Hoàn thành 80% kế hoạch năm 2023, ngành gỗ sẽ 'chưa hết khó' trong năm nay?
Hoàn thành gần 80% kế hoạch năm 2023
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính trong tháng 12/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng 11/2023, giảm 0,7% so với tháng 12/2022.
Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,2 tỷ USD, giảm 22,9% so với năm 2022.
Trong quý IV/2023, xu hướng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực, tuy nhiên đà phục hồi vẫn còn chậm, do đó chỉ bù đắp một phần nhỏ cho mức giảm từ đầu năm 2023. Chính vì vậy, tính chung năm 2023 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn ghi nhận mức giảm đáng kể.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phục hồi chậm là do tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và không thiết yếu, khiến mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu khó phục hồi.
Vì vậy, ước tính xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2023 đạt 79% kế hoạch đề ra hồi đầu năm.
Mục tiêu "quay lại hoàng kim" trong năm 2024 có khả thi?
Tại Hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp ngày 27/12/2023,Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị nhận định: "Kế hoạch năm 2023, xuất khẩu lâm sản đạt 17,5 tỷ USD nhưng đến cuối tháng 12, kim ngạch mới đạt gần 14 tỷ USD. Có thể khẳng định rằng 20 năm qua, chỉ tiêu này của ngành lâm nghiệp liên tục lập đỉnh nhưng năm nay lại đi xuống.
Đây là tín hiệu cho thấy ngành phải nhanh chóng tái cơ cấu sản phẩm này từ nguyên liệu, sản phẩm, thị trường…”.
Bước sang năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu quay về đỉnh cũ năm 2022, tức 17,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2023.
Bộ Công Thương đánh giá, năm 2024 sẽ tiếp tục tác động không thuận tới hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Khó khăn với ngành gỗ có thể kéo dài khi những yếu tố bất lợi vẫn hiện hữu như khủng hoảng địa chính trị lan rộng, suy thoái kinh tế thế giới, các thị trường xuất khẩu chính chưa phục hồi.
Mặc dù hàng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính có xu hướng giảm, nhưng đà phục hồi còn tương đối chậm, tiêu dùng toàn cầu vẫn chưa thấy sự phục hồi rõ nét. Theo đó, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2024 vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với báo chí về triển vọng của ngành trong năm 2024, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận định thị trường hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số rủi ro.
"Năm 2024, ngành gỗ vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn. Về tổng thể, ngành gỗ có tăng trưởng nhưng chậm và không nhiều, khoảng 10-12% so với những quý cuối năm 2023.
Giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 đó là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam là phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản đó là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải", ông Lập nhận định.
Bên cạnh khó khăn về đầu ra thị trường, ngành đang đối mặt với một số vấn đề thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của ngành, đặc biệt là quy định chống phá rừng của EU, sản phẩm gỗ có phát thải carbon thấp, rủi ro về nguyên liệu gỗ nhập khẩu. Bởi các rào cản thương mại nước ngoài ngày càng khắt khe, các chứng chỉ về quản lý rừng bền vững hay chứng chỉ giảm phát thải bắt buộc mà các thị trường muốn xuất khẩu phải tuân thủ.
Nhật Bản mới đây cũng đã yêu cầu phải có chứng chỉ bền vững. Thị trường Đức hiện đang áp dụng nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi nguồn cung, tác động gián tiếp đến nhà sản xuất Việt Nam.
Nhưng dù chưa trở lại được như những năm trước, những tín hiệu sáng cũng đã xuất hiện khi một số doanh nghiệp nhận được đơn hàng cho đến hết quý I/2024.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty Sadaco cho hay, dường như thị trường đã phần nào bước qua vùng "đáy". Đơn hàng đã rục rịch quay trở lại từ tháng 10/2023, dù không nhiều và số lượng cũng không lớn "để chạy hết công suất" như những năm trước, thế nhưng đây cũng là điều rất đáng quý.
Cùng đó, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đã và đang mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp gỗ trong nước. Điển hình như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam, làm gia tăng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ những nguồn cung gỗ với thuế quan ưu đãi.
Còn tại thị trường Mỹ, ông Phạm Quang Huy, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Mỹ cho biết lạm phát tại thị trường này hiện đã hạ nhiệt, việc làm của người lao động đang tăng lên, đặc biệt là mảng xây dựng, điều này cho thấy xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ có thể tăng trưởng trở lại.
Mặt khác, tỷ lệ hàng tồn kho tại Mỹ dự báo đến cuối năm 2023 sẽ giảm dần. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường này trong thời gian tới.
“Nhà nhập khẩu đang mua hàng trở lại, tuy nhiên đơn hàng sẽ không còn lớn như trước đây. Để thị trường phục hồi tốt như trước và trong đại dịch phải cần thêm thời gian”, ông Huy nói.