Đơn hàng phục hồi, dự báo tăng trưởng GDP quý II có thể đạt 6,5%

Diên Vỹ 14:34 | 18/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán MB (MBS) dự báo tăng trưởng GDP quý II đạt 6,3-6,5% trong bối cảnh đơn hàng phục hồi, xuất khẩu tăng trưởng.

 

Về sản xuất, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 3,9% so với tháng 4 và tăng 8,9% so với cùng kỳ 2023, nhờ đó duy trì mức tăng trưởng trong bốn tháng liên tiếp trong bối cảnh nhu cầu về lượng đặt hàng mới gia tăng. Các ngành trọng điểm ghi nhận hoạt động sản xuất tăng trưởng mạnh trong tháng bao gồm: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (+24,1% svck), sản xuất thiết bị điện (+19,4% svck), sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (+18,8% svck). Tính chung 5 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 6,8% so với cùng kỳ. 

Một chỉ báo khác cho thấy sự phục hồi của sản xuất là chỉ số quản lý thu mua (PMI) tiếp tục duy trì ổn định ở mức 50,3 trong tháng 5, cho thấy sự cải thiện đều đặn trong điều kiện kinh doanh của ngành công nghiệp. Số lượng đơn đặt hàng mới cũng như đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục tăng mạnh trong tháng này, giữa bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng cao, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có phần chậm hơn so với tháng trước. 

 Ảnh: MBS

Theo các chuyên gia MBS, hiện vẫn có những lo ngại về việc làm và áp lực lạm phát khi tỷ lệ việc làm tiếp tục giảm mạnh có thể đe dọa hoạt động sản xuất của các công ty; trong khi chi phí sản xuất tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm qua đã dẫn đến việc tăng giá bán - điều có thể ảnh hưởng đến nhu cầu thị trường trong những tháng tới. Dù vậy, các nhà sản xuất vẫn lạc quan về tương lai vì họ kỳ vọng sự gia tăng trong các đơn đặt hàng mới có thể giúp họ vượt qua những khó khăn ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của doanh nghiệp.

Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 5 tiếp tục cho thấy sự hồi phục với mức tăng 5,7% so với tháng trước và tăng 15,8% so với cùng kỳ, ước đạt 32,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 5 ước đạt 33,8 tỷ USD (+29,9% svck), tăng 12,8% so với tháng trước. Trong tháng 5, số liệu từ Tổng cục Thống kê ghi nhận cán cân thương mại nhập siêu 1 tỷ USD, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. 

   Ảnh: MBS 

Nhóm phân tích MBS cho rằng thâm hụt này chủ yếu do mức tăng của kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vẫn lớn hơn mức tăng của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa do sự gia tăng nhập khẩu thiết bị, máy móc và nguyên vật liệu, xu thế xuất siêu có dấu hiệu chậm lại. Nhiều doanh nghiệp đã mở rộng hoạt động để đáp ứng đơn hàng từ các thị trường mới được thành lập thông qua các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế.

Mặc dù cán cân thương mại tạm nhập siêu 1 tỷ USD trong tháng 5, nhóm phân tích MBS dự báo xuất khẩu sẽ tăng trưởng 10% - 12% trong năm 2024, cùng đó thặng dư cán cân thương mại ở mức 21 – 24 tỷ USD.

Dự báo dựa trên một số yếu tố. Thứ nhất, theo báo cáo tháng 4 của WTO, thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2024 khi áp lực lạm phát dự kiến sẽ giảm trong năm nay, cho phép thu nhập thực tế tăng trở lại - đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến - do đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất. Thứ hai, những tín hiệu tích cực từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng với hoạt động thương mại, đi kèm theo đó là các cải cách về chính sách thương mại và hải quan đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý xuất nhập khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo vẫn có nhưng thách thức đáng chú ý đối với tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam năm 2024 bao gồm: Gián đoạn kéo dài và chi phí vận tải tăng đột biến bởi các xung đột địa chính trị leo thang; gia tăng cạnh tranh từ các nước xuất khẩu đổi thủ như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan,... Bên cạnh đó, sự hồi phục kinh tế của các nước đối tác của Việt Nam diễn ra chậm hơn so với dự kiến ban đầu do Fed duy trì mức lãi suất cao lâu hơn kỳ vọng. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao nên chịu tác động lớn từ diễn biến quốc tế, kéo theo những khó khăn cho những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, gỗ, điện tử. 

Về tiêu dùng, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước do nhu cầu đi lại và nhu cầu chi tiêu giảm sau kỳ nghỉ dài đầu tháng, nhưng vẫn tăng 9,5% svck nhờ sự đóng góp đáng kể của ngành du lịch. Tính chung 5 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 4,5% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá tăng), thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình 8% trong 5 năm trở lại đây (loại trừ năm 2021 thời điểm giãn cách xã hội). 

   Ảnh: MBS 

Về đầu tư, trong tháng 5, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng trưởng lũy kế cao nhât trong vòng 5 năm qua. Trong đó, FDI vào ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 tỷ USD (chiếm 78% tổng vốn đầu tư), hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 781 triệu USD (chiếm 9,5%), sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 336,2 triệu USD (chiếm 4,1%). Đặc biệt, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.52 tỷ USD, gấp hơn 12 lần cùng kỳ. Với những số liệu này, MBS nhận định Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút vốn FDI.

   Ảnh: MBS 

Với những triển vọng phục hồi sản xuất và xuất khẩu khả quan, nhóm phân tích MBS ước tính GDP quý II sẽ tăng 6,3% - 6,5% dựa trên sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã dẫn đến sự phục hồi của các đơn hàng và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Cùng đó, tăng trưởng xuất khẩu ngày càng cải thiện, phản ánh nỗ lực mở rộng và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp trong nước. Tiêu dùng trong nước cũng tiếp đà phục hồi với động lực là hoạt động du lịch.

Tăng trưởng GDP quý II dự kiến 6,3-6,5% cũng sẽ đẩy tăng trưởng GDP cả năm lên 6,1%-6,3%, theo dự báo của MBS.

   Ảnh: MBS 

Về lạm phát, nhóm phân tích kỳ vọng CPI bình quân 2024 của Việt Nam sẽ dao động ở động ở mức 4,1% - 4,3%. Con số này vẫn duy trì nằm trong kế hoạch đề ra của chính phủ là 4%-4,5% do cầu trong nước vẫn còn thấp. Tuy nhiên, MBS cảnh báo lạm phát trong nửa cuối năm sẽ chịu rủi ro bởi các yếu tố.

Thứ nhất, giá thép xây dựng nội địa sẽ phục hồi lên mức 15 triệu VNĐ/tấn (+8% svck) trong năm 2024 nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam. Thứ hai, tỷ giá vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến chi phí hàng hóa nhập khẩu. Thứ ba, việc tăng lương cơ bản dự kiến sẽ được thực hiện từ ngày 1/7 có thể tác động đến lạm phát trong nước. Ngoài ra, MBS duy trì dự báo giá dầu trong năm 2024 sẽ dao động với biên độ hẹp quanh mức 85 USD/thùng khi OPEC+ đã quyết định duy trì cắt giảm sản lượng đến hết quý III/2024 và kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô từ Mỹ và Trung Quốc tăng tốt hơn so với đầu năm.