Đóng cửa 744 điểm bán không hiệu quả, bình quân mỗi ngày VinMart thu 80 tỷ đồng, lãi gộp 18 tỷ đồng

16:41 | 30/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Do đóng cửa nhiều điểm bán, đơn vị quản lý chuỗi VinMart+ và VinMart thu 7.236 tỷ đồng trong quý đầu năm, giảm 17% so với cùng kỳ. Tuy nhiên bình quân mỗi ngày chuỗi bán lẻ này thu khoảng 80 tỷ đồng và lãi gộp 18 tỷ

Trong năm 2020, sau một năm kể từ ngày Masan Group thực hiện thương vụ M&A với VinCommerce và VinEco để chính thức sở hữu và tiếp quản VinCommerce, Masan đã cho đóng cửa gần 700 cửa hàng, siêu thị kém hiệu quả.

Thời điểm đó, ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan từng chia sẻ đây là một phần kế hoạch để cải thiện hiệu quả của VinCommerce, công tác tái cơ cấu hệ thống cửa hàng và siêu thị - một nhiệm vụ trọng tâm của Masan Group.

Do đó, trong 9 tháng đầu năm, 12 siêu thị VinMart và 421 cửa hàng VinMart+ được cho dừng hoạt động. Sau đó, trong 3 tháng cuối năm, thêm 250 cơ sở cũng bị cho dừng hoạt động. Điều này giúp cho VinCommerce lần đầu tiên đạt EBITDA dương 16 tỷ đồng sau nhiều năm, thoát khỏi đà sụt giảm ở mức âm 8,4% trong quý II và âm 4,8% trong quý I năm 2020.

Đóng cửa 744 điểm bán không hiệu quả, bình quân mỗi ngày VinMart thu 80 tỷ đồng, lãi gộp 18 tỷ đồng - ảnh 1 

Năm ngoái, VinCommerce ghi nhận doanh thu xấp xỉ 31.000 tỷ đồng, tăng 14%. Trong đó, hệ thống cửa hàng VinMart+ tăng trưởng doanh thu 42%.

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính đầu năm mà Tập đoàn Masan công bố, đơn vị quản lý chuỗi VinMart+ và VinMart thu 7.236 tỷ đồng trong quý đầu năm, giảm 17% so với cùng kỳ. Tuy vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của Masan nhưng mảng bản lẻ của VinCommerce đã có dấu hiệu giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu ở đây được nhìn nhận là do đóng cửa 700 điểm bán.

Bình quân mỗi ngày chuỗi bán lẻ này thu khoảng 80 tỷ đồng và lãi gộp 18 tỷ đồng. Tập đoàn Masan đang có kế hoạch sẽ mở thêm 12 cửa hàng VinMart+ trong quý đầu năm, nâng tổng số lên 2.212 cửa hàng và kế hoạch của cả năm 2021 là tái mở rộng để đưa số lượng điểm bán về mức hơn 3.000 cửa hàng như trước khi sáp nhập vào Masan.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, khẳng định rằng: "Điểm khác biệt duy nhất là mạng lưới bán lẻ này sẽ có lợi nhuận." Cũng theo điều khoản chuyển giao với Vingroup, chuỗi VinMart và VinMart+ sẽ được Masan đổi tên thành WinMart trong năm nay.

Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, ban đầu khi tiếp nhận cùng khoản lỗ 100 triệu USD, đơn vị đã tiến tái cấu trúc và nhận về những kết quả kinh doanh khả quan hơn. Ví dụ, việc đóng 744 cửa hàng VinMart+ và 12 siêu thị VinMart do vận hành không hiệu quả là cách để tối ưu hóa mạng lưới điểm bán, giúp cho EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) tăng 400 tỷ đồng. 

Lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết kế hoạch dự kiến là chuỗi này năm nay có lãi khoảng 1 tỷ đồng, sau khi trừ tất cả chi phí.

Xem thêm: VinCommerce thời kỳ Masan: Nhận thêm nửa tỷ USD vốn nước ngoài, kỳ vọng như Alibaba hay Amazon

Phương Thúy