảng 100ha, hình thnafh sân bay cấp 3C, đường cất hạ cánh 1.820m x 30m.
Đây là sân bay hỗn hợp được nâng cấp từ sân bay quân sự cũ có diện tích khoảng 35 ha, vốn đã ngưng sử dụng từ sau năm 1975.
Ông Tô Như Toàn cho biết, những đề xuất đầu tư xây dựng tại TP Bảo Lộc mới chỉ là ý tưởng sơ khai, VPI sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, tiếp thu các ý kiến để giải pháp và đạt kết quả tối ưu nhất.
Ngoài ra, ông Tô Như Toàn còn đặt ra mục tiêu chiến lược trong phát triển các dự án xanh bề vững. Ông Toàn chỉ ra, mục tiêu chiến lược trong phát triển các dự án xanh bền vững là lấy con người và môi trường làm nhân tố trung tâm để phát triển.
Xem thêm: Ông Lê Viết Hải và hành trình vượt sóng lớn ôm tham vọng đưa Hòa Bình thành đơn vị xây dựng toàn cầu
Hương Quỳnh