Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức
(DNVN) - Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus mới Corona (COVID-19) gây ra đang làm giảm sức cầu trên thị trường và đã tác động tiêu cực vào đời sống xã hội. Bên cạnh các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp như hàng không, du lịch, dịch vụ ăn uống lưu trú… sụt giảm doanh thu thì gánh nặng chi phí cũng đang gián tiếp đè lên các doanh nghiệp khác.
Theo thống kê hai tháng đầu năm, chỉ số công nghiệp của TPHCM đã giảm 2% so với cùng kì, lượng khách đến trung tâm thương mại giảm 40-50%, doanh thu các cửa hàng tiện lợi giảm đến 40%. Tình hình kinh doanh sa sút cũng khiến nhiều cửa hàng tạm đóng cửa, trả mặt bằng hoặc sang nhượng. Đối với ngành du lịch, theo báo cáo từ 50 doanh nghiệp (DN) lữ hành tại TPHCM, lượng khách trong hai tháng qua giảm đến 62% so với năm trước. Doanh thu của 22 khách sạn từ 3 - 5 sao cũng giảm trung bình 63%. Song song với đó, các DN ở nhiều lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng đáng kể do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, như cao su, nhựa, dệt may có 80% nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, da giày khoảng 70 - 75%...
Đánh giá về vấn đề này tại Hội thảo "Dịch COVID-19 cùng DN vượt qua thách thức" mới đây, PGS,TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay các DN đang phải chống chọi rất vất vả với các tác động rất lớn của dịch bệnh từ khâu đầu vào như nguyên liệu, lao động, vốn... đến đầu ra như khách hàng, thị trường, đối tác. Tất cả đều rơi vào tình trạng chững lại làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như tổng thể nền kinh tế.
Theo PGS,TS. Trần Hoàng Ngân, đến nay để tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận vốn, tài chính, thanh toán điện tử. Trong đó triển khai gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 ngàn tỷ đồng trên cơ sở đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh cho DN, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giảm phí... Ngoài ra, gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ sẽ tập trung vào việc miễn giảm thuế, phí, lệ phí...
Đồng thời, nắm bắt những khó khăn của cộng đồng DN, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố (Saigon Co.op) do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19. Theo đó, UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu) của các DN, đơn vị hoạt động trên các lĩnh vực nêu trên và đề xuất lùi thời gian nộp thuế sang quý 3 hoặc quý 4/2020. Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng; giảm 50% thuế thu nhập DN; giảm 50% thuế nhập khẩu; giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đánh giá thiệt hại của dịch bệnh. UBND Thành phố cũng đề xuất xem xét, hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020- 2021, hoãn nộp tiền thuê đất (miễn lãi suất) sang đầu năm 2021. Bên cạnh đó, đối với các chính sách BHXH, Thành phố kiến nghị giãn thời gian nộp BHXH cho người lao động đang làm việc tại các DN thuộc các lĩnh vực đã nêu trên do các DN đang gặp khó khăn về tài chính và tình hình biến động nhân sự, giảm 50% BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho các DN.
Tuy nhiên, PGS,TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng chính sách tài khóa cần tập trung vào miễn giảm thuế VAT. Bởi việc miễn giảm thuế thu nhập chỉ có ý nghĩa đối với những DN có thu nhập, có lợi nhuận; tuy nhiên trong điều kiện hiện nay nếu nói DN có lợi nhuận thì cũng hơi khó. Theo TS. Trần Hoàng Ngân, có thể học tập cách làm của Singapore, ví như hoàn thuế lại cho những cá nhân đã đóng thuế thu nhập trong thời gian qua để kích thích tiêu dùng.
Ông cũng đề xuất Ngân hàng nhà nước cần giảm thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các Ngân hàng thương mại để họ có cơ hội giảm lãi suất cho vay. Song các Ngân hàng thương mại cũng cần phải tiết giảm chi phí vận hành hơn nữa để giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn đảm bảo được mức lãi suất tiết kiệm hợp lý cho người gửi tiền trong điều kiện thị trường khó khăn hiện nay. Đặc biệt, TS. Ngân cho rằng, cần phải tìm kịch bản thúc đẩy kinh tế ngay từ lúc này để khi dịch qua đi sản xuất kinh doanh không bị đứt quãng.
Đại diện phía DN, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, vừa qua, hội đã tiến hành phát phiếu thăm dò tới 100 DN. Đối với các DN lớn, họ có rất nhiều cách để vượt qua khó khăn, nhưng với các DN nhỏ và vừa (số nhiều) thì họ cần sự hỗ trợ rất nhiều, từ lãi suất, giãn, giảm thuế, đến kết nối DN và ngân hàng… Trong tình hình khó khăn hiện nay, hội muốn giúp DN tổ chức các đợt xúc tiến trong nước và nước ngoài cũng không được. Điều mà hầu hết các DN mong mỏi là cần minh bạch các chương trình hỗ trợ cho DN.
Theo bà Hạnh, hiện Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ tín dụng rất lớn nhưng khi DN cần thì không biết nó ở đâu, hoặc hỏi chỗ này, chỉ chỗ kia. Do vậy, cần phân bổ minh bạch các gói hỗ trợ, đưa vốn vào cuộc sống, đúng nơi, đúng DN để phát huy hiệu quả một cách tốt nhất. Kinh nghiệm từ Singapore cho thấy, nhà nước hỗ trợ từ giờ nào đến giờ nào cho các nhóm đối tượng nào, khi DN mở tài khoản thì tiền đã chạy vào rồi. Họ vừa để dành tiền cho việc chống dịch, vừa hỗ trợ cho người khó khăn, đặc biệt là cho DN để giữ chân người lao động. Vì đây chính là nơi tạo ra công ăn việc làm cho nền kinh tế.