Động lực tăng trưởng vẫn "trông" vào nội địa
Phóng viên: Ông bình luận như thế nào về triển vọng của nền kinh tế trước những tác động của tình hình và bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay?
PGS.TS Bùi Quang Tuấn: Rõ ràng là có nhiều thách thức. Năm 2023, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh bất lợi cả bên ngoài lẫn bên trong, cùng những khó khăn lớn của một nền kinh tế mở, chịu phụ thuộc bởi xuất khẩu. Trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, nền kinh tế còn chịu ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng, giá cả, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và độ mở của thị trường. Song những nỗ lực đạt được trong 10 tháng qua đã cho thấy định hướng đúng đắn của Chính phủ và nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Cụ thể như báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, qua 10 tháng năm 2023, kinh tế đất nước đã có những điểm tích cực: nông nghiệp, chăn nuôi phát triển ổn định, khai thác gỗ được đẩy mạnh, lượng thuỷ sản chủ lực tăng; chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng cao so với các tháng tính từ đầu năm; xuất siêu hơn 24,6 tỷ USD; ngành du lịch đạt 10 triệu lượt khách, gấp 4,2 lần cùng kỳ trước và vượt mục tiêu cả năm; giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 65% kế hoạch, tăng gần 23% cùng kỳ trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và thực hiện đạt lần lượt là 15,3 tỷ và 18 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ kể từ năm 2019; doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng khởi sắc hơn; đặc biệt là lạm phát bình quân 10 tháng tăng 3,2% – thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5%.
Tuy nhiên, tôi cũng khá thận trọng khi dự báo về mục tiêu tăng trưởng hiện tại, nên đặt mục tiêu tăng trưởng từ 5 - 5,5% thì hợp lý.
Phóng viên: Theo ông đâu là điểm sáng để thấy rằng nền kinh tế vẫn có triển vọng được thúc đẩy trong tương lai gần?
PGS.TS Bùi Quang Tuấn: Môi trường ở bên ngoài khó khăn gây ra tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam. Đương nhiên, phải tự lực để tự cường thôi. Thực tế cũng đã chứng minh, nếu như chỉ dựa vào bên ngoài thì rất khó có thể hồi phục được mạnh mẽ. Vì thế, cần tính đến dựa nhiều hơn vào thị trường trong nước để làm những trụ cột cho tăng trưởng. Vẫn có những trụ cột khỏe mạnh cần phải được phát huy và những trụ cột yếu cần phải có phương án dự phòng.
Xuất khẩu hiện nay đang là trụ cột yếu. Nhưng tiêu dùng trong nước thì lại có triển vọng sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường ở giai đoạn cuối năm.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá trong 10 tháng năm 2023 có tốc độ tăng cao chứng tỏ niềm tin người tiêu dùng đang dần được hồi phục. Tình hình đầu tư khu vực ngoài nhà nước cũng phục hồi đáng kể và việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng được đẩy mạnh với tốc độ cao hơn trước. Cuối cùng vẫn là chủ trương thúc đẩy đầu tư công, gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng giải ngân.
Trong 2 tháng cuối năm này, đây là giai đoạn chạy nước rút chuẩn bị mùa cao điểm lễ, Tết và hoàn thiện các đơn hàng quốc tế; cũng là 2 tháng nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao… do đó thời điểm này là cơ hội cần sự tập trung cao để bứt phá.
Phóng viên: Ông có dự báo gì về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024?
PGS.TS Bùi Quang Tuấn: Trong bối cảnh này rất khó đoán định, nhận diện hay dự báo về 1 con số tăng trưởng mà ai cũng quan tâm.
Thiết thực hơn, chúng ta nên quan tâm tới những định hướng chính sách để chuẩn bị kiến tạo nền tảng vững vàng hơn trong tương lai. Đó chắc chắn sẽ là chính sách về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh – tăng trưởng bền vững… Những chủ trương, chính sách này nếu có thông tin định hướng sớm thì những doanh nhân-doanh nghiệp tích cực với các hoạt động đổi mới sáng tạo cũng có thể xoay chuyển tình thế, định hướng ngay trong những tháng còn lại của năm – vì những mục tiêu xa hơn, góp phần phát triển kinh tế nước nhà.
Chỉ khi thúc đẩy và khôi phục được nội lực, nền kinh tế sẽ nhanh chóng bước qua giai đoạn khó khăn, thách thức như hiện nay; các doanh nghiệp sẽ không chỉ bảo toàn được lực lượng mà còn có thể củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!