Đồng Nai chi 6.800 tỷ đồng phát triển nhiều tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành
Nhiều tuyến đường ở Đồng Nai được lên kế hoạch xây mới và mở rộng, tổng vốn đầu tư gần 6.800 tỷ đồng, nhằm đẩy mạnh giao thông từ các huyện đến sân bay Long Thành.
Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai vừa lập cáo báo đề xuất UBND tỉnh đầu tư 5 tuyến đường kết nối các huyện Định Quán, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Trảng Bom... với sân bay Long Thành.
Tuyến đường 770B dài 53 km từ huyện Định Quán đi huyện Long Thành, có chi phí đầu tư lớn nhất 2.600 tỷ đồng. Điểm đầu dự án từ xã Phú Túc, huyện Định Quán và điểm cuối giao quốc lộ 51 qua xã Long Phước, huyện Long Thành, quy mô bốn làn xe. Ngoài thông thương với sân bay, dự án còn giúp vận chuyển hàng hóa từ khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn (hơn 3.500 ha), khu công nghiệp Bàu Cạn - Tân Hiệp (hơn 3.600 ha) đến cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.
Tuyến đường 769 (ngoài cùng bên trái) được xem trục đường liên kết nhiều đường đến sân bay. Bên phải là cao tốc TP HCH - Long Thành - Dầu Giây, mặt bằng sân bay Long Thành
Tỉnh lộ 773 từ quốc lộ 1 đến tỉnh lộ 769, dài hơn 51 km, được đề xuất đầu tư với kinh phí 1.700 tỷ đồng, nối các huyện phía bắc của tỉnh như Xuân Lộc, Cẩm Mỹ... với sân bay Long Thành. Trong đó, đoạn từ quốc lộ 1 đến quốc lộ 56 dài 27 km thiết kế bốn làn xe; 24 km từ quốc lộ 56 đến tỉnh lộ 769 được mở từ hai lên bốn làn. Đây là tuyến đường chạy song song quốc lộ 1 liên kết sân bay Long Thành với khu công nghiệp sắp được mở mới ở huyện Cẩm Mỹ.
Tuyến Vành đai 4 từ quốc lộ 1 tại xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom đến tỉnh lộ 769 qua xã Bình An, huyện Long Thành, dài 11 km sẽ được mở lên bốn làn xe, kinh phí hơn 500 tỷ đồng. Đây là tuyến đường tăng kết nối cửa ngõ phía tây sân bay Long Thành, giảm lưu lượng cho quốc lộ 51.
Đường 769E dài 2 km, kinh phí đầu tư 72 tỷ đồng, mở lên bốn làn xe. Điểm đầu dự án là ranh giới sân bay đến Vành đai 4, nhằm giải tỏa cửa phía bắc sân bay Long Thành, hạn chế xe đi đường vòng ra quốc lộ 51.
Nhằm liên kết các cung đường trên đến sân bay Long Thành, tuyến đường 772 từ huyện Trảng Bom đi TP Long Khánh và huyện Xuân Lộc, dài 47 km, được lên kế hoạch xây dựng. Công trình dự kiến làm bốn làn đường, tổng kinh phí 1.920 tỷ đồng, trong đó 30 km đầu tư xây mới, 17 km mở rộng.
Theo Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai, kinh phí đầu tư 5 tuyến đường dự kiến từ ngân sách Trung ương, địa phương và khai thác quỹ đất hai bên đường. Tỉnh sẽ lấy sân bay Long Thành làm trung tâm để xây dựng các tuyến đường nối địa phương với sân bay, hình thành các trục giao thông giúp phát triển kinh tế.
Nút giao cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với quốc lộ 1 tại huyện Thống Nhất
Trước đó, Đồng Nai lên kế hoạch mở rộng tỉnh lộ 769 từ nút giao Dầu Giây đến quốc lộ 51 với kinh phí đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng để đón đầu sân bay Long Thành. Đây là trục đường quan trọng khi hầu hết các tuyến mở mới sẽ đi qua để vào các cửa ngõ sân bay Long Thành.
Sân bay Long Thành giai đoạn một khởi công ngày 5/1 với hạng mục: một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các công trình phụ trợ, công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn này hơn 109.000 tỷ đồng (hơn 4,6 tỷ USD), hoàn thành trong 5 năm.
Phát lệnh khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng kết cấu hạ tầng giao thông là mạch máu quốc gia và tiền đề đón các nhà đầu tư lớn đến Việt Nam. Ngoài thực hiện dự án đúng tiến độ và chất lượng, Bộ Giao thông Vận tải cùng tỉnh Đồng Nai cần nâng cấp, quy hoạch các tuyến đường kết nối khi sân bay hoạt động.
Theo VnExpress