Đơn hàng giảm, doanh nghiệp gỗ 'chờ tín hiệu thị trường’
Thiếu đơn hàng, đa số doanh nghiệp ngành gỗ lên kế hoạch lợi nhuận "đi lùi"
Kết thúc kinh doanh quý I, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) đã sẵn sàng lên kế hoạch năm 2023 với những mục tiêu kinh doanh thận trọng.
Tại ĐHĐCĐ 2023, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (mã: VIF) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu 2.554 tỷ đồng, tăng 31% so với mức thực hiện của năm 2022, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 4%, xuống 465 tỷ đồng.
VIF cho biết kế hoạch kinh doanh được đặt ra căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội năm 2023 còn nhiều khó khăn (sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất, sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức,...). Do đó, kế hoạch đến năm 2025 là đầu tư quy mô sản xuất, đặc biệt là đầu tư trồng rừng thâm canh gỗ lớn và phát triển các cơ sở chế biến sơ gắn liền với vùng nguyên liệu. Đến giai đoạn 2026-2030 mới tập trung tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kim ngạch xuất nhập khẩu, vốn và tổng tài sản.
Không riêng VIF, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lớn cũng đã đưa ra những kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm nay trong bối cảnh dự báo đơn hàng chưa phục hồi những quý đầu năm 2023.
Cuối tháng 2, HĐQT CTCP Chế biến Gỗ Thuận An (mã: GTA) đã thông qua nghị quyết điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022, đồng thời thông qua kế hoạch năm 2023. Theo đó, doanh nghiệp thống nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với một số chỉ tiêu cơ bản gồm tổng doanh thu 332 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8,38 tỷ đồng. So với kết quả năm 2022, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm nay giảm giảm lần lượt 35% và 18%.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, năm 2023, Công ty sẽ tập trung tìm kiếm đơn hàng sản xuất, chủ động đàm phán với khách hàng giảm giá sản phẩm để có đơn hàng mới, tạo việc làm cho người lao động, đồng thời kiểm soát chặt chẽ định mức kinh tế kỹ thuật, tiết giảm chi phí tối đa để có giá thành cạnh tranh.
Một “điểm sáng” trong ngành đến từ CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã: TTF). Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT TTF đã đưa ra kịch bản tươi sáng khi cho rằng Công ty đã qua điểm hòa vốn, từ bây giờ là giai đoạn TTF tăng trưởng. Nếu không bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong năm 2021 thì báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty đã đẹp hơn rất nhiều.
Vị lãnh đạo kỳ vọng 2022-2027 sẽ là nhiệm kỳ tăng tốc của Gỗ Trường Thành. Do đó, trong năm 2023, TTF đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.222 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 54 tỷ đồng, tăng 14,86 lần so với thực hiện trong năm 2022.
Tuy nhiên, ngay cả khi đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng, TTF cũng dự báo rằng năm nay sẽ còn nhiều khó khăn, tình hình thiếu đơn hàng còn kéo dài. Mặc khác, do tình trạng thiếu đơn hàng nên các doanh nghiệp cạnh tranh về giá bán sản phẩm để lấy đơn hàng sản xuất bằng mọi giá, làm mặt bằng chung giá bán sản phẩm đầu ra càng thấp, sẽ gây khó cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đơn hàng sản xuất.
Áp lực thiếu đơn hàng, doanh nghiệp 'chờ tín hiệu thị trường’
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính trong tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 823 triệu USD, tăng 47,7% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 30% so với tháng 3/2022. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 1,87 tỷ USD, giảm 38,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong bối cảnh lạm phát, người dân thường cắt giảm nhu cầu với những sản phẩm không thiết yếu. Thêm vào đó, tình hình bất động sản trầm lắng tại Mỹ là một trong những nguyên nhân khiến đa phần doanh nghiệp ngành gỗ và sản phẩm gỗ dè dặt khi đưa ra mục tiêu kinh doanh trong năm nay.
Theo Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), sức mua trên toàn cầu giảm mạnh khiến kinh tế thế giới đối mặt với những khó khăn, thách thức, dẫn đến số các đơn hàng của ngành gỗ giảm so với cùng kỳ năm 2022. Đây là thực tế khó khăn đối với toàn ngành. Hiện tại, những doanh nghiệp có đơn hàng thì chủ yếu là những đơn hàng nhỏ và chỉ nhận được các đơn hàng tới tháng 6/2023.
Khó khăn của ngành gỗ được dự báo còn kéo dài đến hết quý II/2023 mới có thể phục hồi sản xuất khoảng 85%. Sự phục hồi trở lại vào nửa cuối năm kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7 - 9%, tương đương đạt 18 tỷ USD trở lên.
Trao đổi với phóng viên về tình hình ngành gỗ những tháng đầu năm 2023, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, bắt đầu từ quý III/2022, nối sang những tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu giảm rất mạnh, đặc biệt là nhóm sản phẩm gỗ nội, ngoại thất (thường chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam) cũng giảm sâu, đến 42% trong 2 tháng đầu năm. Ngay cả 2 mặt hàng là viên nén và dăm gỗ năm ngoái có vẻ “lên ngôi” tăng mạnh về giá và khối lượng xuất khẩu nhưng trong 2 tháng đầu năm cũng đã chững lại.
Từ góc độ kinh doanh thực tế tại doanh nghiệp, ông Trần Quốc Mạnh, Giám đốc Công Ty Thương Mại Cổ Phần Phát Triển Sản Xuất Thương Mại Sài Gòn (SADACO) cho biết: “Trước nhiều thách thức, doanh nghiệp vẫn phải chờ những tín hiệu từ thị trường. Tuy nhiên tôi hy vọng tình hình sẽ khó khăn trong hết tháng 3, và bắt đầu hoạt động như công suất ban đầu vào tháng 4”.